(GLO)- Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, Sàn giao dịch việc làm đầu tiên được Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tổ chức vào ngày 10-3. Có 29 doanh nghiệp đến sàn tuyển dụng nhưng chỉ tuyển được 49 lao động, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng là trên 300 người. Hiện nay, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang “khát” nguồn nhân lực.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Vận tải-Dịch vụ Phú Hoàng (TP. Pleiku) thì thấy, Công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 122 người, làm việc ở các vị trí: quản lý, nhân viên hành chính và lái xe. Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức (TP. Pleiku) do nhu cầu mở rộng ngành nghề sản xuất nên thiếu lao động có tay nghề và lái xe. Ông Phan Văn Định-cán bộ Phòng Tổ chức Công ty cho hay: Đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm việc ở một số vị trí: kỹ sư xây dựng, lái xe con, xe ben…
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn tỉnh thiếu lao động. Ảnh: Đ.Y |
Đặc biệt, Công ty cổ phần Sông Đà 505-Chi nhánh Gia Lai vẫn chưa tuyển đủ lao động theo nhu cầu. Hiện nay, doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng 10 thợ điện, 20 thợ hàn, nề, sắt, có tuổi đời từ 18 đến 30 làm việc ở các công trình tại tỉnh Đak Nông. Tuy vậy, Công ty đến nay vẫn chưa tìm đủ nguồn nhân lực, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của đơn vị.
Còn ông Thân Trọng Vinh-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa (Khu Công nghiệp Trà Đa-TP. Pleiku) thì cho biết: Doanh nghiệp có gần 200 lao động đang làm việc ở các nhà máy đá granite. Việc tuyển nguồn lao động có tay nghề xẻ và cưa đá không phải là dễ. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi, lương thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào trả lương nhích hơn một vài chục ngàn đồng là họ sẵn sàng bỏ việc ngay.
Có thể nói tình trạng thiếu lao động lành nghề ở các doanh nghiệp hiện nay vẫn là bài toán khó. Trên thực tế, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê treo bảng tuyển dụng khắp nơi nhưng vẫn rất khó tuyển được người. Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho biết: Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến Trung tâm đăng ký tuyển khoảng trên 300 lao động, nhiều nhất là lao động phổ thông, thợ lành nghề, lái xe, sau mới đến cử nhân, kỹ sư.
Ảnh: Đ.Y |
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Em-cán bộ nhân sự của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, phân tích: Nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực là do các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu phát triển theo kiểu “ăn xổi”-nghĩa là tuyển lao động vào, trả lương cho họ là xong chứ ít quan tâm đến đời sống người lao động hay tạo điều kiện cho họ phát triển tay nghề, năng lực, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động. Còn với người lao động, nhất là lao động phổ thông thì thường có tâm lý coi chỗ mình làm chỉ là nơi làm tạm thời.
Ông Phan Văn Định-cán bộ Phòng Tổ chức Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức, cho rằng: Doanh nghiệp chỉ thiếu lao động có tay nghề như lái xe, lái máy, mức lương bình quân từ 4 triệu đồng trở lên. Với mức lương như vậy, nhiều lao động khi mới vào học việc thì cho rằng mức thu nhập như vậy là được nhưng khi có tay nghề muốn nâng cao thu nhập thường lại “nhảy việc”. Vì thế, nguồn nhân lực ở doanh nghiệp thiếu và gặp khó là như vậy.
Trước vấn đề này, trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã cử cán bộ đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu vị trí việc làm của các doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển để đăng trên trang thông tin điện tử, sàn giao dịch việc làm.
Cùng với đó, thời gian tới, Trung tâm tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động về các cụm huyện để tuyên truyền, thu hút người lao động tham gia. Song vấn đề đặt ra là số nhân lực cung ứng, giới thiệu vẫn chưa đủ, chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bởi lẽ, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tuyển dụng số lượng vài ba chục lao động. “Tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh phần lớn lao động đến đăng ký tìm việc chủ yếu là cử nhân, kỹ sư. Vì vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng lại khó tuyển còn lao động thì khó tìm việc làm phù hợp. Đây là nghịch lý tồn tại đã lâu ở tỉnh ta”-chị Nguyễn Thị Quỳnh Em- cán bộ nhân sự của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh nói.
Đinh Yến