Gia tăng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh: Nhìn từ phía gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, quý I-2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 85 người chết và 97 người bị thương.

So với cùng kỳ năm 2023, TNGT tăng cả 3 chỉ số: tăng 32 vụ (27,83%), tăng 1 người chết (1,19%), tăng 37 người bị thương (61,67%). Qua phân tích 80 vụ TNGT đã rõ độ tuổi người tham gia giao thông thì độ tuổi dưới 18 (chủ yếu là học sinh) chiếm đến 17,5%. Còn theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh có 2 học sinh tử vong do TNGT.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh” diễn ra ngày 2-11-2023 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, đại diện Bộ Công an cho biết: Tai nạn giao thông liên quan học sinh xảy ra hết sức lo ngại khi làm gần 500 em tử vong mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Trong đó, 10 địa phương xảy ra nhiều là TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, Bến Tre. Như vậy, Gia Lai được xác định là “điểm đen” về TNGT liên quan đến học sinh!

Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn phổ biến. Ảnh: Đ.T

Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn phổ biến. Ảnh: Đ.T

Nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT liên quan đến học sinh, ngày 7-2-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 22-3 vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh có công văn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời, xử lý tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện tham gia giao thông. Tiếp theo đó, ngày 4-3, Ban An toàn giao thông tỉnh có công văn đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường bộ đi qua khu vực trường học.

Theo ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh: Thời gian qua, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Bên cạnh đó, lực lượng Công an toàn tỉnh cũng đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á tài trợ triển khai trên địa bàn TP. Pleiku đạt được một số kết quả khả quan…

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, đến nay, các nguy cơ dẫn đến TNGT trong lứa tuổi học sinh vẫn chưa được loại trừ một cách triệt để. Theo đó, một số trường học vẫn nằm trong khu vực tiềm ẩn các yếu tố gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là những trường học có cổng đấu nối trực tiếp vào quốc lộ, tỉnh lộ, đường trục chính đô thị…

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề nan giải nhất hiện nay là nhiều phụ huynh vẫn chưa nắm vững Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản khác liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, nhiều phụ huynh vẫn vô tư giao xe máy, xe máy điện cho con điều khiển đến trường trong khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, một số phụ huynh dù biết vi phạm quy định nhưng vì bận công việc nên vẫn giao xe máy, xe máy điện cho con dù chưa đủ tuổi theo quy định. Vì vậy, việc gia tăng số vụ TNGT liên quan đến học sinh trong thời gian qua có nguyên nhân từ phía phụ huynh!

Điều 264 Bộ luật Hình sự quy định rõ các mức hình phạt đối với tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng trước khi quyết định cho con em điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu quý phụ huynh vẫn còn tâm lý “chậc lưỡi cho qua” thì hệ lụy sẽ khôn lường!

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.