Nông dân phấn khởi
Là một trong những hộ người Bahnar có thâm niên trồng cà phê, ông Uê (làng Tuơh Klăh, xã Glar, huyện Đak Đoa) rất phấn khởi khi giá cà phê liên tục tăng trong 2 năm trở lại đây.
Ông Uê cho hay: “Cây cà phê đã làm thay đổi đời sống gia đình mình cũng như dân làng Tuơh Klăh. Mình trồng cà phê gần 20 năm nay và là người tiên phong tham gia tổ liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Những năm trước, dù có thời điểm giá cà phê xuống thấp nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn cà phê của gia đình cho năng suất cao, bình quân đạt 4-5 tấn nhân/ha. Niên vụ vừa rồi, với 2 ha, mình thu được hơn 8 tấn cà phê nhân. Dù chỉ bán được với giá 71 ngàn đồng/kg nhưng gia đình cũng có thu nhập khá cao. Hy vọng giá cà phê giữ ổn định như hiện nay (khoảng 120 ngàn đồng/kg) thì mình cũng như dân làng sẽ ngày càng khấm khá hơn”.
Ông Uê cũng như dân làng Tuơh Klăh (xã Glar, huyện Đak Đoa) khá phấn khởi khi giá cà phê tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: N.Q |
Năm ngoái, năng suất cà phê của gia đình ông Lê Đăng Tuyến (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cũng đạt gần 5 tấn nhân/ha. Thời điểm gia đình ông xuất bán, giá cà phê chỉ hơn 70 ngàn đồng/kg.
Ông chia sẻ: “Dù đã bán hết toàn bộ số cà phê nhưng nhìn thấy giá mặt hàng liên tục tăng trong thời gian qua, tôi cũng rất vui. Gia đình hiện có 1 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh và khoảng 5 sào đang tiến hành tái canh, trồng xen cây sầu riêng. Tôi hy vọng giá cà phê tiếp tục giữ ổn định. Đây là động lực để tôi tiếp tục tham gia liên kết sản xuất cà phê theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, giá trị”.
Không chỉ cà phê mà giá các loại nông sản khác như hồ tiêu, sầu riêng, lúa, mía… cũng tăng và khá ổn định từ đầu năm đến nay. Điều này đã mang lại niềm vui lớn cho bà con nông dân trong tỉnh.
Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng của người dân và ổn định thị trường đầu ra. Ảnh: T.N |
Với gần 200 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, gia đình anh Nguyễn Thiện Nhật (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) thu được hơn 10 tấn quả. Với giá đặt cọc tại vườn là 73 ngàn đồng/kg loại 1, sau khi trừ chi phí, gia đình anh bỏ túi gần 400 triệu đồng.
“Nếu tính cả 1,5 ha cà phê thì tôi thu được khoảng 600 triệu đồng. Hiện tại, giá sầu riêng đang có dấu hiệu bấp bênh nên tôi không có ý định mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc số hiện có, chú trọng canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu, cà phê tăng khá cao trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng cho gia đình và người dân trên địa bàn”-anh Nhật cho hay.
Hướng đến sản xuất bền vững
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 48,6 ngàn ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; trong đó, tái canh gần 17,6 ngàn ha cà phê, góp phần cải tạo giống, nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có trên 256 ngàn ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic, chiếm khoảng 43,6% tổng diện tích gieo trồng. Tỉnh đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, phương thức sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực.
Bà con nông dân không chỉ biết thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ mà còn áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch, nhất là gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi, Nga... Tuy nhiên, khâu liên kết, hợp tác trong sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận buôn bán; việc tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về sản lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm.
Nhìn chung, nông dân còn thiếu kiến thức khoa học, kiến thức quản trị sản xuất, thông tin thị trường nên thường sản xuất chạy theo giá, loại nông sản nào có giá thì ồ ạt chuyển sang trồng.
Cũng như nông dân các địa phương trong tỉnh, trước đây, khi chanh dây, mít Thái, bơ booth… có giá cao, người dân xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) ồ ạt chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng các loại cây này. Chính vì ồ ạt trồng không theo quy hoạch dẫn đến “vỡ trận”, cây trồng thì xuất hiện nhiều sâu bệnh hại, giá rớt thê thảm khiến không ít nông dân rơi vào cảnh điêu đứng.
Ông Phạm Bá Năm-Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-cho biết: Bài học từ việc sản xuất không theo quy hoạch vẫn là “sợi dây kinh nghiệm” chưa có hồi kết của nông dân trên địa bàn. Do đó, dù phấn khởi khi giá các mặt hàng nông sản như cà phê, sầu riêng… tăng cao trong thời gian qua nhưng xã cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng.
Thay vào đó, bà con cần tập trung nâng cao chất lượng, giá trị vườn cây từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ.
Người dân đã quan tâm đến việc sơ chế, chế biến nông sản để nâng cao giá trị. Ảnh: Q.T |
Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì cho hay: Giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao và giữ ổn định thời gian gần đây là điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, huyện khuyến cáo người dân không nên ồ ạt sản xuất chạy theo giá, tránh lặp lại những bài học đắt giá như trước đây.
Cùng với đó, huyện khuyến khích người dân mạnh dạn tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Ngoài ra, huyện cũng chú trọng phát triển sản phẩm OCOP cũng như hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường quản lý, siết chặt công tác kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng mua phải giống kém chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả gây thiệt hại cho người dân.
Giá nông sản tăng cao sẽ góp phần hình thành các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho tiêu thụ trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Ảnh: N.D |
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá một số nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, lúa, mía, mì, sầu riêng… tăng cao đã góp phần cải thiện đời sống người dân, giúp bà con có điều kiện tái đầu tư.
Ngoài các yếu tố khách quan, việc người dân thay đổi tư duy, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với các cơ sở thu mua, chế biến… đã giúp nâng cao giá trị nông sản Gia Lai trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm tốt công tác phối hợp với Sở Công thương để thường xuyên thông tin giá cả thị trường các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cũng như dự báo trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, khuyến cáo người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, bà con không nên chạy theo giá thị trường mà tập trung phát triển sản xuất theo định hướng và kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt.