Chưa năm nào người trồng mì trên địa bàn tỉnh lại vui mừng như năm nay, khi giá liên tục duy trì ở mức cao. Không những vậy, năng suất mì cũng cao hơn với những năm trước. Tuy nhiên, việc giá mì tăng cao như hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy rất khó lường.
Hiện nay, Gia Lai có diện tích mì hàng năm lên đến trên 50.000 ha. Những năm qua, việc cây mì luôn được người dân phát triển diện tích nhờ những đặc tính như: Dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và đặc biệt là chuyện đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác…
|
Ảnh: K.N.B |
Vụ thu hoạch mì năm 2010-2011 đang đi vào giai đoạn cuối vụ, hầu hết người trồng mì đều phấn khởi khi năng suất mì bình quân ước đạt 20-25 tấn/ha, cá biệt một số hộ nhờ sử dụng giống KM95 và đầu tư phân bón nhiều, nên năng suất còn cao hơn. Ông Nguyễn Xuân Tạo, ở thôn Cây Xoài, xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) cho biết: “Đây là năm đầu tiên năng suất mì đạt con số xấp xỉ 30 tấn tươi/ha. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều nông hộ khác trong thôn năm nay thu nhập 200-300 triệu đồng từ loại cây này. So với cây lúa, bắp… do chi phí đầu tư sản xuất lớn nên hiệu quả kinh tế không bằng cây mì”.
Chuyện cây mì được giá là niềm phấn khởi cho người nông dân. Trong thời điểm giá cả vật tư nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng lên từng ngày thì giá mì tăng cao và ngang bằng với nhiều loại cây trồng khác là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, việc giá mì tăng cao như hiện nay khiến nhiều cơ quan chuyên môn không khỏi lo lắng bởi đây là loại cây làm đất nhanh bạc màu, xói mòn, thoái hóa…
Đặc biệt, mới đây tại xã Ia Hla đã xuất hiện bệnh chổi rồng, một đối tượng sâu bệnh mới lây lan rất nhanh làm mì giảm năng suất, tỷ lệ tinh bột giảm. Mặc dù cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời không để lây lan trên diện rộng và thiệt hại kinh tế nhưng là một trong những nỗi lo trong vụ trồng mì sắp tới.Ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết: “Từ trước đến nay, bệnh chổi rồng chưa hề xuất hiện trên địa bàn tỉnh mà chỉ có ở Kon Tum và Quảng Ngãi. Trước tình hình này, Chi cục đã yêu cầu UBND huyện Chư Pưh đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, khoanh vùng toàn bộ khu vực có mì bị bệnh để thu gom toàn bộ lá, thân cây mì làm hom giống đốt để tránh tình trạng lén lút làm giống gây hại cho vụ sau. Đây là đối tượng sâu bệnh mới, mang nhiều ẩn họa vì vậy cần phải theo dõi và xử lý triệt để”.
Bên cạnh dịch bệnh, giá mì tăng khiến công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ gặp không ít khó khăn khi người dân có thể phá rừng để trồng mì bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu chế biến nhiều loại cây trồng của các nhà máy chế biến. Mặc dù tỉnh đã có quy hoạch chi tiết từng vùng, loại cây giai đoạn 2011-2015. Theo hướng khống chế ở mức 50.000 ha nhưng xem ra sẽ rất khó thực hiện nếu giá mì tiếp tục cao và ổn định như hiện nay.