(GLO)- Ngành Vận tải đang bước vào mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Do vậy, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai tập trung lực lượng triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng nhằm hạn chế tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Từ ngày 10 đến 25-12-2020, Thanh tra Sở GT-VT đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ trên địa bàn tỉnh; tập trung trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. “Đợt cao điểm lần này trùng với đợt ra quân của Thanh tra Sở GT-VT các tỉnh, thành khác trên cả nước. Đồng thời, trùng đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng Công an toàn tỉnh. Sự phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng đã tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hạn chế tình trạng chở quá khổ, quá tải”-ông Nguyễn Đăng Hưng-Chánh Thanh tra Sở GT-VT-khẳng định.
Tập trung xử lý xe quá khổ, quá tải
Trước Tết Nguyên đán khoảng 1-2 tháng là mùa cao điểm vận tải hàng hóa, tập trung lượng phương tiện vận tải lưu thông, phân phối hàng hóa lớn nhất trong năm. Trước áp lực cạnh tranh, giới vận tải tìm mọi cách cơi nới thùng xe để chở hàng nhằm gia tăng lợi nhuận. Phổ biến nhất là hành vi “căn” giờ nghỉ hoặc giao ca của lực lượng chức năng, hay chọn cung đường lực lượng chức năng ít xuất hiện để chở hàng quá tải, quá khổ.
Tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện và các hành vi ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông trên đường Trường Sơn Đông. Ảnh: Lê Hòa |
Tuy nhiên, với sự ra quân đồng loạt của lực lượng chức năng, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải đã giảm mạnh. Bởi lẽ, các chiêu thức né tránh lực lượng chức năng khó lòng lọt qua các điểm tuần tra, xử lý của Thanh tra Sở GT-VT và Cảnh sát Giao thông. Anh Nguyễn Công Đức-tài xế xe chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai-cho biết: “Tôi biết mức xử phạt đối với hành vi chở quá tải rất nặng nên không dám vi phạm”.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tình hình kinh tế khó khăn khiến nhu cầu vận tải dịp gần Tết năm nay giảm mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp tài xế cố tình vi phạm quy định về tải trọng cho phép và bị xử phạt nghiêm khắc.
Điển hình như trường hợp lái xe Huỳnh Quang Trung (SN 1969, trú tại TP. Kon Tum) điều khiển xe ô tô BKS 82C-049.54 kéo theo rơ moóc BKS 82R-000.83 (thuộc Công ty TNHH một thành viên Tân Anh, TP. Kon Tum) bị Thanh tra Sở GT-VT phát hiện chở quá tải trọng cho phép vào lúc 11 giờ 25 phút ngày 22-12-2020 trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thị trấn Chư Sê). Qua cân kiểm tra tải trọng xe đã ghi nhận phương tiện do tài xế Trung điều khiển chở quá tải trọng 30% so với giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tài xế Trung và Công ty TNHH một thành viên Tân Anh đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ 22,3 triệu đồng và bị tước phù hiệu vận tải 2 tháng.
Ông Nguyễn Trung Sơn-Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GT-VT) thông tin: “Qua 15 ngày ra quân, lực lượng Thanh tra Sở GT-VT đã lập biên bản xử lý 6 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 110,3 triệu đồng; tước có thời hạn 2 giấy phép lái xe, 4 phù hiệu vận tải và buộc hạ tải 28,93 tấn hàng hóa. Như vậy có thể thấy rằng, ý thức chấp hành quy định về tải trọng của cá nhân, tổ chức đã được cải thiện, tình trạng vi phạm quy định tải trọng đã được hạn chế”.
Ngăn chặn xe chở mía, mì vượt tải trọng
Hiện nay, các nhà máy đường, mì ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh đã bước vào vụ sản xuất. Vì thế, ngay từ đầu mùa vụ, Thanh tra Sở GT-VT đã cử 3 đội nghiệp vụ tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình và làm việc với các đơn vị về vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện chuyên chở nguyên liệu. Thanh tra Sở GT-VT và đại diện lãnh đạo các nhà máy ký cam kết thực hiện quy định về tải trọng trong quá trình thu mua, vận chuyển nông sản; phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong suốt vụ thu hoạch, Thanh tra Sở GT-VT bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường trọng yếu, huyết mạch dẫn về nhà máy để kịp thời xử lý các trường hợp xe chở quá tải trọng.
Thanh tra Sở GT-VT cân tải trọng xe chở mía trên đường Trường Sơn Đông-đoạn qua huyện Kông Chro. Ảnh: Lê Hòa |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-thông tin: Vụ mía 2020-2021, vùng nguyên liệu của Nhà máy có khoảng 18.000 ha ở các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Năm nay, năng suất mía tại ruộng ước đạt 60-61 tấn/ha (tăng khoảng 17 tấn so với niên vụ trước). Từ ngày 15-12-2020, Nhà máy đã chính thức thu mua mía nguyên liệu. Hiện nay, Nhà máy đang duy trì hoạt động 2/3 dây chuyền ép mía, công suất khoảng 9.500-10.000 tấn mía/ngày.
“Năm nay, toàn vùng có 550 xe chở mía nguyên liệu. Nhà máy không ký hợp đồng vận chuyển mà do các đơn vị, tổ chức khác thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu tài xế phải tuân thủ nghiêm việc chuyên chở đúng tải trọng cho phép. Nếu vi phạm khi về nhà máy có thể sẽ bị từ chối nhập nguyên liệu. Qua khảo sát từ hệ thống cân tại nhà máy những ngày qua, mỗi chuyến xe chở mía dao động khoảng 18-22 tấn”-ông Phước cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn-tài xế xe tải BKS 81C-017.59)-chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, lực lượng chức năng và lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê yêu cầu tài xế và chủ xe vận chuyển mía nguyên liệu phải thực hiện nghiêm quy định về tải trọng.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình trạng chở quá khổ, quá tải sẽ được ngăn chặn triệt để trong dịp cao điểm vận tải cuối năm.
LÊ HÒA