Gia Lai gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 8-2022 đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận điều trị nội trú cho gần 800 bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp, chiếm hơn 1/4 tổng số ca mắc tính từ đầu năm.
Khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh) được biên chế 163 giường bệnh. Tuy nhiên, tính đến sáng 20-9, Khoa đã tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhi. Trong số này có gần 80% mắc các bệnh lý về hô hấp như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Hầu hết trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi. Do bệnh nhi đông nên Khoa đã phải kê thêm giường ngoài hành lang, có giường phải ghép đôi, ghép ba.
Bác sĩ Rmah Din-Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp-Y học cổ truyền-cho biết: Bệnh viện đã thông báo cho người nhà về việc ghép chung giường bệnh do số ca nhập viện điều trị tăng cao. Chúng tôi chịu nhiều áp lực và phải tăng thêm nhân lực hỗ trợ từ các điều dưỡng viên để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhi.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Ý
Bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Như Ý
Theo bác sĩ Rmah Din, hiện đang là thời điểm chuyển mùa, thời tiết thất thường, trong khi đó, trẻ mới nhập học nên các bệnh đường hô hấp gia tăng. Nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc điều trị nhưng không đỡ dẫn đến phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, gây thêm khó khăn trong công tác điều trị. Bệnh viện khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng lại toa thuốc cũ, dẫu trẻ có những triệu chứng như lần trước. Việc dùng thuốc nào, liều lượng ra sao phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Chị Nguyễn Thị Hoa Tiên (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Con tôi bị viêm phổi. Khi phát hiện cháu bị bệnh, tôi mua thuốc cho uống nhưng không đỡ mà bệnh nặng hơn. Vì vậy, gia đình đưa cháu vào bệnh viện. Bác sĩ khuyến cáo cháu còn nhỏ nếu đau ốm thì nên thăm khám kịp thời, uống thuốc theo chỉ định, không nên tự ý điều trị”.
Cũng có con bị viêm phổi, chị Trịnh Thị Mỹ Nương (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nói: “Con tôi gần 6 tháng tuổi. Trước đây, cháu đã nhập viện vì viêm phổi, khỏi bệnh về nhà được vài tuần thì tái phát, lại phải nhập viện điều trị. Vào đây thấy trẻ nhập viện rất đông, nằm chung giường bệnh nhưng mình phải chấp nhận. Bệnh nhân đông, các y-bác sĩ vất vả nhưng thăm khám, chăm sóc nhiệt tình, chu đáo”.
Nhân viên y tế tiêm thuốc cho bệnh nhi tại Khoa Nội Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế tiêm thuốc cho bệnh nhi tại Khoa Nội Nội tổng hợp-Y học cổ truyền (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Rmah Din: “Bệnh hô hấp có khả năng lây lan nhanh từ người sang người khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện gần. Ngoài ra, nếu chạm tay vào các bề mặt có dính vi rút hay vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc, phòng ngừa bệnh bằng cách chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên, giữ ấm cho trẻ, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi ra ngoài cần cho trẻ đeo khẩu trang… Khi thấy các dấu hiệu sốt cao liên tục, ho, khó thở thì cần cho trẻ nhập viện điều trị”.  
Không chỉ các bệnh lý hô hấp, một số bệnh khác cũng gia tăng trong thời gian này như: cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: 2 tháng gần đây, trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tăng cao. Đến sáng 20-9, có hơn 50 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Nhiều trường hợp phụ huynh sợ con nghỉ học nhiều, trì hoãn nhập viện thành ra bệnh nặng, rất nguy hiểm. Ngoài sốt xuất huyết, Khoa cũng đang điều trị cho gần 20 bệnh nhi mắc Covid-19. Đa số trẻ mắc do chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Theo bác sĩ Từ Thị Mai Linh-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh: Thông thường, số ca mắc bệnh đường hô hấp gia tăng vào mùa thu đông, nhất là 3 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, một số bệnh dịch lưu hành khác như: cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... cũng đang trong mùa cao điểm. Dự lường tình hình này, Bệnh viện đã chủ động thuốc men, vật tư y tế và nhân lực để thu dung, điều trị cho bệnh nhân.
NHƯ Ý
 

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...