Gia Lai: Dự án nâng cấp quốc lộ 19 ảnh hưởng đến người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án quốc lộ 19 đang thi công nâng cấp, mương nước của công trình xây quá cao, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Nhiều tháng nay, các hộ dân dọc tuyến quốc lộ (QL) 19 đang thi công qua địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục phản ánh tình trạng trước cổng nhà bị chắn bởi công trình mương nước quá cao, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Có đoạn đất đá vương vãi, bụi đất của công trình văng vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bà con.
Ra vô nhà cũng rất khó khăn
Để có lối đi ra vào nhà, anh Lê Anh Tú (ngụ thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa) phải mất một buổi hì hục đẩy xe rùa chở đất đá đổ tạm bắc qua mương để có đường vào nhà. Kể từ khi có công trình mương nước trước nhà, gia đình anh Tú ở trong nhà nhìn ra không còn thấy gì ngoài đường.
“Mương cao hơn 1,5 m so với nền nhà tôi. Bữa giờ đi lại, ra vô nhà bất tiện lắm, rất khó khăn, ngay cả xe máy cũng không vào được. Hằng ngày đi làm về phải chạy đi gửi xe ở nhà người quen. Mọi sinh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn hơn, nông sản đưa vô nhà cũng phải vác trên vai. Tôi không hiểu sao họ làm cái mương cao đến như vậy” - anh Tú nói.
Theo anh Tú, nhiều hộ dân có nhà mặt đường như nhà anh cũng lâm vào hoàn cảnh cực khổ tương tự nhiều tháng nay. Người dân ở đây rất mong sao tuyến đường thi công cho nhanh, chứ kéo dài thì dân cũng khổ dài theo.
Ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đắk Đoa), cho biết tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, xã đã nhận được phản ánh của người dân, ghi nhận vụ việc và đã phản ánh lên HĐND huyện. Người dân kiến nghị nội dung chủ yếu là mương nước trước nhà quá cao, gây khó khăn cho việc đi lại, thời gian thi công chậm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Theo ông Phương, vừa qua có trận mưa lớn khiến đất đá ở những vị trí thi công tràn ra mặt đường, rất nguy hiểm. Quá trình tuần tra, công an xã phát hiện tình trạng nhiều vị trí thi công không có biển báo, đèn tín hiệu theo quy định vào ban đêm, gây mất an toàn giao thông và đã lập biên bản vụ việc.
Huyện đã nhận được phản ánh của người dân
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, cho biết qua phản ánh của người dân, huyện đã có ý kiến với chủ đầu tư, đơn vị thi công để xử lý, tránh gây phiền hà cho người dân. Đồng thời yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình, báo cáo cho huyện. Với dự án này, huyện chỉ phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công sớm, còn thiết kế như thế nào thì huyện không rõ.

Anh Lê Anh Tú chở đất đá làm cầu tạm vào nhà vì mương nước của công trình quá cao. Ảnh: LK
Anh Lê Anh Tú chở đất đá làm cầu tạm vào nhà vì mương nước của công trình quá cao. Ảnh: LK
Tại địa phận xã Bình Giáo (huyện Chư Prông), nhiều hộ dân cũng khổ sở vì quá trình thi công tuyến QL19 đi ngang qua đây. Bà Phạm Thị Cà, thôn Thanh Bình (xã Bình Giáo), cho hay quá trình làm đường khiến đất đá lấp sân, vườn nhà của gia đình bà. Khoảng một tháng nay, đơn vị thi công đào đất lên chất đống cao, đến khi mưa xuống cuốn theo đất đá gây ảnh hưởng đến cây trồng và cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.
Ông Huỳnh Tri, trưởng thôn Thanh Bình, xã Bình Giáo, cho biết qua phản ánh của bà con, thôn có đi kiểm tra và thấy tình trạng đất đá tràn vào vườn, nhà dân gây bụi là có. Quá trình làm đường, đơn vị thi công đào rãnh cũng gây khó khăn cho việc đi lại của bà con.
Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Ngọc Nam (Ban quản lý dự án 2, Bộ GTVT), cho biết liên quan phản ánh của người dân, đơn vị đã kết hợp với Sở GTVT tỉnh Gia Lai kiểm tra công trình. Chủ đầu tư cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, hạn chế ảnh hưởng đến người dân. Những chỗ ngang nhà dân đều có vuốt nối, đảm bảo an toàn cho các hộ dân xung quanh công trình.
Về vấn đề mương nước cao chắn trước nhà dân, ông Nam cho biết không có chỗ nào cao bất thường. Ở những đoạn mương chênh lên đều có lý do, có nhiều yếu tố về kết cấu mặt đường. Cao không nhiều, chỉ cao hơn 20-30 cm.
Được biết dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (thường gọi dự án nâng cấp QL19) dài khoảng 143 km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, do Ban quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỉ đồng), thi công từ cuối tháng 8-2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Nhiều điểm thi công mất an toàn
Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III) cho biết đơn vị đã nhiều lần kiểm tra dự án nâng cấp QL19, phát hiện việc thi công có một số tồn tại như: Không có người hướng dẫn giao thông, không bố trí cọc tiêu, dây văng; mặt đường có nhiều ổ gà gây mất an toàn giao thông.
Đến nay, Cục Quản lý đường bộ đã có bảy quyết định xử phạt nhà thầu thi công công trình.
Theo LÊ KIẾN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.