(GLO)- Dù chưa hình thành các “điểm nóng” về ma túy nhưng tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, để đẩy lùi loại tội phạm và tệ nạn ma túy, ngoài sự quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh thì còn cần có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.
Tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp
Thời gian qua, hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ song khá phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 91 vụ tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 14 vụ so cùng kỳ năm 2017). Các loại ma túy mà các đối tượng tàng trữ, mua bán, sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp đưa về Gia Lai từ các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh dưới hình thức ký gửi hàng hóa qua xe khách.
Đối tượng Hồ Phúc Toàn bị Công an tỉnh bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy vào ngày 14-6 tại phường Ia Kring (TP. Pleiku). Ảnh: L.A |
Qua phân tích của lực lượng chức năng, các đối tượng tàng trữ, mua bán ma túy thường là người nghiện. Do không có tiền để sử dụng, các đối tượng này đã tìm mua ma túy mang về bán lại cho người nghiện khác để kiếm lời, lấy tiền tiếp tục sử dụng ma túy. Hiện nay, toàn tỉnh có 916 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 847 người nghiện (223 người vừa nghiện vừa nghi vấn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy) và 69 đối tượng nghi vấn tàng trữ, mua bán hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Điều đáng lo ngại là số địa bàn có ma túy ngày càng gia tăng. Thậm chí, ma túy đã thâm nhập về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện ma túy đã thâm nhập vào 116/222 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố (tăng 2 địa bàn so cuối năm 2017). Thành phần đối tượng liên quan đến ma túy cũng rất đa dạng, phức tạp; tỷ lệ nữ giới liên quan đến ma túy gia tăng (hiện có 66 đối tượng, tăng 1,2% so với cuối năm 2017). Số đối tượng trong độ tuổi thanh-thiếu niên liên quan đến ma túy tuy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hiện toàn tỉnh có 594 đối tượng liên quan đến ma túy đang trong độ tuổi thanh-thiếu niên, chiếm 64,85% tổng số đối tượng.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ma túy không chỉ trực tiếp hủy hoại sức khỏe con người, làm khánh kiệt kinh tế gia đình người nghiện mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Thực tế cho thấy, ma túy là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hình sự khác như: cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ với 21 đối tượng nghiện ma túy gây án, tăng 11 vụ, tăng 13 đối tượng so cùng kỳ năm 2017. Chính vì vậy, để phòng-chống tội phạm và tệ nạn ma túy một cách hiệu quả, từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng thì cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh-Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh, cho rằng: “Tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh dù đã được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, giới trẻ đang có xu hướng sử dụng các loại ma túy tổng hợp vì tò mò và nghĩ rằng loại ma túy này không gây nghiện. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm vì tất cả các loại ma túy đều gây nghiện. Khi đã nghiện, để có tiền sử dụng ma túy thì dễ dẫn đến các hành vi phạm tội. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng ngừa của lực lượng Công an thì các gia đình phải quan tâm quản lý, giáo dục con cháu mình tránh xa ma túy. Khi phát hiện con cháu mình nghiện ma túy, gia đình không nên bao che mà phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện…”.
Ngoài việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy thì hiện nay vấn đề quan tâm giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng cũng cần được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện Ma túy, cho biết: “Hiện cơ sở đang quản lý 119 học viên, trong số đó có một số học viên đã cai nghiện thành công nhưng tái nghiện. Qua trao đổi; một số học viên cho rằng khi cai nghiện thành công trở về cộng đồng, họ bị xã hội, thậm chí gia đình xa lánh nên cảm thấy lạc lõng. Ngoài ra, khi vào trung tâm, các học viên được đào tạo nghề thành thạo nhưng lúc đi xin việc làm thì rất ít nơi dám nhận, dẫn đến tâm lý chán nản, bạn bè rủ rê nên tái nghiện. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng, khi các học viên chấp hành tốt nội quy, cai nghiện thành công trở về sẽ nhận được nhiều hơn sự cảm thông, tạo điều kiện giúp đỡ của xã hội. Đây cũng là điều rất quan trọng để tạo cơ sở, niềm tin cho các học viên khác phấn đấu tốt hơn…”.
Ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân về tác hại của ma túy để tự giác, chủ động phòng ngừa; tích cực tham gia quản lý người sau cai nghiện, tạo việc làm, ổn định cuộc sống để họ tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng làm trong sạch địa bàn, tiến tới đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng. Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Lê Anh