Gia đình… mì Quảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm sát bên quốc lộ 19 (đoạn qua thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa), lò mì Quảng của mẹ con chị Phan Thị Tâm từ lâu đã được những người yêu thích mì Quảng trong và ngoài huyện biết tiếng.

Cả nhà làm nghề

(GLO)- Niềm nở đón tôi vào nhà là bà Tám-mẹ chị Tâm. Năm nay, bà đã ngoài 70 tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn. Nghe tôi hỏi chuyện, bà Tám chợt ngồi sững lại, im lặng khá lâu. Riết rồi bà mới rủ rỉ chuyện trò, nói đủ nghe với chất giọng đặc sệt Quảng Nam, khiến tôi phải hết sức chú tâm mới nghe rõ câu chuyện của bà. Bà Tám cho hay, mẹ bà là người làm mì Quảng lá có tiếng ở đất Bình Quế (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Cũng nhờ lò mì bé nhỏ nhưng được khách chuộng ăn ấy, chị em bà Tám lớn lên, mỗi người gầy dựng cuộc sống ở một nơi và ai cũng biết làm nghề của mẹ.

 

 Chị Phan Thị Tâm đang tráng bánh. Ảnh: T.B
Chị Phan Thị Tâm đang tráng bánh. Ảnh: T.B

Cách đây hơn hai mươi năm, vợ chồng bà Tám lên Gia Lai lập nghiệp. Lúc đầu tính chuyện trồng trọt hoặc chăn nuôi để chăm lo cuộc sống gia đình, nhưng sau thấy dân trong làng, trong xã chủ yếu là người Quảng Nam, bà quyết định mở lò mì Quảng với mong muốn đem món ngon của quê hương đến với những người xa quê. “Những mẻ bánh đầu tiên, tôi thử làm bằng gạo mua tại Gia Lai. Khi ăn thấy không ngon bằng gạo quê nhà nên tôi về quê lựa cho được loại gạo phù hợp. Suốt mấy mươi năm ròng, tôi ngâm gạo, vuốt nước, chồng tôi xay bột, khi tôi đốt lò tráng bánh thì các con phụ giúp. Cả nhà 4 người cứ thế xoay vòng, ngày nối ngày quẩn quanh bên lò mì, nhưng mà vui, mà hạnh phúc”-bà Tám nhỏ nhẹ kể.

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, khi bà Tám sức yếu không ngồi bên bếp để tráng bánh được nữa thì chị Phan Thị Tâm (SN 1966)-người con gái đầu đã thay mẹ làm nghề. Vì chỉ có một mình làm nghề nên mỗi ngày chị Tâm cũng chỉ làm được khoảng 40-45 kg gạo. Bạn hàng của lò mì vì vậy chủ yếu là mối quen-một vài quán hàng ăn buổi sáng chuyên bán mì Quảng; khách lẻ muốn mua thì đôi khi phải gọi điện đặt trước, thường là người gốc Quảng đang làm ăn sinh sống tại Gia Lai. Tuy nhiên, kể từ khi chị Phan Thị Thanh (SN 1974)-người con gái thứ 2 mở quán mì Quảng Thanh tại 258 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa thì mỗi ngày lại có thêm những thực khách biết đến món mì Quảng thơm ngon được làm thủ công này.

Thơm ngon mì Quảng lá

Bà Tám cho hay, để có được những lá mì Quảng ngon, có độ giòn dai và thơm thì gạo thường phải ngâm khoảng 8 tiếng, sau đó vuốt gạo cho ráo nước, rồi xay đều tay cho bột mịn. Bột xay xong lại được cho vào nước có pha một lượng muối hạt nhất định để ngâm, cứ 1-2 tiếng chắt nước một lần, cho bột không bị chua, đến tầm 2 giờ sáng thì bắt đầu nổi lò tráng bánh. 1 kg gạo quê ngon trung bình sẽ làm được 2-2,2 kg bánh, một lá bánh nặng 0,5 kg; trung bình 1 giờ thì làm được 12 kg gạo, lửa tốt thì có thể làm được khoảng 13-14 kg.

Góp vào câu chuyện của mẹ, chị Phan Thị Tâm tươi cười: “Bây giờ, những việc có phần nặng nhọc như đổ gạo để vuốt cho tới khi nào nước trong và xay bột đã có cậu con trai út giúp. Bạn hàng ngày một nhiều hơn nhưng tôi không dám nhận vì sợ sức mình làm không xuể. Dạo trước, cả nhà cũng đã bàn tới chuyện chuyển qua làm mì bằng máy để cung cấp cho đủ nhu cầu của khách, nhưng tính đi tính lại một hồi lại thôi bởi e ngại khách quen dùng mì được làm thủ công, khi ăn sang mì làm máy sẽ kém ngon, người yêu nghề như mẹ và tôi, cả hai đều không muốn”.

Nhìn những lá mì trắng mịn, nóng hổi, phảng phất mùi hương của gạo đang được chị Tâm nhanh tay dùng cây lẹm nêu lên rồi để ngay ngắn trên giá bánh, tôi càng hiểu hơn những chia sẻ đó. Chị Tâm cho biết thêm, ăn mì Quảng theo truyền thống của người Quảng thường có 2 cách: Một là, lá mì sau khi tráng chỉ cần cắt làm đôi làm ba rồi gấp gọn lại, cầm trên tay chấm với xì dầu hoặc mắm nêm hay dùng một ít chao trộn với xì dầu, chút đường, trái ớt để làm nước chấm, tùy vào khẩu vị mỗi người. Hai là, mì xắt thành sợi to cho vào chén lớn ăn kèm với nhân mì gồm phần nước dùng nấu sền sệt từ tôm, gà, thịt heo… khi ăn kèm với bánh tráng nướng, rau bắp chuối, cải mầm, đậu phộng rang và ớt xanh. “Quán mì Quảng Thanh của em gái tôi đang bán theo cách thứ hai, được khách hàng khá ưa chuộng. Thêm một “bí quyết” để thưởng thức mì Quảng ngon nhất, ấy là khi ăn, phải ăn theo kiểu “ào ào” mới ngon”-chị Tâm cho biết thêm.

Dành vài buổi sáng đến ngồi ăn sáng ở quán mì Quảng Thanh mới thấy quán đông khách như thế nào. Ông Phạm Khôi (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tôi người Quảng nên thường xuyên đến quán này ăn sáng, vừa thưởng thức được đúng hương vị quê nhà lại có dịp chuyện trò với đồng hương. Mì Quảng ở đây ngon”. Còn nói như chị Nguyễn Thị Loan (số 12 đường 17-3, TP. Pleiku) thì: “Có lần tôi được người bạn cho ký mì lá mua tại lò chị Tâm, ăn một lần mà nhớ mãi. Những lần sau muốn ăn, tôi lại nhờ bạn mua giùm, có 12.000 đồng/kg, rất rẻ mà rất vừa miệng”.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null