(GLO)- Trước sức ép của dư luận và sự vào cuộc của các ngành chức năng, cước vận tải đã bắt đầu giảm theo giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại Gia Lai hiện chỉ mới có một vài đơn vị thực hiện và mức giảm vẫn không đáng kể, nhất là đối với cước xe chạy tuyến cố định.
Hãng Taxi Mai Linh bắt đầu giảm giá cước. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Sở mới nhận được thông báo giảm giá của 2 đơn vị đó là DNTN Bảy Lang kinh doanh vận tải tuyến cố định Pleiku đi TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai kinh doanh vận tải taxi. Trong đó, giá vé của hãng xe Bảy Lang giảm từ 300.000 đồng/vé xuống còn 280.000 đồng/vé. Taxi Mai Linh giảm cước phí xe 7 chỗ 700 đồng/km (từ 17.300 đồng/km xuống còn 16.600 đồng/km); xe 4 chỗ giảm 500 đồng/km (từ 16.200 đồng/km còn 15.700 đồng/km); giá mở cửa cũng giảm 500 đồng đối với cả xe 7 chỗ và 4 chỗ. Cụ thể, giá mở cửa xe 7 chỗ còn 11.000 đồng và xe 4 chỗ còn 10.000 đồng.
Sau nhiều lần điều chỉnh giảm, giá xăng 95 hiện chỉ còn 22.420 đồng/lít; xăng 92 còn 19.570 đồng/lít; giá dầu diezel 0,05 còn 19.620 đồng/lít, về mức thấp nhất của mặt bằng giá xăng dầu năm 2012 và thấp hơn so với đỉnh cao năm 2013. Tuy nhiên hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn “án binh bất động” không chịu giảm giá, chỉ một vài doanh nghiệp chấp nhận giảm vì khách hàng. Ông Nguyễn Ngọc Long-chủ DNTN Bảy Lang cho biết: Sau khi giá xăng dầu giảm vào ngày 7-11-2014, thì ngày 8-11 doanh nghiệp đã lên phương án giảm giá. Sau khi tính toán, mức giảm doanh nghiệp đưa ra là 7%. Hiện phương án đã trình lên các cơ quan quản lý và sau khi hoàn tất các thủ tục chính thức ngày 14-11-2014 giá vé của đơn vị sẽ giảm còn 280.000 đồng/vé.
Cùng nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi và khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ, bên cạnh việc giảm giá cước tính theo km, Taxi Mai Linh đã tiến hành giảm giá sâu các hợp đồng taxi. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai cho biết: Hiện Công ty đã giảm 8-23% đối với các taxi hợp đồng đi đường dài. Thậm chí để thu hút khách, Công ty còn giảm chiều thứ 2 xuống còn 50%. Chẳng hạn, giá cước hợp đồng từ TP. Pleiku đến TP. Kon Tum hiện đã giảm từ 650.000 đồng xuống 550.000 đồng và với chiều thứ 2 giảm còn 200.000 đồng; ngay cả mốc km tính giảm giá cũng giảm từ 40 km xuống còn 30 km. Với giá này, doanh nghiệp không có lãi tuy nhiên đây là việc làm cần thiết nên đơn vị cố gắng cân đối.
Lý giải nguyên nhân chưa giảm giá và mức giảm ít, một số doanh nghiệp vận tải cho rằng: Thời điểm đơn vị xây dựng giá vé vận tải thì giá xăng khoảng 21.100 đồng/lít, dầu 19.750 đồng/lít so với thời điểm này mức chênh lệch thấp vì trong thời điểm giá xăng dầu tăng doanh nghiệp không điều chỉnh tăng giá cước. Một số doanh nghiệp cũng cho rằng Nhà nước nên dùng quỹ bình ổn xăng dầu để cân đối, hạn chế việc tăng giảm giá xăng dầu trong thời gian ngắn. Vì như thế sẽ làm khó cho doanh nghiệp mỗi khi điều chỉnh, gây tốn kém thời gian chi phí như in vé, in bảng giá cước niêm yết và kiểm định lại đồng hồ xe taxi…
Toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp vận tải hành khách và taxi. Tuy nhiên đến thời điểm này chỉ mới có 2 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước. “Sở Giao thông-Vận tải đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải về việc điều chỉnh giá cước. Tiếp đến, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan Thuế tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp vận tải trong việc tính toán xây dựng giá thành vận tải và niêm yết giá cước và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xây dựng giá vé không phù hợp với thực tế”-ông Nguyễn Hữu Quế- Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết thêm.
Lê Lan