Ghi dưới chân dãy Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới chân dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có chứa kho tàng nổi tiếng của đồng bào Xơ Đăng địa phương, đó là “quốc bảo” sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. Từ trung tâm Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My, chúng tôi ngược QL40B khoảng 20km rồi rẽ sang tuyến ĐH7, đi thêm khoảng 15km nữa để đến với xã vùng cao Trà Linh.
Sau trận mưa rừng, đoạn ĐH7 qua xã Trà Linh vốn bị hư hỏng nặng càng thêm phần nhem nhuốc, trơn trượt. Con đường uốn lượn quanh co như con rắn khổng lồ xuyên qua dãy Ngọc Linh điệp trùng.
Rời phố lên rừng
Vui mừng đón tiếp vị khách từ miền xuôi lên, Đại úy Nguyễn Đình Trí, Trưởng Công an xã Trà Linh chia sẻ rằng, hiện công an xã có 6 đồng chí công an chính quy, gồm 3 cán bộ quê dưới miền xuôi và 3 cán bộ là đồng bào Ca Dong tại huyện Nam Trà My. Công an xã Trà Linh được bố trí phòng làm việc và nơi nấu ăn, mặc dù còn khá chật chội song đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, làm việc của Công an xã Trà Linh.
Bộc bạch về quá trình công tác của bản thân, Đại úy Trí cho biết anh nhận nhiệm vụ công tác tại Công an xã Trà Linh từ tháng 7-2020. Trước khi về xã, Đại úy Trí công tác tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Nam Trà My.
 
Cán bộ Công an xã Trà Linh thực hiện bám sát địa bàn cơ sở.
Cán bộ Công an xã Trà Linh thực hiện bám sát địa bàn cơ sở.
“Tôi quê ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, vợ con đều ở dưới đó cả. Nhiều người từng khuyên tôi nên tìm cơ hội xin chuyển công tác về dưới đồng bằng để gần gia đình. Nhưng, với tôi, huyện Nam Trà My nói chung và xã Trà Linh nói riêng đã là quê hương thứ hai tự bao giờ rồi. Người dân ở Trà Linh thì rất ủng hộ lực lượng công an xã. Thường thì cuối tuần nào tôi cũng về thăm gia đình nhưng có lúc 2 tuần, thậm chí vào mùa mưa lũ, đi lại khó khăn thì cả tháng tôi mới về nhà được một lần. Tôi cảm thấy được an ủi khi vợ hiểu và chia sẻ với công việc của tôi tại xã Trà Linh xa xôi này”, Đại úy Trí bày tỏ.
Cũng từ đồng bằng lên miền núi công tác, Trung úy Huỳnh Chí Linh quê phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ chia sẻ rằng, trước khi về Công an xã Trà Linh, anh là cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam. Tháng 10-2020, được sự động viên, ủng hộ của vợ con và gia đình, Trung úy Linh đã tình nguyện lên công tác tại Công an xã Trà Linh. Anh bộc bạch: “Các cán bộ công an xã dù mỗi người một quê khác nhau, song đều đoàn kết, yêu thương và xem nhau như anh em một nhà”.
Kỷ niệm đáng nhớ với Trung úy Linh là vào khoảng 12h đêm 30-12-2021, anh lên cơn đau bụng quặn từng cơn, sốt, nghi bị đau ruột thừa. Mọi người đã đánh thức Đại úy Trí và các đồng nghiệp dậy, mượn ô tô bán tải của người dân rồi ngay trong đêm chở đồng chí Linh xuống trung tâm huyện Nam Trà My.
Tiếp đó, Đại úy Trí dùng xe cá nhân của mình đang gửi tại đây để vượt quãng đường hơn 100 cây số nữa chở Linh xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tại TP Tam Kỳ cấp cứu. Khi hai người đến TP Tam Kỳ đã là 4h sáng. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thăm khám, rất may Trung úy Linh chỉ bị thần kinh liên sườn chứ không bị viêm ruột thừa cấp. Sau khi được thăm khám và cấp thuốc về uống, Trung úy Linh nhanh chóng trở lại đơn vị công tác.
 
Đối tượng trộm sâm Lê Quang Giáo tại Công an xã Trà Linh.
Đối tượng trộm sâm Lê Quang Giáo tại Công an xã Trà Linh.
“Sau trận đau đó, tôi càng cảm nhận được tình cảm của đồng đội, trong đó có cá nhân đồng chí Trưởng Công an xã dành cho mình. Và giúp tôi càng thêm yêu quý các đồng đội của mình nhiều hơn”, Trung úy Linh cảm động.
Qua tìm hiểu được biết, các cán bộ Công an xã Trà Linh là người dưới đồng bằng đều được học tiếng Ca Dong. Tuy nhiên, do xã Trà Linh là người đồng bào Xơ Đăng nên anh em lại cố gắng trau dồi thêm ngôn ngữ của dân địa phương thông qua việc hướng dẫn của các cán bộ công an xã là người đồng bào và học hỏi thêm từ những lần xuống cơ sở, được các già làng, người có uy tín, bà con nhân dân giúp đỡ, chỉ dạy. “Chúng tôi xác định, việc hiểu được ngôn ngữ của đồng bào Xơ Đăng địa phương là việc rất thiết thực trong công tác.Vì vậy, anh em rất chú trọng trau dồi thêm kiến thức về ngôn ngữ của bà con”, Đại úy Trí nói.
Sau một hồi chuyện trò, đồng hồ đã điểm 11h30. Các cán bộ Công an xã Trà Linh lại tất bật xuống khu nấu ăn là dãy nhà gỗ cũ phía sau, người thì nấu cơm, người hái rau trong vườn tự trồng để làm cơm trưa. “Hôm nay nhà có khách, anh em bắt con gà thả vườn của mình và mang mấy con cá suối bà con tặng hôm trước ra đãi khách nhé”, Đại úy Trí cười vui, bảo.
Vừa hái những ngọn rau lan xanh mơn mởn trong vườn trước khu nhà ăn, Đại úy Trí vừa cho biết, do địa bàn xã Trà Linh không có nhiều quán ăn, hơn nữa để đảm bảo an toàn thực phẩm và... no bụng, tiết kiệm, các cán bộ, chiến sĩ công an xã đã góp tiền lại để nấu ăn. Bên cạnh đó còn tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất để trồng ít rau lan, nuôi mấy con gà. Thông thường, vào cuối tuần, ai về dưới đồng bằng sẽ mua lương thực, thực phẩm mang lên bỏ vào tủ lạnh để ăn dần trong cả tuần. Chiếc tủ lạnh cũ Đại úy Trí xin được của người quen dưới xuôi khi gia đình này mua chiếc tủ lạnh mới.
Truy tìm những kẻ trộm sâm
Xã Trà Linh có 3 thôn, 754 hộ với hơn 3.000 người là đồng bào Xơ Đăng. Toàn xã có 23 nóc, trong đó nhiều nóc chưa có đường xe máy đi vào nên cán bộ công an xã phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để vào nóc. Việc xuống tận các nóc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Công an xã Trà Linh. Nhờ bám sát cơ sở nên khi có bất kỳ người lạ nào hay tình huống đột xuất xảy ra, Công an xã Trà Linh đều nắm được, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công an xã Trà Linh đã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc bám sát cơ sở còn giúp Công an xã Trà Linh thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
 
Công an xã Trà Linh hái rau trong vườn, nấu ăn tại đơn vị.
Công an xã Trà Linh hái rau trong vườn, nấu ăn tại đơn vị.
Trà Linh là xã miền núi cao của huyện Nam Trà My nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn do địa hình núi cao thường xuyên xảy ra sạt lở. Nhưng, với tinh thần trách nhiệm không ngại khó, ngại khổ, trong năm 2021, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, CBCS Công an xã Trà Linh đã hỗ trợ hơn 74 hộ di dời khỏi nơi có nguy cơ bị sạt lở. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể của xã tham gia dọn dẹp các tuyến đường bị sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống cho bà con. Về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhờ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nên trong năm 2021 đã xây dựng kế hoạch đi đến từng thôn, nóc, từng nhà để tổ chức vận động thu hồi. Kết quả, đã vận động thu hồi được 9 khẩu súng săn các loại.
Điểm đáng chú ý là hầu hết các hộ dân tại xã Trà Linh đều có trồng sâm Ngọc Linh, loại cây có giá trị kinh tế rất cao.Ở Trà Linh có những vườn sâm “triệu đô” và có những nóc được mệnh danh là “nóc tỷ phú”. Do đó, công tác đảm bảo an ninh vùng sâm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an xã Trà Linh. Các vườn sâm của người dân nằm lẩn khuất trong những cánh rừng già của dãy Ngọc Linh.Để đến vườn sâm phải đi bộ hàng giờ đồng hồ đường rừng. Do đó, mỗi khi có trường hợp mất cắp sâm xảy ra, tiếp nhận tin báo, Công an xã Trà Linh đều cử lực lượng băng rừng vượt suối vào tiếp cận hiện trường.
Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, tại xã Trà Linh xảy ra 5 vụ mất trộm sâm Ngọc Linh. Gần đây, sáng 21-1-2022, tiếp nhận tin báo của ông Nguyễn Văn Lượng (trú thôn 2) bị mất trộm sâm tại chốt trồng sâm, số sâm bị mất là 7 gốc sâm từ 4 đến 7 tuổi. Nhận tin báo, Đại úy Nguyễn Đình Trí cùng các đồng chí công an viên xã đã nhanh chóng lên đường, băng rừng vượt suối tiếp cận hiện trường để thu thập thông tin và tiến hành xác minh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã Trà Linh đã làm rõ đối tượng Lê Quang Giáo (SN 1984, quê huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, tạm trú xã Trà Linh) là thủ phạm trộm sâm của ông Lượng. Sau khi hoàn tất hồ sơ ban đầu, Công an xã Trà Linh đã bàn giao đối tượng và tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trà My tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chiều 26-11-2021, ông Hồ Văn Báo (trú thôn 3, xã Trà Linh) lên thăm vườn sâm của gia đình ở chốt trồng sâm Băng Nao, nóc Tăk Xanh, thôn 3 thì phát hiện bị kẻ xấu đột nhập và lấy cắp 17 gốc sâm. Sau đó, ông Báo gọi điện thoại thông báo cho các hộ trồng sâm trong chốt mình biết và kiểm tra. Sáng 27-1-2021, các hộ kiểm tra thì phát hiện tại khu vực trồng sâm có 5 hộ cùng trú thôn 3 bị mất trộm sâm gồm Hồ Văn Bút, Hồ Văn Báo, Hồ Văn Lạc, Hồ Văn Rim, Hồ Văn Bim, có tổng cộng 72 gốc sâm Ngọc Linh loại từ 1 đến 7 năm tuổi bị mất trộm.
Công an xã Trà Linh đã tiến hành làm việc với các bị hại và khoanh vùng các đối tượng liên quan. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xã xác định đối tượng Hồ Văn Nhất (trú thôn 3) có các biểu hiện nghi vấn nên tiến hành mời đối tượng về trụ sở công an xã để làm việc. Tại đây, Hồ Văn Nhất đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp của mình.
 
Cán bộ Công an xã Trà Linh tiếp cận hiện trường một vụ mất trộm sâm Ngọc Linh.
Cán bộ Công an xã Trà Linh tiếp cận hiện trường một vụ mất trộm sâm Ngọc Linh.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Mai Xuân Sang, Trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết, xã Trà Linh là địa bàn xa nhất của huyện, có nhiều yếu tố đặc thù, là nơi cây sâm Ngọc Linh được trồng rất nhiều, có giá trị kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, lượng người đến xã Trà Linh lưu trú và các doanh nghiệp, tổ chức từ các nơi về trồng sâm rất đông. Các yếu tố này đã làm cho xã Trà Linh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Do đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Nam Trà My đã bố trí 6 cán bộ công an chính quy về công tác tại Công an xã Trà Linh. Từ khi triển khai công an xã chính quy tại Trà Linh, lực lượng công an xã đã xử phạt, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt nhiều vụ vi phạm hành chính. Nhiều vụ án Công an xã Trà Linh điều tra ban đầu rất tốt, sau đó chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trà My thụ lý điều tra.
“Ban chỉ huy công an huyện đánh giá cao vai trò của đồng chí Trưởng Công an xã và lực lượng Công an xã Trà Linh trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, lực lượng Công an xã Trà Linh đã bám sát địa bàn cơ sở. Bất kể ngày đêm, đường núi hiểm trở, Công an xã Trà Linh luôn làm tốt mọi nhiệm vụ được giao”, Thượng tá Mai Xuân Sang nhấn mạnh.
Theo Ngọc Thi (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.