(GLO)- Đó chính là nữ biệt động thành dũng cảm năm xưa và là một trong 11 cô gái sông Hương trong “tiểu đội thép” góp phần làm nên chiến dịch Mậu Thân 1968. Nay cô đã ngoài 60, mái tóc đã điểm bạc, những ký ức về chiến tranh có thể mờ nhạt, nhưng cuộc gặp gỡ ấm áp và thiêng liêng với Bác Hồ thì không thể nào quên. Bà là Hồ Thị Thừa, ở tổ 13, phường Hoa Lư, TP. Pleiku.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bà Thừa vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động trong lòng địch, đặc biệt là giây phút được gặp Bác Hồ: Quê bà ở huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm lên 5 tuổi bà đã chứng kiến cả bố và mẹ bị bắn chết dưới nòng súng của kẻ thù nên lòng căm thù giặc đã hun đúc cho 5 chị em một ý chí, quyết tâm trả thù cho bố mẹ, quê hương. 15 tuổi, bà tham gia liên lạc, làm nữ biệt động thành và sau đó bị địch bắt vào đầu năm 1967.
Bà Thừa chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh chụp lại). |
Gần 1 năm sau khi dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man mà vẫn không khai thác được thông tin gì, cuối năm 1967, địch buộc phải trả tự do cho bà. Hai tháng sau đó, bà được bổ sung vào Tiểu đội Võ Thị Sáu. Tết Mậu Thân năm 1968, tiểu đội được giao nhiệm vụ phục kích địch tại cầu Vân Dương (ngoại thành Huế). Sau 21 ngày đêm dũng cảm chiến đấu, tiểu đội Võ Thị Sáu đã tiêu diệt 120 tên Mỹ-ngụy, phá hủy 5 xe tăng, xe bọc thép. Sau chiến thắng này, bà được tổ chức cho ra Hà Nội để chữa bệnh tim-hậu quả của những lần bị địch tra tấn.
15 ngày sau khi ở cùng anh hùng Kan Lịch và anh hùng Tạ Thị Kiều tại số nhà 83, Lý Nam Đế (Hà Nội), bà được gặp bác Lê Duẩn, bác Phạm Văn Đồng và cả bác Tôn Đức Thắng. Bà nhớ lại: Lúc gặp, bác Phạm Văn Đồng bảo “Cháu Thừa chuẩn bị để đi công tác cùng bác”. Bà hỏi lại: “Dạ cháu có biết chữ đâu mà đi công tác hả bác? Bác cười xoa đầu bà bảo “Không cần trình độ văn hóa đâu cháu, cứ đi với bác”. Chưa hết bất ngờ, khi ra đến ngõ, tới đón cô là một chiếc xe ô tô đen, ngồi trong xe, bác Tôn Đức Thắng nói với ra “Cháu là Hồ Thị Thừa phải không? Bây giờ cháu có muốn đi gặp Bác Hồ không?”. Không cần để bác Tôn Đức Thắng đợi thêm một giây phút nào, bà nhanh nhảu đáp lại “Dạ có bác ạ, cháu muốn được gặp Bác Hồ lắm”.
Rồi chiếc xe đưa mọi người tới Phủ Chủ tịch. Tại đây, bà được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Trường Chinh. Ngồi tại phòng khách tầng 1 để đợi Bác, cô thầm nghĩ: Vậy là mơ ước được một lần gặp Bác sắp trở thành hiện thực.
Đang bần thần nghĩ về điều đó, bỗng trước mắt bà, hình ảnh một ông cụ đội chiếc mũ công nhân, mặc chiếc áo lụa Hà Đông màu xanh lam và chiếc quần ka ki màu tro xám, đi đôi dép cao su chống gậy từ bậc thang tầng 2 đi xuống. Bà thầm nghĩ, chắc chắn là Bác đây rồi. Niềm hạnh phúc vỡ òa, bà vội vàng chạy tới ôm chầm lấy Bác rồi khóc nức nở như một đứa trẻ. Thấy bà không ngồi lên ghế mà ngồi xuống nền nhà, ngay trước mặt mình, Bác liền hỏi: “Sao cháu không ngồi lên ghế?”. Bà đáp lại “Dạ cháu là bậc cháu của Bác, cháu không cho phép mình ngồi ngang hàng với Bác ạ”. Lúc đó Bác Hồ xoa đầu bà bảo “Cháu ngoan lắm, thôi Bác cho phép cháu được ngồi ngang với Bác đấy”.
Rồi trong cuộc trò chuyện ấm áp đó, Bác hỏi “Sao cháu nhỏ thế này mà dám đánh lại thằng Mỹ to cao như thế?”. bà trả lời “Thằng Mỹ nó to nhưng nó không có tinh thần. Nó là kẻ thù giết mẹ con, ba con, đồng đội con và đồng bào mình nên con phải đánh nó để trả thù cho ba mẹ, cho quê hương và đất nước”. Nói rồi bà kể về gia đình mình, quê hương mình, về lần mình bị địch bắt và bị tra tấn gần 1 năm tại nhà lao Thừa Phủ, về chiến thắng của Tiểu đội Võ Thị Sáu trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968… Và nhiều những câu chuyện bà kể Bác nghe cho đến khi mặt trời đứng bóng.
Tiếp sau đó là một bữa cơm trưa đạm bạc giữa mấy bác cháu với nhau. Trong không khí ấm cúng của bữa cơm đó, Bác lại hỏi “Trong mâm cơm này có các món đặc trưng ở cả hai miền, cháu thấy còn thiếu món gì đặc trưng ở miền Nam?”. bà liền bảo: “Dạ thiếu món ruốc ạ”. Đưa tay gắp thức ăn bỏ vào chén của mọi người, khi đến lượt bà, Bác cười bảo “cháu giỏi lắm!”.
Kể đến đây, bà nở một nụ cười viên mãn khi nghĩ mình là một trong số ít những người con may mắn được gặp người cha già của dân tộc. Kể đến đây, bà Thừa vội vàng chạy vào nhà lấy chiếc huy hiệu Bác Hồ ra khoe: “Đây, Bác đã tặng bà và mọi người, mỗi người một chiếc huy hiệu của Bác. Bà giữ mãi đến bây giờ đấy”. Rồi trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc đó, cô khoe với tôi: “Hôm đó bà còn được chụp ảnh với Bác, với Anh hùng Núp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đi xem phim “Sức mạnh tinh thần Liên Xô” cùng Bác và mọi người nữa đấy. Vừa nói, bà vừa chạy vào nhà đem mấy tấm ảnh ra khoe, rồi vồn vả kể “Khi xem phim, bà được ngồi bên cạnh Bác, được Bác phân tích kỹ hơn nên bà mới hiểu sâu hơn về nội dung của bộ phim”.
Một cuộc gặp gỡ khá bất ngờ nhưng đầy thiêng liêng đã tiếp thêm động lực cho bà Thừa sống và cống hiến hết mình cho đất nước. Từ đó, bà tập trung chữa bệnh và học văn hóa trong 6 năm ở đất Hà thành. Đến năm 1985, bà cùng gia đình vào Gia Lai lập nghiệp. Bà đảm nhận nhiều chức vụ như Tổ trưởng tổ phụ nữ, Phó Bí thư chi bộ 7, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh… Dù ở cương vị nào, người con gái Huế may mắn được gặp Bác Hồ năm xưa cũng làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hồng Thương