Festival Huế 2022: Cơ hội để du lịch TT-Huế lấy lại đà tăng trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng loạt sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2022 diễn ra liên tục trong các tháng vừa qua đã tạo nên sân chơi, ngày hội đặc sắc, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn tại Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn tại Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều tín hiệu phục hồi đáng mừng. Du khách không chỉ đến Cố đô Huế nhiều hơn mà còn thích thú, biết đến sự phong phú của các sản phẩm du lịch địa phương thông qua các hoạt động của Festival Huế 2022.
Điều đó chứng minh việc tổ chức Festival Huế 2022 trải dài bốn mùa và gắn vào hoạt động cộng đồng đã phát huy hiệu quả đối với ngành du lịch địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Đà tăng trưởng từ những hoạt động của Festival Huế 2022
Bắt đầu ngày 1/1 với lễ Ban sóc, Festival Huế 2022 đã đi gần hết nửa chặng đường với nhiều sự kiện văn hóa mùa Xuân và mùa Hạ. Festival thơ Huế, Lễ hội "Huế-Kinh đô ẩm thực," Lễ hội Áo dài, Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa," Lễ Tế Giao, Festival Diều Huế, Tuần lễ Ẩm thực chay… diễn ra liên tục trong các tháng vừa qua đã tạo nên sân chơi, ngày hội đặc sắc, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Các sự kiện được tổ chức trải dài giúp du khách có nhiều sự lựa chọn về thời điểm khi đến với Cố đô Huế để "đắm chìm" trong những trải nghiệm về văn hóa, nghệ thuật và con người.
Mặt khác, việc tổ chức các hoạt động lễ hội đa dạng hình thức, có chiều sâu văn hóa, khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh là những điểm mới lạ nhưng hiệu quả của Festival Huế 2022 nhằm kích cầu, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách.
Festival Huế 2022 được xem là giải pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế hướng đến nhằm khởi động lại ngành du lịch, tạo sức hút cho du khách đến tham quan, thụ hưởng các sản phẩm du lịch thông qua các lễ hội đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch địa phương sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.
Dịch COVID-19 diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đóng cửa; hàng loạt lao động, hướng dẫn viên du lịch… buộc phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, sau khi du lịch mở cửa trở lại đồng thời với các hoạt động Festival Huế 2022 diễn ra, lượng khách đến Thừa Thiên-Huế liên tục tăng cao. Nhiều doanh nghiệp có thêm động lực để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như tuyển dụng thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chị Nguyễn Thúy Vân, chủ homestay Sunny tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế cho hay, sẵn sàng tâm lý đón khách ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại nên chị tận dụng thời gian chống dịch để làm mới cơ sở đồng thời trang trí lại phòng hiện đại, khang trang hơn.
Nhờ đó, các dịp lễ và trong thời gian diễn ra các sự kiện Festival Huế 2022 vừa qua, cơ sở thường xuyên kín lịch đặt phòng. Dù còn khoảng nửa tháng nữa đến tuần cao điểm Festival nhưng homestay Sunny chỉ còn trống một phòng lớn chưa có khách đặt.

Đại Nội Huế lung linh trong đêm. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Đại Nội Huế lung linh trong đêm. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Trong tháng Tư và 5/2022, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế tăng cao, đặc biệt là vào các dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5.
Dự kiến du khách đến địa phương trong tháng Sáu này sẽ còn tiếp tục tăng do có chuỗi các hoạt động, sự kiện hấp dẫn của tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022.
Bên cạnh chính sách quảng bá du lịch từ sớm của ngành du lịch, qua hàng loạt tin bài, phóng sự về Festival Huế 2022 trên phương tiện truyền thông, đại chúng, hình ảnh về những điểm đến du lịch của Thừa Thiên-Huế đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong người dân, du khách về sự mới lạ của các sự kiện lễ hội, sản phẩm du lịch địa phương.
Cùng với hàng chục sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại, Sở Du lịch đã chủ trì, vận động một số đối tác doanh nghiệp tổ chức các lễ hội khác mang tính xã hội hóa để mang đến hàng loạt các sự kiện hấp dẫn qua các tháng như Ngày hội Huế-Kinh đô ẩm thực, Ngày hội Sen Huế.
Một số lễ hội khác cũng sắp sửa diễn ra, được mong chờ như lễ hội Khinh khí cầu "Cố đô Huế nhìn từ bầu trời" vào cuối tháng Sáu, Ngày hội Hiphop Huế vào tháng Bảy hay Ngày hội Lân Huế vào tháng Chín và Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe vào tháng 11.
Các hoạt động này sẽ góp phần đa dạng thêm các hình thức lễ hội, không khí lễ hội tại địa phương.
Để tăng thêm phần thu hút du khách, nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, blogger du lịch, tiktoker được mời đến các ngày hội nhằm giới thiệu hình ảnh các lễ hội đến gần hơn với hàng triệu người theo dõi trực tuyến, lan tỏa trong cộng đồng trong và ngoài nước.
Những hoạt động truyền thông đồng hành này sẽ góp phần tích cực phục hồi du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị đã làm việc với các hãng hàng không từ nhiều nước lân cận để mở thêm các chuyến bay đưa du khách đến thẳng Thừa Thiên-Huế du lịch.
Điển hình như hãng hàng không Thai VietJet Air sẽ tăng cường các chuyến bay từ Bangkok vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy này. Đơn vị cũng kết nối với Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội để tổ chức một số chuyến tàu từ Hà Nội vào Huế.
Các đơn vị lữ hành khi đưa lượng khách lớn đến với địa phương sẽ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức như đón tiếp, tặng quà là các chương trình nghệ thuật truyền thống tại các điểm tham quan nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và đơn vị lữ hành.
Còn nhiều khó khăn
Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có sự phục hồi tích cực, song lượng khách đến địa phương so với cao điểm các năm 2018-2019 thì vẫn chưa bằng do xu hướng du khách hiện nay chủ yếu du lịch theo từng nhóm nhỏ hoặc tour gia đình.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đón khoảng 600.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng nhưng lượng khách quốc tế chỉ ước đạt khoảng 1,7%.
Bên cạnh đó, du khách chỉ đến tham quan, thưởng lãm mà không lưu trú, nghỉ dưỡng nhiều ngày tại Cố đô Huế. Dù có nhiều lợi thế về danh lam, thắng cảnh và địa điểm du lịch, trải nghiệm nhưng ngành du lịch tỉnh vẫn chưa thể "giữ chân," tận dụng được nguồn thu từ nhu cầu lưu trú của du khách.

Du khách trải nghiệm cách làm bánh Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Du khách trải nghiệm cách làm bánh Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, thời gian qua, các khách sạn lớn từ 3 sao trở lên luôn trong tình trạng "cháy phòng." Tuy nhiên, số lượng cơ sở lưu trú tại Thừa Thiên-Huế hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu du khách đến địa phương tăng cao ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại.
Dịch bệnh đã khiến một số khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn phải đóng cửa, một số khác bị xuống cấp không đủ khả năng nâng cấp, bảo trì để đón khách. Do đó, du khách đành phải tham quan Huế trong một ngày hoặc rút ngắn thời gian lưu trú vì không có đủ phòng lưu trú.
Bức tranh dịch bệnh đến nay đã tương đối tươi sáng hơn nhưng giao thương, đi lại khôi phục vẫn còn chậm. Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 sẽ chính thức khai màn đồng nghĩa thời gian để ngành du lịch chuẩn bị cho đợt cao điểm đón lượng khách lớn vào cuối tháng Sáu này đang dần rút ngắn.
Các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành và doanh nghiệp du lịch Thừa Thiên-Huế cần nhanh chóng cải thiện chất lượng, tìm kiếm nhân lực để nắm bắt cơ hội đón khách du lịch.
Để làm được điều đó, thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm "cầu nối" kết nối một số trường đại học, cao đẳng du lịch, cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp khách sạn để có lực lượng chuyên môn hỗ trợ các cơ sở lưu trú lúc cao điểm.
Đồng thời, ngành cũng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn quảng bá, truyền thông về các tour tuyến du lịch, phòng nghỉ dưỡng, sản phẩm mới có tính hấp dẫn, giữ khách lâu để du khách có nhiều lựa chọn, lưu trú lâu hơn khi đến Thừa Thiên-Huế.
Cơ hội lớn cho ngành du lịch bứt phá
Đến thời điểm này, các đơn vị lữ hành đã đưa khách đến Thừa Thiên-Huế bằng nhiều tour tuyến. Các hãng hàng không cũng tăng cường nhiều chuyến bay đến Cố đô Huế vào cuối tháng Sáu - thời điểm diễn ra tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022.
Tuần lễ sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tại nhiều địa điểm mở, gần gũi với cộng đồng dọc hai bên dòng sông Hương thơ mộng và Đại nội Huế. Vì thế một số khách sạn tại trung tâm thành phố Huế như Sài Gòn Morin, Hương Giang, Century, Silk Path… gần như kín lịch đặt phòng trong các ngày từ 24-27/6.
Nhìn chung, công suất đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn (3 sao trở lên) hiện nay đã đạt khoảng 60% công suất. Một số cơ sở lưu trú vừa và nhỏ lân cận cũng sắp sửa "cháy phòng."
Chị Nguyễn Thuý Vân cho biết, bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ miễn phí đi kèm đối với du khách khi đến lưu trú dịp này như giặt ủi, tặng trái cây, nước uống… cơ sở homestay của chị sẵn sàng mở các tour du lịch nhỏ miễn phí giành cho gia đình có nhu cầu muốn khám phá danh lam thắng cảnh, địa điểm vui chơi tại Huế.
Đây không chỉ là cách để chị quảng bá hình ảnh homestay mà còn tạo nên ấn tượng tốt đẹp về Thừa Thiên-Huế mến khách, văn minh, thân thiện trong mắt du khách thập phương.
Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 là cơ hội lớn trong năm cho ngành du lịch Thừa Thiên-Huế bứt phá, xây dựng hình ảnh mới hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Để hạn chế những tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến du lịch địa phương, Sở Du lịch đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng tăng giá, ép giá đối với khách du lịch khi đến Huế.
Song song đó, đơn vị cũng thông báo đến các doanh nghiệp du lịch, hộ kinh doanh khách sạn bổ sung thêm lượng phòng và có những hình thức đón tiếp khách phù hợp, niêm yết giá công khai.
Du khách khi đến Thừa Thiên-Huế sẽ được hỗ trợ thông tin cần thiết qua đường dây nóng của ngành du lịch hoặc phản ánh các vụ việc liên quan. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng xử lý và phản hồi.
Ngoài ra, Sở Du lịch đã lập nên nhóm qua ứng dụng Zalo để kết nối các homestay, khách sạn từ 1 đến 5 sao trên địa bàn tỉnh giúp du khách chủ động hoặc hỗ trợ tìm kiếm nơi lưu trú cho du khách trong trường hợp thiếu phòng dịp cao điểm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ Festival Huế qua các năm luôn là động lực để thực hiện mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch địa phương, là "đòn bẩy" phát triển kinh tế xã hội và góp phần xây dựng thương hiệu vùng đất văn hóa lễ hội của Thừa Thiên-Huế.
Theo Mai Trang (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.