Phó Tổng thống Philippines cho rằng ông Duterte đã “cực kỳ thiếu trách nhiệm” khi đưa ra tuyên bố thiếu thận trọng về vấn đề Biển Đông.
Lý giải tuyên bố của Tổng thống Duterte
Điện Malacanang hôm 12/9 cho biết, việc gạt sang một bên hay “lờ đi” phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông không phải là từ bỏ phán quyết này hay từ bỏ chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ "lờ đi" phán quyết của Tòa trọng tài. Ảnh: CNN Philippines. |
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Philippines Duterte tiết lộ, Trung Quốc đã cam kết sẽ áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40 với lợi thế nghiêng về Philippines trong dự án chung về khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, đổi lấy việc Philippines phải gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài. Sau khi bị nhiều người chỉ trích là đã “chiều lòng” Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, ông Duterte, hôm 12/9 tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài sẽ được “lờ đi” vì vậy, Bắc Kinh có thể giúp Manila thúc đẩy các hoạt động kinh tế tại vùng EEZ của nước này.
Giải thích rõ về ý định của Tổng thống Duterte, người phát ngôn dinh Tổng thống, ông Salvador Panelo cho biết: “Gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ từ bỏ nó. Điều Tổng thống muốn nói, cũng như chúng tôi nhiều lần đã đề cập, là phán quyết của tòa sẽ vẫn là chủ điểm của cuộc đàm phán giữa hai nước. Đàm phán vẫn diễn ra một cách hòa bình. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng tập trung vào phát triển những hoạt động chung có lợi cho cả hai quốc gia. Nói cách khác, có một sự bế tắc vì vậy hãy để hai nhà lãnh đạo đàm phán để tháo gỡ. Nhưng chúng ta cũng cần thảo luận về những chủ đề khác như hoạt động thăm dò chung”.
Cùng ngày, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đánh giá, việc Trung Quốc yêu cầu chính quyền Tổng thống Duterte “gạt sang một bên” phán quyết của Tòa trọng tài có thể xem như Bắc Kinh đã công nhận phán quyết này. “Mong muốn của chúng tôi là thúc đẩy sự cai trị của luật pháp. Chúng ta không thể để cho vị thế chính đáng của chúng ta bị rơi vào tình huống đảo ngược. Chúng ta không muốn những hậu quả do yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc gây ra một lần nữa thách thức chúng ta”. Ông Albert del Rosario nói thêm, quyết định của Tòa trọng tài là “món quà của Philippines dành cho thế giới”.
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario là một thành viên của nhóm pháp lý giúp Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại Tòa trọng tài ở La Hay năm 2016.
Trước đó, tại cuộc gặp song phương ở Bắc Kinh vào tháng 8/2019, Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về những tranh chấp trên biển, trong đó có biên bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò và phát triển dầu khí được 2 nước ký kết vào tháng 11/2017. Ông Tập Cận Bình vẫn nói rằng, Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông và tuyên bố khẳng định các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte nói rằng ông không hài lòng với phản ứng của nhà lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời thừa nhận những tranh chấp về hàng hải vẫn luôn là vấn đề “gây nhức nhối mỗi ngày”.
“Khi Tổng thống nói “lờ đi” có nghĩa là ông ấy đặt sang một bên. Nhưng phán quyết vẫn còn đó. Có một sự bế tắc. Chúng tôi vẫn đang đàm phán một cách hòa bình. Như chúng tôi đã từng nói, quan hệ giữa hai nước không nên được đo lường bằng cuộc xung đột ở riêng Biển Đông”, ông Panelo nói.
Theo người phát ngôn Salvador Panelo, Tổng thống Duterte luôn coi phán quyết của tòa trọng tài là “quyết định vĩnh viễn, ràng buộc, cuối cùng và không thể kháng cáo. Nó vẫn còn đó, mãi mãi như vậy”.
Làn sóng chỉ trích
Bất chấp sự lý giải chi tiết về tuyên bố nêu trên, Tổng thống Philippines vẫn phải hứng chịu làn sóng chỉ trích. Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 12/9 cho biết, ông Duterte đã “cực kỳ thiếu trách nhiệm” khi đưa ra tuyên bố thiếu thận trọng rằng chính phủ sẽ lờ đi phán quyết của Tòa trọng tài để thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung với Trung Quốc tại vùng EEZ. Trong một tuyên bố, bà Robredo nhắc nhở Tổng thống rằng cách ông xử lý vấn đề Biển Đông sẽ tác động tới các thế hệ tương lai của Philippines.
“Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của không chỉ riêng thế hệ chúng ta, mà còn con, cháu chúng ta. Cần phải hết sức thận trọng để đảm bảo rằng chúng ta không đánh đổi những lợi ích lâu dài của quốc gia để lấy những lợi ích ngắn hạn trước mắt. Đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là điều quan trọng nhất nhưng cũng khó khăn nhất và là trách nhiệm của mọi chính quyền. Bán tương lai để đổi lấy hợp đồng dầu khí với Trung Quốc là một cách từ bỏ trách nhiệm đáng hổ thẹn”.
Phó Tổng thống Robredo cũng viện dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nêu rõ, không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài để thúc đẩy dự án kinh tế chung với Trung Quốc. “Không nên đánh đổi quyền lợi của chúng ta ở Biển Đông để tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào”, bà Robredo nhấn mạnh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin ANC, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đã “vượt lên trên sự thỏa hiệp”, và do vậy không thể gạt sang một bên. “Nếu anh muốn từ bỏ nó, anh có thể từ bỏ nhưng sẽ phải lãnh hậu quả”, ông Locsin Jr nêu rõ, đồng thời cho biết thêm đây là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc tại tòa án quốc tế.
“Hiến pháp của Philippines cho phép chính phủ có quyền tham gia vào những thỏa thuận chung với các tổ chức nước ngoài trong hoạt động thăm dò và phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt miễn là những hợp đồng đó “phải đóng góp thật sự vào sự tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của đất nước. Nhưng tại sao tuyên bố thiếu thận trọng này vẫn được đưa ra?”, Phó Tổng thống Robredo nhấn mạnh.
Bà Robredo cũng bác bỏ lập luận của Tổng thống Duterte cho rằng, Philippines chỉ có hai sự lựa chọn để giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đó là đầu hàng hoặc xung đột. “Một lần nữa, như rất nhiều quan chức có uy tín đã làm trước đó, tôi phải chỉ ra rằng lập luận này không đúng. Chiến tranh không phải là giải pháp duy nhất giúp chúng ta khẳng định chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế, như các quốc gia láng giềng Việt Nam hay Indonesia gần đây đã chứng minh. Giải pháp mạnh nhất khẳng định tuyên bố chủ quyền của chúng ta là sự nhất quán, trong các quan điểm chính thức, trong các cuộc đàm phán và trong tuyên bố của các quan chức hàng đầu đất nước”.
Phó Tổng thống Robredo nói rằng, sự khẳng định chắc chắn và nhất quán về quyền lợi pháp lý của đất nước không đòi hỏi một phát súng nào. “Thế nhưng tại sao Tổng thống và chính quyền của ông lại thất bại trong việc thực hiện điều này? Tại sao họ lại là những người hủy hoại chiến thắng lịch sử và mang tính quyết định của chúng ta thông qua phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, bằng những phát ngôn như vậy?”
Trong khi đó, một nhóm ngư dân Philippines cho biết, chi phí thiệt hại về môi trường do tàu cá Trung Quốc gây ra trên Biển Đông vào khoảng 892,8 tỷ peso, vượt xa so với khoản vay 459 tỷ peso và sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Philippines.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo Philstar