Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Vé toàn tuyến cao nhất 6,9 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Bộ GTVT, giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông, trong đó đi toàn tuyến vé cao nhất 6,9 triệu đồng, thấp nhất 1,7 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì buổi trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Tạ Hải
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì buổi trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Tạ Hải

Chiều 1-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gặp mặt trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hơn 18 năm qua (kể từ năm 2006), Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước. Căn cứ Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên thế giới.

Bộ GTVT cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. CLIP: VĂN DUẨN

Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có hệ thống ĐSTĐC phát triển, gồm: Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. Trong số này, có 3 nước tự phát triển công nghệ là: Đức, Pháp, Nhật Bản. Các chuyến đi có sự tham gia của nhiều Bộ, ban, ngành, việc đánh giá rất cẩn trọng và minh bạch.

Về tốc độ, tuyến ĐSTĐC đầu tiên vào khai thác năm 1964 tại Nhật Bản với tốc độ 200 - 250 km/giờ. Tốc độ 250 km/giờ hình thành phổ biến cách đây khoảng 25 năm. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, tốc độ 350 km/giờ và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến ĐSTĐC là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350 km/giờ trở lên vì tính hiệu quả.

Chi phí đầu tư tốc độ 350 km/giờ cao hơn tốc độ 250 km/giờ khoảng 8-9%. Song, nếu đầu tư với tốc độ 250 km/giờ, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/giờ là khó khả thi và không hiệu quả.

Do đó phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam đầu tư đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu

Tuyến ĐSTĐC sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500 ngàn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Trên toàn tuyến có sẽ được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỉ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỉ USD.

Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Tiến độ dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10-2024; khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM khoảng cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035.

Cần gần 14.000 nhân sự vận hành khai thác dự án

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, cho biết để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực được xác định thực hiện theo 3 loại hình đào tạo (đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước) với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) cho 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT

Theo tính toán, công tác quản lý dự án đào tạo cần 700 - 1.000 nhân sự; đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 - 1.300 nhân sự; vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân sự; nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 nhân lực.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án.

Giá vé toàn tuyến cao nhất là 6,9 triệu đồng

Về giá vé đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông (giá vé bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet). Vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với mức độ tiện nghi khác nhau.

Sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: vé hạng nhất 0,180 USD/km (khoang VIP); hạng 2 là 0,074 USD/km; hạng 3 là 0,044 USD/km. Tương ứng với chặng Hà Nội - TP HCM: vé hạng nhất 6,9 triệu đồng; vé hạng 2 là 2,9 triệu đồng; vé hạng 3 là 1,7 triệu đồng.

Theo Bài, ảnh, video: Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Kỳ vọng sớm hồi sinh hình thức đầu tư BT

Kỳ vọng sớm hồi sinh hình thức đầu tư BT

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật (gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) đang được Bộ KH-ĐT gấp rút hoàn thiện được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” hình thức đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Đừng 'nhờn' với pháp luật!

Nhìn lại vụ xây khu du lịch trái phép hàng nghìn mét vuông ở Phú Hài, TP.Phan Thiết và biệt thự trái phép trên đất làng nghề ở xã Gia An, H.Tánh Linh (Bình Thuận) cho thấy có dấu hiệu 'nhờn' với pháp luật.