Đuối nước ở trẻ em: Còn đó nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 57 vụ đuối nước làm 73 trẻ tử vong (tăng 7 trẻ so với cả năm 2017). Dù đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng trẻ đuối nước vẫn luôn là nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Liên tiếp đuối nước
Chiều 7-10, tại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm làm 3 học sinh tiểu học tử vong. Theo đó, em P.L.B.N. (SN 2010, trú tại thôn 6, thị trấn Chư Prông, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai) và 2 anh em sinh đôi V.N.T.P. và V.N.T.T. (SN 2010, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Chư Prông, học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương) rủ nhau đi chơi tại khu vực hồ thủy lợi thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Chư Prông, do không may trượt chân rơi xuống hồ nên cả 3 em tử vong. Trước đó, tối 28-9, tại làng Dọch Tung (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước làm 3 người tử vong, trong đó có 2 học sinh tiểu học.
Bà Đặng Thị Bình-Phó Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: Địa phương để xảy ra đuối nước ở trẻ nhiều nhất là Chư Prông với 10 vụ làm 13 trẻ tử vong; Ia Grai 6 vụ, 9 trẻ tử vong; Krông Pa 5 vụ, 9 trẻ tử vong...
 Trẻ vui chơi ở khu vực ao hồ thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước. Ảnh: N.N
Trẻ vui chơi ở khu vực ao hồ thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước. Ảnh: N.N
“Nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ thường gia tăng vào dịp hè. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần do cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát con em mình. Môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng chưa an toàn cho trẻ em; nhiều chủ ao, hồ, đập, hố đào tự tạo… còn thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn hoặc không làm biển cảnh báo nguy cơ đuối nước. Đa số trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môn bơi lội vẫn chưa được đưa vào giảng dạy phổ biến ở trường học. Ngoài ra, do thiếu khu vui chơi, sân chơi ở cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn nên nhiều trẻ tự tìm đến khu vực hồ, sông suối vui chơi dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm”-bà Bình nhận định.     
Chung tay phòng tránh đuối nước
Nhằm tăng cường công tác phòng tránh đuối nước, hàng năm, UBND tỉnh đều có công văn chỉ đạo các ngành liên quan có giải pháp đối với vấn đề này. Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Trong năm học 2018-2019, Sở đã ban hành các văn bản cũng như phối hợp chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả công tác phòng tránh tai nạn đuối nước đối với học sinh, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh kỹ năng chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, kết hợp ngân sách địa phương với nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học; chỉ đạo, khuyến khích nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường bằng các hình thức phù hợp...  Đến nay, toàn tỉnh có 14 trường học triển khai dạy bơi cho học sinh. 
Ayun Pa là địa phương có nhiều nỗ lực ngăn chặn tai nạn đuối nước cho học sinh. Ông Lê Văn Nhân-Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ayun Pa-cho biết: Công tác phòng tránh đuối nước được triển khai thường xuyên trong trường học. Từ tháng 3-2017, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND thị xã cấp kinh phí xây dựng bể bơi thông minh để triển khai dạy bơi cho học sinh các trường khu vực trung tâm thị xã. Đến nay đã có 3 trường tiểu học và 2 trường THCS tổ chức dạy bơi cho học sinh với gần 100 học sinh tham gia.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường Tiểu học, THCS, THPT cũng giao nhiệm vụ cho giáo viên hàng ngày dành 3-5 phút của tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để quán xuyến, nhắc nhở, khuyến cáo các em trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà, tuyệt đối không được chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh mương, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi ở những nơi không đảm bảo an toàn và không có người lớn đi cùng.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.