Sau hàng chục năm, dù được bao bọc trong chính sách bảo hộ thuế quan, hạn ngạch…, nhưng đến nay, ngành đường vẫn khó cạnh tranh, nhất là với đường nhập từ Thái Lan...
Vẫn ỷ lại bảo hộ!
Tại hội nghị ngành đường được tổ chức tại TP.HCM hồi đầu tháng 6, dù không công bố chính thức nhưng thông tin về đường lậu, giá rẻ được cập nhật chi tiết trong báo cáo, và vẫn cách thể hiện cũ: các doanh nghiệp phản ứng gay gắt với loại đường này.
Thu hoạch mía tại cánh đồng của Thành Thành Công ở Tây Ninh. |
Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường lậu nhập khẩu từ Thái Lan đang dao động ở mức 10.100 - 10.700 đồng/kg ở các cửa khẩu như Lao Bảo, Đồng Hà, biên giới Tây Nam. So với giá đường (đường tinh luyện) bán buôn nội địa trung bình từ 13.500 - 14.700 đồng/kg, rõ ràng đường nhập lậu đang rẻ hơn, gây bất lợi cho các nhà máy đường trong nước.
Từ nhiều năm nay, theo giám đốc một nhà máy đường ở miền Trung, “căn bệnh” đường lậu được các doanh nghiệp lặp đi lặp lại, nhưng vẫn không thuyên giảm. Trung bình mỗi năm, lượng đường lậu nhập tại thị trường nội địa có khi lên đến 1/3 sản lượng sản xuất trong nước, tương đương 300.000 - 400.000 tấn.
Đường lậu chủ yếu có xuất xứ Thái Lan, không chỉ có giá rẻ hơn, mà cách thức mua bán lẫn khả năng cung cấp số lượng lớn cũng tốt hơn các nhà máy nội địa. Điều này dẫn tới, một doanh nghiệp chuyên sản xuất sữa, nước giải khát và bánh kẹo cần hàng trăm ngàn tấn đường mỗi năm, đã tìm cách tiếp cận đường lậu (!?).
Cách nay vài năm, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã áp dụng mô hình trồng mía công nghệ cao tại Lào. Theo tính toán, giá thành sản xuất đường thô lẫn tinh luyện của HAGL tương đương Thái Lan nhờ quy mô, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và thu hồi thêm nhiều sản phẩm sau đường để nuôi bò, trồng cao su, bắp… HAGL từng đề nghị được nhập đường thô vào Việt Nam tinh luyện để bán, nhưng các doanh nghiệp thuộc VSSA phản đối quyết liệt.
Ông Đỗ Thành Liêm - Tổng giám đốc Công ty Đường Việt Nam (Vietsugar) thừa nhận, sở dĩ đường lậu có đất sống là do có sự chênh lệch giá quá cao với đường nội. Hàng chục năm qua, dù được bảo hộ khá kỹ bằng hàng rào thuế và hạn ngạch, nhưng các nhà máy đường không biết tận dụng cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh, nên giá thành sản xuất cao hơn các nước. Buộc họ phải bán giá cao mới có lời.
Mặt khác, vì mức thuế đường nhập khẩu cao, nên các nhà máy đường trong nước cứ “mặc định” bán giá cao. Trước năm 2018, đường nhập khẩu từ các nước ngoài khối ASEAN phải chịu thuế suất nhập khẩu 80 – 85%; từ 1.1.2018, thuế suất nhập khẩu đường từ ASEAN mới giảm về 5% trong hạn ngạch cho phép (mức cũ là 40%), còn nếu nhập ngoài hạn ngạch vẫn chịu mức 25% với đường thô và 40% đường trắng.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp như Vinamilk, Coca-Cola, Tân Hiệp Phát… cho biết, nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, nếu cộng thuế 5%, phí vận chuyển và các chi phí khác về đến kho, giá vẫn thấp hơn đường nội địa.
Học Thái Lan làm đường
Cả nước hiện có hơn 40 nhà máy đường, nhưng chỉ dưới 10 nhà máy có công suất 8.000 – 10.000 tấn mía/ngày, còn lại là công suất nhỏ, dưới 3.000 tấn; trong khi phải đạt 6.000 tấn/ngày mới đạt lợi thế kinh doanh. Hơn 40 nhà máy đường đang tồn tại, số doanh nghiệp có vùng nguyên liệu cũng không nhiều, ngoài mấy tên tuổi như: Thành Thành Công, Vietsugar, Lam Sơn, đường Cần Thơ…
Theo ông Đỗ Thành Liêm, muốn cho mỗi cân đường có tính cạnh tranh cao phải bắt đầu từ đồng ruộng, chứ không phải từ nhà máy.
Năm ngoái, để dần khép kín chuỗi sản xuất sữa, Vinamilk mua lại 65% cổ phần Đường Khánh Hòa. Sau khi mua, Vinamilk đã đầu tư, mở rộng nhà máy từ công suất 10.000 tấn mía/ngày lên 15.000 tấn mía/ngày bằng công nghệ nhập khẩu từ châu Âu; đồng thời đầu tư vùng nguyên liệu qua các biện pháp liên kết với các viện, trường cải tạo giống mía, liên kết và đầu tư cho nông dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Nông, Bình Định… để nâng công suất mía từ 60 - 70 tấn/ha, lên 100 tấn/ha.
Mỗi năm Vinamilk cần tới 130.000 - 150.000 tấn đường, cần nguyên liệu bã mía, rỉ mật đường phục vụ chăn nuôi bò sữa, và hơn hết là cần quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất sữa, nên mới mạnh dạn đầu tư như vậy.
Ông Liêm cho biết thêm, Vinamilk vốn có kinh nghiệm quản trị rủi ro nên giúp Vietsugar cấu trúc lại toàn bộ quy trình quản lý từ sản xuất mía đến chế biến đường tại nhà máy và khâu phân phối lưu thông. “Nếu chỉ sản xuất đường để bán đường, tôi e các nhà máy sẽ rất khó cạnh tranh” - ông Liêm nói.
Sản xuất đường để bán đường, cũng giống như trồng lúa chỉ để bán gạo mà không tạo thêm giá trị trong chuỗi sản xuất, chắc chắn khó cạnh tranh. Chưa kể, do chính sách hạn điền, diện tích trồng mía manh mún, khó áp dụng công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng đã làm nhiều nhà máy đường gặp khó khăn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thống kê, năng suất mía trung bình của Việt Nam chỉ đạt 65 – 70 tấn/ha, còn Thái Lan 95 - 100 tấn/ha. Ngoài ra, các nhà máy đường trên thế giới, nhất là Thái Lan, đã biết “tận thu” các phụ phẩm sau đường khá hiệu quả, như sử dụng bã mía để sản xuất điện, sản xuất cồn sinh học từ rỉ mật đường, bán rỉ mật đường, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Hiện các nhà máy đường Thái Lan bán điện giá 11 - 13 cent/kWh, trong khi các nhà máy đường ở Việt Nam chỉ được trả trung bình 5,8 cent/kWh. Như vậy, sản xuất đường ở Thái Lan vừa làm thực phẩm, vừa làm năng lượng; và do thu hồi sản phẩm sau đường tốt giúp giảm áp lực lên giá thành sản xuất, nên đường Thái Lan có tính cạnh tranh cao hơn.
Bảo Ngọc/danviet