Đứng dậy từ nơi "ngày cũng như đêm"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đột nhiên mất đi ánh sáng đôi mắt là một thực tế không ai dễ dàng chấp nhận. Tất cả mờ mịt, từ cái trước mắt cho đến tương lai. Nhưng vượt qua nỗi tuyệt vọng, nhiều người vẫn gắng gượng đứng dậy. Bởi với họ, phải tiếp tục sống và sống tốt hơn như là một mệnh lệnh.
 

Thử thách của số phận

Ngôi nhà đơn sơ của gia đình chị Đỗ Thị Thủy nằm lọt thỏm giữa những vườn rau thuộc xã An Phú, TP. Pleiku. Thấy chủ cầm chiếc liềm dò dẫm ra vườn làm cỏ, chú chó mực cứ xoắn xuýt chạy phía trước, nửa như bảo vệ, nửa muốn chỉ đường bằng những tiếng gừ gừ nho nhỏ. Do quá quen việc nên chỉ một chốc, chị Thủy đã làm sạch đám cỏ cao đến thắt lưng mọc ở bờ rào. Vừa làm, chị vừa giãi bày: “Làm cho sạch sẽ, cho đỡ buồn tay buồn chân vậy thôi chứ như chị sao mà trồng rau được nữa!”.

Chị Thủy không bao giờ quên được buổi sáng cách đây 13 năm, khi bóng đêm đổ sập xuống giữa ban ngày. Rõ ràng hôm trước chị còn thay tã cho đứa con trai út 15 ngày tuổi, vậy mà hôm sau đã chẳng nhìn thấy gì, chẳng biết mình phải làm gì và sống tiếp như thế nào. Căn nguyên là từ căn bệnh viêm màng bồ đào mắt. Từ hôm ánh sáng đột ngột bị cướp đi, những gì từng in vào mắt chị chỉ còn là ký ức.

 Từ khi mù lòa, để không là gánh nặng cho gia đình, chị Đỗ Thị Thủy (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) cố gắng tự làm những việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, cắt cỏ… Ảnh: Phương Duyên
Từ khi mù lòa, để không là gánh nặng cho gia đình, chị Đỗ Thị Thủy (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku) cố gắng tự làm những việc như dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, cắt cỏ… Ảnh: Phương Duyên


“Tôi khóc miết. Trời ơi, cuộc sống sao mà khổ sở quá!”-chị Thủy nói về những ngày đầy tuyệt vọng khi đó. Vợ chồng chị trông vào thu nhập từ nghề trồng rau màu trên mảnh đất thuê rộng 1,4 sào để nuôi 5 đứa con. Thế nên, khi chị gặp biến cố thì mọi gánh nặng đều dồn lên vai anh Nguyễn Công Văn. Vừa quần quật làm rẫy, làm thuê, anh vừa phải đỡ đần thêm việc nhà cho vợ. Đó là chưa kể những lần phải đưa vợ ra trạm xá khâu vết thương do chị bị ngã, va đập vào đồ vật trong nhà. Chị Thủy chỉ cho tôi xem vết khâu dài 7 mũi trên trán. Trên mũi chị giờ vẫn còn một vệt bầm chưa tan do vô ý va vào cạnh tường cách đây mấy hôm.

Nhưng số phận vẫn không ngừng trêu ngươi khi đứa con thứ hai vì buồn chuyện riêng mà tìm đến cái chết cách đây 5 năm. Hơn 7 tháng sau, chồng chị cũng qua đời do đột quỵ sau một buổi đi làm về. Đến cháo cũng không nuốt nổi, chị tưởng mình không thể gượng dậy. Kể đến đây, từ hốc mắt tối tăm, đôi dòng nước lặng lẽ lăn dài trên má chị.

Khi chúng tôi ghé thăm cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của vợ chồng anh Nguyễn Văn Trình-chị Đoàn Thị Điệp (286 Lê Duẩn, TP. Pleiku), anh đang bấm huyệt cho khách, chị thì lúi húi cùng mẹ chuẩn bị nấu bữa trưa. Do vẫn cảm nhận le lói chút ánh sáng nên chị Điệp nhanh nhẹn hơn khi phụ giúp những việc vặt trong nhà.

Cuộc chuyện trò bắt đầu bằng những ngập ngừng. Có lẽ việc không nhìn rõ người đối diện khiến con người ta khó thiết lập ngay một cuộc giao tiếp thân tình. Rồi thì người phụ nữ 39 tuổi cũng trải lòng: Chị từ biệt ánh sáng năm 22 tuổi, khi vừa học xong hệ trung cấp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội do căn bệnh thoái hóa võng mạc. Mắt chị khi đó bỗng dưng cứ tối dần, cho đến khi mọi thứ như bị bao phủ bởi một làn sương mờ. Còn gì tồi tệ hơn thế với một cô gái đang hồn nhiên mở cửa bước vào đời?

Khi được gia đình đưa từ Nam Định lên Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù (Hà Nội), “thấy” những người xung quanh liên tục bị thương do té ngã, va đập, chị Điệp không khỏi lo sợ. Cuộc sống bắt chị phải rẽ sang con đường khác, một cảnh ngộ mà chị chưa từng nghĩ tới. Từ chỗ chủ động mọi thứ, giờ chị phải nhờ đỡ người thân trong từng việc nhỏ.   

Vươn lên từ nghịch cảnh

Khi số phận đã chứng tỏ quyền lực thì đâu phải ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một hướng đi. Nhưng cuộc trò chuyện với chị Thủy, chị Điệp khiến chúng tôi vỡ ra rằng, họ đủ mạnh mẽ để bước tiếp vì lựa chọn thái độ sống tích cực. Họ không để nỗi đau kéo mình xuống mãi.

Lau nước mắt, chị Thủy nói: “Nhiều lúc, tôi cũng tuyệt vọng lắm, nhưng nghĩ đến mấy đứa con nên phải cố gắng”. Người đàn bà mù 47 tuổi quyết trụ vững để làm chỗ dựa cho các con. Sống với thực tế “ngày cũng như đêm” suốt mười mấy năm qua nên chị Thủy đã quen việc nhờ bàn tay thay đôi mắt. Đếm bước chân, huơ tay, chị canh được chính xác vị trí từ nơi này đến nơi khác. Từ chỗ phụ thuộc chồng con, chị dần dà mò mẫm làm được nhiều việc nhà như dọn dẹp, giặt giũ, thậm chí nấu nướng. Thời điểm được xã hỗ trợ kinh phí mua con bò sinh sản làm sinh kế, hàng ngày, chị Thủy nhờ con dắt ra vườn hoặc bờ ruộng để cắt cỏ cho bò ăn. Để giúp chị kiếm thêm thu nhập, chị em trong gia đình còn nhờ chị đến nhà thu hoạch rau; thu hết luống này thì dắt tay đến luống khác.  

 Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh chị Nguyễn Văn Trình-Đoàn Thị Điệp (286 Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh chị Nguyễn Văn Trình-Đoàn Thị Điệp (286 Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên


Thương mẹ, mấy đứa con ngoài việc học cũng lăn vào phụ giúp. Ngoài người con đầu làm thợ sắt đã ra riêng, đứa con gái thứ ba phụ việc cho quán ăn, mỗi tháng được trả công 2,5 triệu đồng. Đứa em trai kế tối tối phụ xe chở rau, bốc vác ở chợ đêm Pleiku; đứa út cũng đã biết làm ra tiền nhờ thỉnh thoảng được hàng xóm thuê quét lá, dọn vệ sinh vườn mít Thái. Cuộc sống nhọc nhằn nhưng mấy mẹ con luôn động viên nhau vượt qua. Thêm vào đó, họ còn được đón nhận những tình cảm ấm áp từ cộng đồng. Thấy cảnh ngặt nghèo của gia đình, một tổ chức thiện nguyện đã xây tặng ngôi nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng cùng một số vật dụng sinh hoạt, UBND xã tặng chiếc ti vi. Các con chị đi học cũng không phải đóng một khoản chi phí nào.

Với chị Điệp, ông trời cũng không lấy đi tất cả khi cho chị một điểm tựa là anh Nguyễn Văn Trình (quê Phú Thọ), người cùng cảnh mù lòa do thoái hóa võng mạc. Họ gặp nhau, yêu nhau từ những ngày ở Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù; chị học chữ nổi Braille, anh học xoa bóp, bấm huyệt. Không có ánh sáng đôi mắt nhưng đôi tai đã giúp họ nhận ra người kia chính là một nửa của mình. 3 đứa trẻ khỏe mạnh lần lượt ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của bố mẹ. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con cái nhưng với sự giúp đỡ của gia đình hai bên, mọi việc cũng đâu vào đấy. Anh Trình không nề hà khi giúp vợ việc nhà. Chạnh lòng một nỗi, họ chỉ thấy lờ mờ đường nét gương mặt con.

Sau khi quyết định đưa cả gia đình vào Gia Lai định cư, họ thuê nhà mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt kiếm sống, mỗi tháng thu về trên dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải. Không an phận như nhiều người vẫn nghĩ, chị Điệp đăng ký học hệ trung cấp ngành Y sĩ Y học cổ truyền Trường Cao đẳng Y dược Thăng Long (Hà Nội). 2 năm qua, do chị học theo hình thức đào tạo tập trung, anh Trình phải vất vả vừa làm, vừa cùng mẹ vợ chăm con nhưng luôn ủng hộ chị Điệp hết lòng. Nói về sự cầu tiến trong công việc, chị chia sẻ: “Nghề xoa bóp, bấm huyệt khó lâu dài nếu sức khỏe đi xuống. Khi nâng cao chuyên môn thì sau này tôi có thể mở được phòng khám, châm cứu chữa bệnh”. Cách học của chị rất đặc biệt: Ghi âm bài giảng bằng điện thoại, sử dụng máy vi tính để học tập nhờ một phần mềm dành cho người khiếm thị. Cứ vậy, chị đã sắp đến ngày tốt nghiệp.

Cũng như bao gia đình hạnh phúc khác, anh Trình-chị Điệp xây dựng mái ấm từ sự thương yêu, mến phục lẫn nhau. Anh Trình tự hào nói: “Vợ tôi rất thương chồng, yêu con, lại luôn phấn đấu trong công việc. Cô ấy và các con là động lực lớn nhất để tôi cố gắng mỗi ngày”. Tiếp lời, chị Điệp thêm một lần khẳng định thái độ tích cực, lạc quan trong suy nghĩ: “Thấy những người bình thường sinh hoạt, mình thèm lắm chứ. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như ý. Tôi từng gặp nhiều người khó khăn hơn mình, có người từng phải nằm một chỗ mà cuối cùng vẫn đứng lên được. Vì vậy, tôi có thêm ý chí để đi tới. Muốn có tương lai tốt đẹp thì hiện tại phải cố gắng sống cho thật tốt”.

Ai mà không mơ một cuộc sống êm ả, bình an? Nhưng những hoàn cảnh bị thử thách nghiệt ngã mà chúng tôi được gặp đã khẳng định rằng, thái độ sống là quan trọng hơn cả. Những biến cố đôi khi càng giúp con người nhận rõ giá trị cuộc sống cùng những yêu thương quanh mình.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.