Đừng coi cao tốc như ‘đường làng’

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường cao tốc mà đáng ra có thể tránh được nếu các tài xế liên quan không coi cao tốc như “đường làng”.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7/2024. Ảnh: TTXVN phát

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7/2024. Ảnh: TTXVN phát

Sáng 11/7, xe khách 16 chỗ do anh Q.V.L điều khiển va chạm nhẹ với xe bán tải do anh Đ.Q.H điều khiển chạy phía trước, Sau va chạm, anh L và 2 người khác trên xe bán tải xuống xe, đứng tranh luận trước đầu xe khách 16 chỗ. Trong lúc các bên tranh cãi, xe ô tô 7 chỗ do tài xế T.N.T từ phía sau lao tới, đâm mạnh vào đuôi xe khách 16 chỗ khiến anh L cùng một người trên xe bán tải tử vong và 10 người khác bị thương.

Trước đó vào tối 2/7, cũng trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, xe tải biển số 14C-200.XX gặp sự cố, tài xế V.V.T lấy cành cây cảnh báo rồi đứng ở đầu xe gọi điện thoại. Xe bồn chở xăng dầu biển số 24H-002.XX va vào xe tải từ phía sau. Sau va chạm, xe bồn bốc cháy dữ dội, tài xế bị thương nặng còn anh V.V.T tử vong tại chỗ.

Cả hai vụ tai nạn đều có điểm chung là sau khi xảy ra sự cố trên đường cao tốc, các tài xế liên quan đã không có biện pháp cảnh báo an toàn, gồm bật xi nhan cảnh báo khẩn cấp, đặt 3 chóp nón hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe với khoảng cách 100m, cố gắng đưa xe vào làn khẩn cấp… Bên cạnh đó, họ còn “vô tư” đứng trước xe để cuối cùng chuốc họa thiệt thân.

Tạm chưa nói tới việc tài xế các xe đâm phía sau không tập trung quan sát khi lái xe và không làm chủ tốc độ, cách xử lý kiểu “coi cao tốc như đường làng” của hai bác tài L và T khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi trên thực tế, cả hai tai nạn giao thông nghiêm trọng này là hoàn toàn có thể tránh được nếu các tài xế liên quan tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ về về dừng, đỗ xe trên đường bộ, bao gồm việc phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết và dừng, đỗ xe đúng nơi quy định.

Ngoài ra, để tham gia giao thông an toàn thì người điều khiển phương tiện còn cần phải có văn hoá giao thông. Nhưng trên thực tế, nhiều lái xe khi tham gia giao thông trên cao tốc lại không như vậy. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới rủi ro, đặc biệt là nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đường cao tốc tiêu chuẩn có từ 2 làn xe trở lên và việc lưu thông trên cao tốc khác hẳn với đi trong nội đô, từ việc hiểu rõ tốc độ mỗi làn xe, tới việc xin vượt, chuyển làn hay xử lý tình huống xảy ra sự cố… Đây là những kiến thức cơ bản mà mỗi tài xế cần phải nắm chắc. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bác tài điều khiển phương tiện trên cao tốc theo cái tôi của mình.

Người viết bài này đã chứng kiến không ít lần xe mình bị bám sát bởi xe sau không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn, cũng nhiều lần thấy ô tô khác đi vào làn khẩn cấp hoặc đang di chuyển thì đột ngột chuyển làn, thậm chí không thèm bật xi nhan báo hiệu. Một hiện tượng khác cũng thường thấy là ngang nhiên “đi chậm rì rì” ở làn ngoài cùng bên trái (làn 1), nơi đáng ra là dành cho xe đi tốc độ cao nhất theo quy định.

Đằng sau những cái thường thấy, nhưng tiềm ẩn hại hoạ đó chính là ý thức văn hóa giao thông kém. Với những tài xế như này, đường cao tốc trong mắt họ như đường làng, cho nên, muốn đi thế nào là đi, không quan tâm đến những phương tiện khác. Họ không nghĩ rằng chạy như vậy là gây ức chế cho người khác và có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Việc xây dựng văn hoá giao thông vì thế rất cần thiết, nhưng không thể trong ngày một ngày hai, mà cần có sự kiên trì từ cả phía người dân và cơ quan quản lý.

Các bác tài khi ngồi sau tay lái cần đảm bảo tuân thủ nghiêm luật Giao thông đường bộ và nắm chắc văn hoá làn đường (đi đúng làn, không “tạt cánh đánh đầu”…); văn hoá nhường đường (không ích kỷ khi có xe muốn vượt); văn hoá tốc độ (không tăng, giảm tốc độ đột ngột) và cả văn hoá ra khỏi đường cao tốc (lỡ đi quá lối ra thì tuyệt đối không lùi xe hoặc quay đầu chạy ngược lại..). Trong khi đó, cơ quan quản lý cần khắc phục các bất cập trong tổ chức lưu thông trên đường cao tốc, phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật đáp ứng cho việc hình thành văn hoá giao thông như biển báo, chỉ dẫn… Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trật tự an toàn giao thông, vận động các cơ quan, đơn vị tạo dư luận lên án đấu tranh với những biểu hiện thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông…

Có thể bạn quan tâm

Mùa Trung thu của sự sẻ chia

Mùa Trung thu của sự sẻ chia

Tết Trung thu luôn là khoảng thời gian mà các em nhỏ khắp cả nước mong ngóng, háo hức. Trung thu về, bao em nhỏ sống trong vòng tay cha mẹ, được ăn ngon mặc đẹp, được vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, còn nhiều trẻ em kém may mắn khác thì thế nào, đặc biệt năm nay có nhiều biến cố xảy đến?
Từ thiện minh bạch

Từ thiện minh bạch

Việc Ủy ban T.Ư MTTQ VN công bố sao kê cụ thể số tiền người dân và các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ đồng bào bị bão lụt đã thực sự tạo ra một 'cơn bão' trên mạng xã hội.
Chia sẻ đúng, hành động đúng

Chia sẻ đúng, hành động đúng

Vào thời điểm này, người dân cả nước đều hướng trái tim về miền Bắc. Mọi người đều mong muốn được chung tay sẻ chia cùng đồng bào đang hoạn nạn, nhưng chúng ta cũng nên hiểu và thực hiện đúng những quy định, nguyên tắc để có thể đảm bảo an toàn.
Trước thảm họa

Trước thảm họa

Làng Nủ-ở nơi rừng sâu, núi thẳm; sau cơn bão trở thành cái tên mang nhiều xót xa với đồng bào cả nước. Thảm họa từ thiên tai luôn là thách thức với nhân loại, nhiều khi nó vượt khỏi tầm dự phòng, quản trị.
Sau bão

Sau bão

Vậy là chiều tối qua, bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh nhất 30 năm trở lại đây đã đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc bộ nước ta.