Đưa trái bơ vào thực phẩm, mỹ phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều dự án khởi nghiệp từ quả bơ đã ra đời với tâm huyết làm sao đa dạng sản phẩm, nâng giá trị cây bơ để không còn lo chuyện "giải cứu" hằng năm.

Mới đây, dự án sản xuất mỹ phẩm từ quả bơ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang (tỉnh Đắk Lắk) đã gọi vốn thành công trong chương trình "Thương vụ bạc tỉ" (Shark Tank Việt Nam) mùa 7 với số tiền 3 tỉ cho 30% cổ phần, tương đương định giá công ty là 10 tỉ đồng. "Thương vụ bạc tỉ" này tạo thêm động lực cho các dự án khác trong cùng lĩnh vực.

Chuỗi giá trị mới cho cây bơ

Người sáng lập Pơ Lang, chị Phạm Thị Thu Hằng cho biết năm 2016, giá bơ tại vườn lên đến 120.000 đồng/kg nên các nhà vườn đua nhau trồng vì lãi quá lớn. Khi đó, các nhà vườn dự tính bơ sẽ giảm giá nhưng không dưới 30.000 đồng/kg, họ vẫn lời. Thế nhưng, đến năm 2019, giá bơ rớt xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Chị Hằng chua xót khi chứng kiến cha mình đứng giữa trời nắng, khó khăn lắm mới nài nỉ được thương lái trả thêm 500 đồng/kg bơ. Chị quyết định nghỉ công việc giáo viên để tập trung cho dự án Pơ Lang, hạ quyết tâm làm sao không còn thấy cảnh phải "giải cứu" bơ.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, Pơ Lang đã nghiên cứu phát triển thành công các loại mỹ phẩm như: son, mặt nạ, dầu rửa mặt, xà bông… từ bơ, được thị trường đón nhận khá tốt. Nửa đầu năm 2024, doanh thu của Pơ Lang đạt 3 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 360 triệu đồng - tương đương tỉ suất lợi nhuận 12%. Người sáng lập Pơ Lang kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt doanh thu 8 tỉ đồng với lợi nhuận 1 tỉ đồng.

Trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7, chị Hằng đã mời các "shark" đầu tư cho công ty 2 tỉ đồng đổi lấy 10% cổ phần để mở rộng xưởng sản xuất và cải tiến chất lượng sản phẩm. Sau quá trình đàm phán căng thẳng, 3 "cá mập" là Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Văn Thái và Bùi Quang Minh đã chốt với start-up này phương án 3 tỉ đồng cho 30% cổ phần Pơ Lang.

Trà bơ của Lê’s Farm thu hút khách hàng tại Lễ hội Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 2 năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức

Trà bơ của Lê’s Farm thu hút khách hàng tại Lễ hội Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 2 năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức

Tại Lâm Đồng, năm 2020, Dự án "xây dựng chuỗi giá trị cây bơ" của anh Lê Huy Quang, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Công nghệ cao Lê's Farm, đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh. Luôn trăn trở về đầu ra cho quả bơ đặc sản của địa phương, anh đã đầu tư chế biến sâu với định hướng làm thực phẩm và nguyên liệu mỹ phẩm.

"Trong các sản phẩm của chúng tôi, trà bơ là thành công nhất. Trong chương trình Lễ hội Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 2 năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức tại TP HCM, gian hàng Lê's Farm bán chạy nhất là trà bơ. Hàng hết sớm, chúng tôi phải chuyển thêm từ Lâm Đồng xuống để bán" - anh Quang kể.

Cơ hội nhiều, khó khăn không ít

Khi bắt đầu nghiên cứu, anh Quang nhận ra đây là một mảng khó bởi bơ rất dễ bị ôxy hóa, cần công nghệ cao, đắt tiền để xử lý. Trong khi đó, người khởi nghiệp có vốn ít nên chủ yếu đầu tư sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm, giá thành cao. Tuy vậy, cơ hội thị trường vẫn có.

Hiện tại, các doanh nghiệp mỹ phẩm của Việt Nam vẫn nhập dầu bơ từ Ấn Độ, Mexico rất nhiều. Nếu công ty trong nước tìm được công nghệ phù hợp và sản xuất với quy mô công nghiệp thì sẽ cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu.

"Với mỹ phẩm, để bán được sản phẩm cuối, cần phải mạnh về marketing. Trong khi đó, vì nguồn lực có hạn nên tôi dự kiến chỉ tham gia cung cấp hoặc bán nguyên liệu" - anh Quang giải thích.

Một vấn đề khác mà các dự án khởi nghiệp về bơ đang gặp phải là vùng nguyên liệu bị thu hẹp chóng vánh do nông dân chuyển đổi cây trồng. Anh Quang cho hay dự án ban đầu sử dụng nguyên liệu bơ từ vườn gia đình và các hộ xung quanh, song gần đây giá bơ quá rẻ, các hộ chặt bỏ cây rất nhiều. Các vườn trước đây xen canh 3 loại cây chủ lực là sầu riêng, bơ, cà phê thì nay chỉ giữ lại sầu riêng và cà phê. "Trong tương lai, giá bơ sẽ không còn rẻ nên khi đã đầu tư chế biến thì phải có giá trị gia tăng cao mới trụ được" - anh nhìn nhận.

Trong khi đó, Công ty Pơ Lang đang xây dựng vùng nguyên liệu riêng và thu mua bơ với giá cao hơn thị trường, thời điểm giá thấp nhất không dưới 15.000 đồng/kg để nông dân không chuyển đổi cây trồng. Ngoài chế biến, Pơ Lang còn kết nối tiêu thụ những quả bơ ngon, mẫu mã đẹp để đa dạng đầu ra, tăng giá trị và sản lượng tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu cho bơ tươi

Đó là câu chuyện của anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông (tỉnh Bình Phước) với thương hiệu Bơ Ông Hoàng, giống bơ sáp Mã Dưỡng.

Từ 12 ha bơ vườn nhà, anh Hoàng đã xây dựng được vùng nguyên liệu 200 ha thông qua hình thức liên kết với các nông dân xung quanh. Vùng bơ này thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm, giá bán tại vườn bình quân 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài việc cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị, Bơ Ông Hoàng còn xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Campuchia và đang chuẩn bị sẵn sàng xuất sang Trung Quốc khi thị trường này mở cửa.

"Bơ là loại cây rừng, sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh nên chăm sóc đơn giản, ít tốn chi phí đầu vào. So với cây sầu riêng thì hiệu quả kinh tế của cây bơ không hề thua kém" - anh Hoàng khẳng định. Anh cho biết sẽ tiếp tục đầu tư để số hóa vùng trồng, bảo đảm chất lượng và mở rộng kênh tiêu thụ bơ tươi, như đưa vào các chuỗi cà phê, sinh tố…

Theo Bài và ảnh: NGỌC ÁNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…