Du lịch… mưa Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tưởng mùa mưa đến sớm cùng những ngày mưa dầm lê thê sẽ khiến các công ty du lịch tại Gia Lai ế ẩm, nhưng ngược lại. Nhiều tour “du lịch mưa” vẫn được thiết kế và du khách vẫn hăm hở cùng những trải nghiệm độc đáo.

“Tất nhiên, mưa thì cũng gây ảnh hưởng đôi chút, nhưng Công ty vẫn tổ chức tour đều đều, trừ tour trekking ở Kbang và các hoạt động cắm trại ngoài trời”-anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Du lịch Vietjoy Tourist, chia sẻ. Tương tự, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao nguyên Việt, nhìn nhận: “Mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý khách nhưng nhiều người vẫn đến. Mưa cũng là đặc trưng của Phố núi mà”. Và vào những ngày mưa gió lê thê này, nhiệm vụ của các đơn vị lữ hành là phải làm sao để du khách thực sự cảm nhận rằng Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung vẫn rất đẹp trong mưa.

 

Dù đang là mùa mưa nhưng du khách vẫn lên lịch khám phá Gia Lai. Ảnh: L.N
Dù đang là mùa mưa nhưng du khách vẫn lên lịch khám phá Gia Lai. Ảnh: L.N

Anh Hoàng Phương cho hay, nhiều du khách đã đi khắp Âu-Mỹ nhưng Tây Nguyên thì chưa. Đó là lý do một đoàn khách 14 người từ Quảng Ninh mới đây vẫn không ngần ngại tham gia tour 10 ngày tham quan các tỉnh Tây Nguyên dù đang giữa mùa mưa. Trước khi lên đường, khách đã được làm công tác tư tưởng nên khi đến thăm chùa cổ Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), mặc cho nước ngập, họ vẫn xắn quần lội vào thăm thú cảnh quan và thắp hương ở chánh điện. Đồi chè gần đó vẫn thật lãng mạn dưới mưa nên nhiều du khách không ngại che dù, mặc áo mưa chụp hình lưu niệm. Trước đó, đoàn cũng rất thích thú khi di chuyển từ Kon Tum xuống thăm Thủy điện Ia Ly và làng Kép (huyện Chư Pah). Một điểm đến khác cũng đầy thú vị trong hành trình là Cà phê Huế xưa gần ngã tư Biển Hồ, nơi du khách có thể tìm thấy chút lắng lòng không gian nhà rường cổ để vừa uống cà phê vừa… ngắm mưa.

Đêm xuống, dạo Quảng trường Đại Đoàn Kết và ngồi ăn vặt ở các quán nhỏ trên đường Anh hùng Núp là một phần trong chương trình giúp khách tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt của người dân Pleiku. Nếu thời tiết thuận tiện, khách sẽ được bố trí đi bộ từ Quảng trường đến Bưu điện tỉnh-đoạn đường không quá ồn ào, lại được trang trí đèn điện đẹp mắt-để chiêm ngắm vẻ thanh bình của Phố núi về đêm. Hôm sau, khách cũng có thể đến thăm chùa Minh Thành, sau đó tiếp tục thưởng thức “cà phê mưa” ở một số quán có view (cảnh) đẹp nhìn xuống phía hồ Diên Hồng. Với nhiều du khách, khoảnh khắc được nhấm nháp tách cà phê nóng, ngắm mưa rơi tí tách xao động mặt hồ cùng những hàng thông xanh ngút lướt thướt mưa mang đến một ấn tượng khó quên. Đó là cảnh sắc điển hình của Phố núi với những lãng mạn, mơ màng kỳ lạ mà không dễ gì bắt gặp ở những thành phố khác. Rõ ràng, phong cách “du lịch chậm” rất phù hợp với Pleiku những ngày mưa.

Trong khi đó, ông Hà Trọng Hải cũng thiết kế một tour du lịch mưa khá thú vị, chủ yếu là quanh TP. Pleiku và vùng lân cận như: thăm làng Kép, ghé chùa Bửu Minh (huyện Chư Pah), về Biển Hồ, uống cà phê bên bờ hồ Diên Hồng… Nếu du khách muốn thưởng thức ẩm thực bản địa kèm biểu diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc thì không có điểm đến nào hợp lý và ấm cúng hơn ngoài làng Tiêng (xã Tân Sơn), quán Bazan (phường Thắng Lợi) hay quán của nghệ nhân Ksor H’Nao (phường Đống Đa). Trong tiếng mưa rơi, được thưởng thức rượu cần, ăn gà nướng cơm lam, nghe tiếng cồng chiêng hay tiếng đàn goong tình tự, thì không gì bằng.

Vừa có chuyến trải nghiệm đáng nhớ tại Gia Lai, chị Trịnh Thị Mây đến từ tỉnh Yên Bái hào hứng chia sẻ: “Cả đoàn đến giờ vẫn còn nguyên cảm xúc hân hoan. Từ những clip quay được, tôi còn dự định dựng 1 đoạn phim tư liệu về chuyến hành trình từ Yên Bái-Bình Định-Gia Lai-Đak Lak-Nha Trang-Đà Lạt-Kon Tum để giới thiệu đến bạn bè, người thân. Là người dân vùng Tây Bắc, đoàn chúng tôi rất đồng cảm và rất quý Tây Nguyên. Đặc biệt, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi trong chuyến đi này là Pleiku với con người, khí hậu, cảnh sắc rất tuyệt vời. Chúng tôi còn được thưởng thức ẩm thực bản địa, giao lưu văn nghệ, được nghe nghệ sĩ Ksor H’Bla chơi đàn t’rưng ở quán Bazan, tất cả đều rất bốc lửa, rất vui vì các dịch vụ chưa bị thương mại hóa nhiều. 2 đêm nghỉ lại Pleiku, tôi đều ngủ rất sâu”.

Trở về từ Tây Nguyên đã 2 tuần, anh Trần Văn Thắng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng tấm tắc: “Đây là lần đầu tôi đến với Tây Nguyên để trải nghiệm cảnh sắc và cuộc sống nơi đây. Không khí rất trong lành, khung cảnh lãng mạn. Mưa nhưng chúng tôi vẫn rất thích, không có gì vất vả cả. Tại Gia Lai, điểm đến nào cũng thú vị, nhất là được thăm Thủy điện Ia Ly, xem bóng đá ở Sân vận động Pleiku và tham quan khu chợ đêm. Người dân ở đây buôn bán rất xởi lởi nhiệt tình, cách phục vụ không phân biệt, không chặt chém nên chúng tôi thấy rất thoải mái. Các điểm tham quan đẹp, cách phục vụ tận tình, không chặt chém là 2 điểm nhấn rất lớn mà chúng tôi nhận thấy”. Nghe nói Tây Nguyên cũng rất đẹp vào mùa khô, anh Thắng hào hứng cho biết sẽ cùng vợ quay lại lần nữa, những mong tường tận về một vùng đất “chưa xa đã nhớ”.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.