Dự án kè chống sạt lở suối Ia Sol: Phương án bồi thường đảm bảo quyền lợi người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không đồng ý với mức đền bù theo phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) khi thu hồi phần đất của gia đình để thực hiện dự án kè chống sạt lở suối Ia Sol, ông Dương Văn Lợi (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) tiếp tục có đơn khiếu nại lần 2. Tuy nhiên, việc giải quyết của chính quyền là thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo ông Lợi, gia đình ông sinh sống và làm ăn ổn định tại xã Ia Sol từ năm 1985. Năm 2020, Nhà nước quy hoạch bờ kè chống sạt lở suối Ia Sol, gia đình ông bị thu hồi 266 m2 đất. Theo Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 13-11-2020 của UBND huyện Phú Thiện thì gia đình ông được đền bù hơn 400 triệu đồng. Trong đó, bồi thường hỗ trợ về đất là 272,4 triệu đồng; cây cối hoa màu hơn 27,6 triệu đồng; nhà cửa, vật kiến trúc hơn 98 triệu đồng và hỗ trợ khác hơn 2,2 triệu đồng.

  Căn nhà mặt tiền quốc lộ 25 và phần đất phía sau của ông Dương Văn Lợi có diện tích 266 m2 nằm trong quy hoạch dự án kè chống sạt lở suối Ia Sol. Ảnh: Minh Nguyễn
Căn nhà mặt tiền quốc lộ 25 và phần đất phía sau của ông Dương Văn Lợi có diện tích 266 m2 nằm trong quy hoạch dự án kè chống sạt lở suối Ia Sol. Ảnh: Minh Nguyễn


Tuy nhiên, gia đình ông Lợi không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ nêu trên. Bởi theo ông, thực tế giá giao dịch trên thị trường đối với lô đất 266 m2 bị thu hồi là khoảng 3,5 tỷ đồng. Do đó, trong đơn khiếu nại, ông Lợi đưa ra 3 phương án để được đối thoại với chính quyền huyện. Cụ thể, theo phương án “Đất đổi đất tương ứng”, ông yêu cầu được đổi diện tích đất khác nằm trên trục quốc lộ 25 (đoạn từ cầu Ia Sol đến chợ Phú Thiện). Tiếp đến, ông Lợi đề nghị dùng toàn bộ giá trị tạm tính của 266 m2 nằm trong khu quy hoạch để mua lại khu đất tái định cư (khu bệnh viện cũ-đường Trường Chinh) theo đơn giá đất của UBND huyện Phú Thiện; cuối cùng là phương án bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm 2 bên thống nhất. “Gia đình tôi nhận bồi thường ít hơn và không được cấp đất tái định cư. Trong khi một số hộ bị giải tỏa 13 m thì được nhận 2 lô đất mặt tiền quốc lộ 25 (giá thị trường khoảng 9 tỷ đồng) và 1 lô đất tái định cư; hộ khác bị giải tỏa 5 m cũng được nhận 1 lô đất mặt tiền quốc lộ 25 và 1 lô tái định cư; 1 hộ khác chỉ giải tỏa đất ở bãi bồi lòng sông nhưng vẫn được cấp 2 lô đất tái định cư… Trong khi gia đình tôi cũng có con đến tuổi lập gia đình, rất cần nơi ở để ổn định cuộc sống nhưng không được hỗ trợ đất tái định cư”-ông Lợi bức xúc.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đăng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện-cho biết: Có 21 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án; UBND huyện đã thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường, 20/21 hộ đã nhận tiền, đất và bàn giao mặt bằng để thi công dự án. Riêng hộ ông Dương Văn Lợi bị thu hồi 266 m2 (trong đó 100 m2 đất ở, 166 m2 đất sản xuất); phần diện tích còn lại là 368,7 m2 gồm đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Theo quy định, thu hồi đất bồi thường bằng đất, trường hợp không có đất thì bồi thường bằng tiền, theo phương án bồi thường có 5 hộ thuộc diện giải tỏa trắng. Trong khi đó, gia đình ông Lợi vẫn còn đất ở tại vị trí trên sau khi giải tỏa nên không áp dụng chính sách giải tỏa trắng.

Theo Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 19-11-2020 của UBND huyện về phê duyệt phương án sắp xếp, bố trí tái định cư, bồi thường đất ở và giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi; huyện cũng đã bố trí dự kiến bồi thường bằng đất với diện tích 147,6 m2 tại khu trung tâm y tế (cũ)-đường Trường Chinh. “Dự thảo phương án đền bù ban đầu, chúng tôi xác định toàn bộ 266 m2 là đất ở nên giá trị bồi thường cho gia đình ông Lợi lên đến 817,3 triệu đồng; sau đó đã điều chỉnh dự thảo phương án và tổ chức đối thoại, giải thích các chính sách, quy định của Nhà nước cho các hộ biết. Phần diện tích còn lại có nhà ở hiện nay của ông Lợi sẽ nằm trên đất nông nghiệp là sai quy định, nếu làm theo phương án này thì buộc phải tháo dỡ nhà. Bởi trước đây, năm 2016, khi ông Lợi xây dựng nhà ở, UBND thị trấn đã đến lập biên bản, ông cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm và không yêu cầu đền bù. Còn việc yêu cầu cấp lại diện tích tương đương nằm trên trục quốc lộ 25 thì huyện không còn quỹ đất ở trục đường này để bố trí cho ông Lợi (theo khoản 2, Điều 86 Luật Đất đai 2013)”-ông Đăng thông tin.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện cho rằng: Theo phương án đền bù, huyện sẽ ưu tiên những gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng, không còn đất ở, nhà ở. “Khi tiến hành thu hồi đất, chúng tôi cũng muốn người dân hưởng lợi tối đa chính sách bồi thường của Nhà nước, nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Các trường hợp được bố trí tái định cư đều đáp ứng điều kiện “trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi đủ điều kiện tách hộ theo quy định. Riêng ông Lợi cũng có 2 người con nhưng chưa lập gia đình, diện tích đất ở còn lại đảm bảo theo quy định nên không được hưởng chính sách hỗ trợ tái định cư”-ông Đăng nêu quan điểm.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện cũng cho rằng: Hội đồng bồi thường của huyện xây dựng giá đất cụ thể để tính giá trị bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân nên khi áp giá đất ở đền bù giữa các hộ là như nhau. “Chúng tôi rà soát và sẽ tham mưu UBND huyện bố trí buổi đối thoại trực tiếp với ông Lợi để xem xét lại các nội dung đơn khiếu nại. Quan điểm của huyện là làm sao đảm bảo quyền lợi tối đa cho người có diện tích đất bị thu hồi, trong đó có việc ưu tiên bố trí đất (có thu tiền sử dụng đất) cho gia đình ông Lợi”-ông Đăng khẳng định.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...