Dự án đường HCM đoạn tránh thị trấn Chư Sê:Hoàn tất giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tích cực tuyên truyền và làm tốt công tác đền bù giải tỏa, chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) đã sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê được khởi công từ giữa tháng 5-2018, có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông-Vận tải) làm chủ đầu tư. Tuyến đường tránh này có chiều dài hơn 11 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, mặt đường rộng 11 m đi qua địa phận các xã: Ia Pal, Ia Glai và thị trấn Chư Sê. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho tuyến quốc lộ đi qua khu vực trung tâm thị trấn Chư Sê; tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên về các tỉnh lân cận.
 Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2018. Ảnh: N.S
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2018. Ảnh: N.S
Để triển khai dự án, UBND huyện Chư Sê đã xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với kinh phí hơn 54,6 tỷ đồng trên diện tích phải thu hồi khoảng 23 ha của 350 hộ dân. Theo ông Nguyễn Hữu Tâm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Sê, để tạo sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu từng thành viên tổ công tác giải phóng mặt bằng trực tiếp về các thôn, làng, tổ dân phố gặp các hộ có diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án để tuyên truyền, vận động. Ông Tâm cho biết, việc đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện công bằng, dân chủ, minh bạch ở tất cả các khâu như: kiểm kê tài sản trên đất, xác định nguồn gốc đất, tiến hành áp giá, thẩm định và chi trả tiền bồi thường cho người dân, giải quyết nơi ở mới, ổn định cuộc sống của nhân dân và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
“Công khai từng phần việc, chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận của người dân, rất nhiều hộ sẵn sàng bàn giao mặt bằng và chuyển đến nơi ở mới. Tiêu biểu, hộ ông Bùi Thế Khương (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Sê) là một trong những người đầu tiên bàn giao 3 sào đất cho dự án. Ngoài ra, ông Khương còn vận động thêm 8 hộ dân có đất thuộc khu vực lân cận bàn giao gần 3 ha đất nông nghiệp để dự án sớm triển khai”-ông Tâm thông tin.
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Sê khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những phương án giải quyết linh động nên công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê đến thời điểm này đã hoàn thành và bàn giao thông tuyến 100% cho đơn vị thi công. Ông Tâm cho rằng, quá trình kiểm đếm, đo đạc, thẩm định và chi trả tiền bồi thường cho người dân trước đó gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng bởi mưa nhiều. Nhiều hộ chỉ có đất rẫy và đã làm nhà ở trên đất này nên chính quyền phải vận dụng, sắp xếp nhà ở tái định cư và đã tổ chức di dời cho hơn 40 hộ. Đặc biệt, nhiều hộ chưa hiểu đầy đủ về mức giá đền bù dẫn đến chưa đồng thuận với việc hỗ trợ, đền bù của huyện. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải nhiều lần tuyên truyền, vận động mới tháo gỡ được “nút thắt” này.
Ông Phan Trọng Hùng-cán bộ Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông-Vận tải), giám sát viên dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê-xác nhận: Sau khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng từ chính quyền huyện Chư Sê, đơn vị đang tập trung bố trí đầy đủ máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực để thi công đồng loạt tại các vị trí đã có mặt bằng. Đồng thời, nhà thầu tư vấn cũng tổ chức giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình. “Theo tiến độ thi công như hiện nay, công trình sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2018”-ông Hùng khẳng định.
 Nguyễn Sang

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.