Độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Mạ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó, dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống tiêu biểu nhất.

 

Trong gian nhà rường đặc trưng bên dòng Hương Giang thơ mộng của mảnh đất Cố đô Huế, đông đảo người dân và du khách được chiêm ngưỡng những nghệ nhân Mạ trổ tài dệt thổ cẩm bên khung cửi.

 

Bà KA Phe- Dân tộc Mạ người truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.
Bà KA Phe- Dân tộc Mạ người truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.



Hình ảnh cô gái Mạ miệt mài xe tơ, quay sợi, tay thoăn thoắt bên khung dệt trong tiếng lách cách thoi đưa khiến nhiều du khách cảm phục. Nhiều người tranh thủ chọn cho mình những sản phẩm từ thổ cẩm đẹp và ưng ý nhất.

Đến Huế du lịch trong kỳ nghỉ lễ, chị Nguyễn Ngọc Hà, ở tỉnh Bình Dương cũng đã chọn mua nhiều mặt hàng thổ cẩm cho mình và bạn bè, người thân.


 

 Nghệ nhân người Mạ trình diễn dệt Thổ cẩm.
Nghệ nhân người Mạ trình diễn dệt Thổ cẩm.



“Em rất thích hàng thổ cẩm vì nó mang tính dân tộc, mang tính văn hóa. Và hàng thổ cẩm thì nó bền, màu sắc đẹp. Bởi vậy, dịp này đến Huế du lịch thấy có là em nhất định phải mua”, chị Hà cho biết.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ có tự bao giờ bà con không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, những cô gái Mạ lên 9, lên 10 tuổi đã được Bà, Mẹ truyền nghề, dạy cách dệt thổ cẩm. Để dệt nên tấm thổ cẩm đẹp mắt, người Mạ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, lên khung rồi mới ngồi vào dệt.


 

 Chị Ka Thoa - 34 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm làm nghề thổ cẩm.
Chị Ka Thoa - 34 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm làm nghề thổ cẩm.



Cây bông ở vùng người Mạ Lâm Đồng mỗi năm thu hoạch một lần. Còn khung dệt của bà con thì đơn giản hơn nhiều so với khung dệt của đồng bào Tây Nguyên, Tây Bắc.

Chỉ với một bộ khung gồm nhiều thanh gỗ và tre đơn sơ, gọn nhẹ nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với những đường nét hoa văn sinh động, màu sắc bắt mắt. Cách nhuộm màu cho sợi của người Mạ cũng rất công phu. Bà con phải vào tận rừng sâu tìm những cây lá, củ, quả có màu sắc đem về giã nhỏ hoặc mài bột để nhuộm sợi.

Màu sắc được bà con sử dụng nhiều trên tấm thổ cẩm là các màu đen, trắng, xanh, đỏ, nâu, vàng, trong đó, màu trắng là màu chủ đạo. Trên tấm thổ cẩm, bà con thường chọn dệt những hình thù đặc trưng của đồng bào như: cây cối, chim, muông thú, nhà sàn, cây nêu…

Ngày nay, dù chỉ màu công nghiệp đã trở nên phổ biến nhưng bà con vẫn giữ cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt hoa văn truyền thống của ông, bà để lại. 

Chị Ka Thoa, ở làng Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng năm nay 35 tuổi thì đã có 26 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Chị Thoa bảo rằng, các cô gái Mạ lớn lên mà không biết dệt thổ cẩm thì xấu hổ lắm, phải học dệt được tấm thổ cẩm đẹp để may áo váy, chăn, gối, túi… cho mình, người thân và gia đình nhà chồng. Ở làng Đạ Nghịch, xã Lộc Châu có 345 hộ người Mạ thì tất cả đều có khung dệt và theo nghề dệt thổ cẩm.

“Lên lớp 4 em đã được mẹ truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Bây giờ hầu như đã biết hết rồi, còn những cái công phu thì phải học hỏi thêm từ những người cao tuổi, những người già làng. Bởi vì dệt thổ cẩm, nghề truyền thống thì mình không thể bỏ, phải bảo tồn nghề của ông bà và giữ lại nét văn hóa của cha ông. Chúng em cũng mong qua Festival lần này, mọi người sẽ biết đến nghề dệt thổ cẩm của chúng em, để phụ nữ buôn làng chúng em  có việc làm, sản phẩm có đầu ra”, chị Ka Thoa nói.

Mặc dù đã được phục hồi và lưu giữ, nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ đang đứng trước nguy cơ mai một, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề dệt. Chính vì vậy, Fesstival nghề truyền thống Huế hàng năm là dịp để tỉnh Lâm Đồng giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm của người Mạ đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Bà Ka Phe, 65 tuổi, nghệ nhân tham gia trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019 chia sẻ: “Tôi năm nay cũng đã lớn tuổi rồi nên mong muốn truyền nghề lại cho lớp trẻ càng nhiều càng tốt để văn hóa truyền thống của ông, bà còn mãi. Dệt thổ cẩm đòi hỏi rất công phu và có nhiều công đoạn. Vì vậy, các cháu phải học hỏi rất nhiều. Thông qua Festival lần này cũng muốn quảng bá nghề dệt của người Mạ chúng tôi cho nhiều người biết”.

Chính sự đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn đã tạo nên nét đặc sắc trong trang phục thổ cẩm của đồng bào Mạ. Đó cũng là nét đẹp riêng có của thổ cẩm Mạ so với thổ cẩm của đồng bào các dân tộc khác trong cả nước.

Kim Thu/VOV - miền Trung

Có thể bạn quan tâm