Hoa trên đất lửa: Tây Nguyên - Viên ngọc "đại ngàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, sau 44 năm giải phóng, làm thế nào để Tây Nguyên phát triển cho xứng với khát vọng đại ngàn vẫn là câu hỏi chưa bao giờ dễ trả lời.
Tây Nguyên - miền đất huyền thoại, là kho báu vô tận để khai thác, phát triển du lịch, nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, ngành du lịch của khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc, nói về vị trí quan trọng của Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng. Đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở nước ta, Tây Nguyên không chỉ là căn cứ địa, mà sẽ là bàn đạp, là nơi phát động những chiến dịch tiến công lớn của các binh đoàn chủ lực để tạo ra những đột biến có tính chất bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”.
Tháng 1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A 275). Bộ Tư lệnh chiến dịch do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
 
Du lịch Tây Nguyên.
Bước ra từ khói lửa chiến tranh, sau 44 năm giải phóng, làm thế nào để Tây Nguyên phát triển cho xứng với khát vọng đại ngàn vẫn là câu hỏi chưa bao giờ dễ trả lời. Tây Nguyên - miền đất huyền thoại, là kho báu vô tận để khai thác, phát triển du lịch, nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, ngành du lịch của khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Tiềm năng du lịch đại ngàn Tây Nguyên được ví như vẻ đẹp hoang dã của nàng sơn nữ, nhưng có vẻ sơn nữ chỉ mới vừa được đánh thức, hãy còn ngái ngủ.
Nói đến Tây Nguyên là nói đến vùng đất bazan tươi tốt và một bầu khí hậu trong lành phù hợp với việc chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày và các loại cây thực phẩm. Nói đến Tây Nguyên là nói đến dấu vết người tiền sử, là hệ thống di sản kiến trúc từ thời hậu phong kiến và thời thuộc địa, khi vùng đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ, là thủ phủ “Hoàng triều cương thổ”… Tất cả những gì đang có ở Tây Nguyên đều có thể được biến thành kho báu vô tận cho ngành du lịch. Nếu biết phối hợp, liên kết các thế mạnh lại với nhau sẽ tạo nên một “con đường xanh” riêng biệt. Tháng 11/2018, khi tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
 
Ruộng bậc thang - Tây Nguyên.
Được mệnh danh là thủ phủ của Tây Nguyên, Đắk Lắk cũng đang có những bước đổi thay cho xứng với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung tuy có nhiều lợi thế, song đến nay vẫn còn là địa bàn khó khăn, nhiều lĩnh vực vẫn còn ở mức tiềm năng chứ chưa hiện thực hóa trở thành động lực phát triển. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp… Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3 vừa qua. Trong những năm qua, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận. Năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội của Đắk Lắk tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế đạt 7,82%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện trên 51 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng 21,73% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 600 triệu USD, tăng 4,35% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Có 950 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, tăng 3,37% so với cùng kỳ. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 2,51% so với cuối năm 2017…
Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững và hiện đã trở thành thủ phủ về cà phê của Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng đang còn nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp tái tạo, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế, hiện Đắk Lắk vẫn là một tỉnh còn khó khăn trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư… Đặc biệt, hiện địa phương cũng đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu trong khi nguồn lực cho phát triển rất hạn chế.
Vấn đề đặt ra là Đắk Lắk cần phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, là thủ phủ cà phê nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà cả với thế giới. Đắk Lắk phải nỗ lực vươn lên với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước; với thu nhập bình quân đầu người ngang bằng cả nước nhưng phải bảo đảm bền vững không để quên vấn đề là an sinh xã hội. Có thể nhận thấy, lợi thế đặc biệt của Đắk Lắk đó là Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư hiện nay vẫn chưa đúng mức, tương xứng với tiềm năng và vị thế của đô thị này. Đô thị trung tâm vùng đó không chỉ là vinh dự cho Buôn Ma Thuột mà quan trọng hơn chức năng làm thủ phủ là tạo cho đô thị này lợi thế phát triển. Tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho rằng muốn xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, thì phải thoát khỏi tư duy cho rằng đây việc riêng của Đắk Lắk. Thay vào đó, cần có tư duy đột phá, coi phát triển thành phố này là vì lợi ích của cả khu vực Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển đúng tầm, đúng cách.
Để giải bài toán tầm nhìn cho  thành phố Buôn Ma Thuột, cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển vùng Tây Nguyên để có cách thức xây dựng thành phố này một cách đúng tầm. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở cho thành phố ngang tầm thủ phủ vùng. Đắk Lắk có thể vươn lên hiện đại thông qua trung tâm hội tụ phát triển. Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm vùng mà còn là trung tâm hội tụ phát triển. Vì hội tụ được nên lan tỏa được.
Khánh An (NB&CL)

Có thể bạn quan tâm