(GLO)- Sau 3 lần giảm giá, đến nay giá xăng, dầu đã gần quay về mức giá đầu năm 2012. Tuy nhiên, cước vận tải từ taxi, xe khách đến xe tải hiện vẫn “án binh bất động”, khả năng giảm giá cước gần như không có.
So với giá vào thời điểm trước ngày 7-3-2012 thì mức chênh lệch do tăng giá xăng dầu hiện nay là không đáng kể, nhất là đối với dầu diesel và dầu hỏa. Chẳng hạn, giá dầu diesel 0,05S hiện nay là 20.500 đồng/lít (giá cũ là 20.400 đồng/lít, chênh lệch cao hơn 100 đồng/lít); giá dầu hỏa: 20.400 đồng/lít (giá cũ 20.200 đồng/lít, chênh lệch cao hơn 200 đồng/lít)…
Riêng xăng A92 có mức chênh lệch cao hơn hẳn 1.100 đồng/lít so với giá cũ. Cụ thể giá xăng A92 hiện tại là 21.900 đồng/lít (giá cũ 20.500 đồng/lít). Thế nhưng sau thời điểm giá xăng điều chỉnh tăng lên 2.100 đồng/lít vào ngày 7-3-2012 thì đa số doanh nghiệp vận tải đều điều chỉnh tăng giá cước. Trong đó, taxi tăng từ 6% đến 10%; xe khách tăng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/vé và đến nay hai loại hình vận tải này vẫn giữ giá ổn định dù giá xăng dầu có nhiều dao động lúc lên lúc xuống (tăng 2 lần và giảm 2 lần).
Cá biệt đối với cước vận tải hàng hóa thì tốc độ tăng khá “chóng mặt”. Nếu thời điểm trước ngày 7-3-2012 giá cước một tấn hàng từ TP. Hồ Chí Minh về Pleiku chỉ khoảng 420.000 đồng-440.000 đồng/tấn thì sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 7-3-2012 cước vận chuyển đã lên 480.000 đồng/tấn… và hiện tại giá cước đã tăng lên “ngất ngưởng” từ 600.000 đồng đến 650.000 đồng/tấn. Song theo các chủ xe thì “khả năng giảm cước rất khó”, vì xăng dầu chỉ là một yếu tố nhỏ, trong khi nhiều chi phí khác, nhất là chi phí “đi đường” của hàng hóa luôn “tăng mà không giảm”.
Đây là loại cước phí ảnh hưởng lớn nhất đến giá cả hàng hóa không sản xuất trên địa bàn, tập trung chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón, thực phẩm công nghiệp, hóa mỹ phẩm, đồ may mặc… Điều này chẳng có gì khó lý giải khi thị trường giá cả tỉnh ta vẫn ở mức cao và người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục “nhào lộn” khiến doanh nghiệp vận tải taxi gặp khó khăn. “Chỉ lo họp bàn tăng hay giảm không thôi cũng đã mất thời gian rồi, còn thời gian đâu mà suy nghĩ làm ăn”-một chủ hãng taxi than vãn. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái, lạm phát cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp.
Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Hãng Taxi Mai Linh Gia Lai cho hay: “Doanh thu của đơn vị so với cùng kỳ giảm đến 15%, đời sống anh em tài xế hiện rất khó khăn. Nếu có tăng hoặc giảm giá cước taxi thì lái xe chịu thiệt thòi nhất vì Công ty thực hiện cơ chế khoán (chia 4-6 hoặc 5-5 tùy đơn vị-N.V), tiền xăng do tài xế chi trả. Trong đợt xăng tăng giá vừa qua, Công ty đã phải hỗ trợ thêm tiền xăng cho lái xe nhưng giờ xăng giảm Công ty không hỗ trợ nữa, vì vậy nếu giảm giá cước thì anh em tài xế sẽ là người chịu thiệt đầu tiên”. Thực tế hiện nay số lái xe bỏ việc ngày càng nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp không đảm bảo đời sống trong khi vật giá ngày càng leo thang…
Tuy không quá “phức tạp” như các hãng taxi nhưng các hãng xe khách trên địa bàn cũng “nói không” với việc giảm giá cước. Theo ông Lê Phú Hà-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai: Hiện vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải khách nào đăng ký giảm giá vé, khả năng giảm giá cước hầu như không có. Nhiều hãng xe khách cho rằng dầu giảm như vậy chỉ giúp doanh nghiệp bớt lỗ thôi chứ thực tế doanh nghiệp vẫn còn lỗ (100 đồng/lít) do đã xây dựng phương án khi giá dầu ở mức giá cũ. Hơn nữa, nếu nói lãi suất vay đã giảm thì doanh nghiệp vận tải cũng khó được hưởng vì các món vay mua xe đều là trung hạn, lãi suất vẫn ở mức cao (khoảng 21%) trong khi ngân hàng chỉ giảm món vay ngắn hạn (xuống 15%).
Như vậy, bài toán giảm giá cước vẫn chưa tìm ra lời giải. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều đợi xăng dầu giảm giá thêm lần nữa thì mới giảm giá cước… “Nếu giá dầu giảm thêm 500 đồng/lít nữa, hãng sẽ lên phương án giảm giá vé ngay”-chủ một hãng xe chạy tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh cho hay.
Lê Lan