(GLO)- Theo phản ánh của một số chủ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, trong vài tháng qua, họ chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) ngay sau khi xuất trình hồ sơ xin hoàn thuế bởi vướng vào đối tượng 2 trong Công văn số 7527/BTC-TCT của Bộ Tài chính. Điều này đã làm nhiều DN điêu đứng.
Trong quãng thời gian khá dài đã tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước. Hiện tượng nhiều DN thành lập với mục đích mua bán hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế gây thất thu ngân sách nhà nước và tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Chế biến cà phê xuất khẩu. |
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 7527/BTC-TCT nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN có rủi ro cao về thuế. Trong công văn, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế tập trung công tác thanh tra, kiểm tra đối với các DN rủi ro cao về thuế. Đối với các Cục Thuế có đối tượng khấu trừ thuế GTGT, hoàn thuế GTGT hàng hóa là cao su tiểu điền, cà phê, điều... thì rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2013, đảm bảo ít nhất 60% DN trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế như đã nêu trên.
Riêng Cục Thuế các tỉnh Tây Nguyên tập trung nguồn lực vào thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh cà phê trên địa bàn. Trong khi đó, việc thu mua tạo nguồn hàng để phục vụ xuất khẩu được các DN thu mua trực tiếp từ người dân hoặc các công ty thương mại, có khi qua rất nhiều đơn vị trung gian. Và cơ quan quản lý thuế rõ ràng khó kiểm soát đối với các đơn vị trung gian này nếu họ lợi dụng kê khai và hoàn thuế khống.
Để chắc chắn, từ đơn vị cung cấp sản phẩm đầu tiên cho đến DN thực sự xuất khẩu đã bị gộp thành “đối tượng có dấu hiệu rủi ro cao về thuế”. Một đại diện của Hội DN tỉnh cho rằng, việc xác định thuế đầu vào của các đơn vị bán hàng xuất khẩu cho các DN xuất khẩu phải do chính đơn vị đó chịu trách nhiệm.
Còn các DN xuất khẩu nông sản, khi tiếp nhận hàng từ các đơn vị cung ứng và đã được xác minh có đủ hồ sơ chứng minh lô hàng thực xuất đã đủ điều kiện để được hoàn thuế. Điều hiển nhiên là các DN xuất khẩu nông sản không thể làm thay chức năng giám sát cho cơ quan thuế khi đi mua hàng xuất vì không thể biết rõ đơn vị cung ứng đó có đủ hồ sơ đầu vào hay không. Cách quản lý tại “ngọn” đã gây khó khăn cho các DN làm ăn chân chính.
Thêm vào đó, những năm trước, việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo quy trình hoàn trước, kiểm tra sau trong vòng 6 ngày. Nhưng từ ngày 1-7-2013, quy định được chuyển thành kiểm tra trước, hoàn sau trong vòng 40 ngày. Điều này thực sự gây khó khăn cho DN xuất khẩu khi phải chờ đợi cơ quan quản lý kiểm tra ngược lại tính hợp pháp trong cung ứng hàng của các đơn vị trung gian và đơn vị bán hàng đầu tiên.
Khi đã kiểm tra xong và xác định không có sai phạm, vướng mắc ở bất cứ khâu nào thì DN xuất khẩu mới được hoàn thuế. Việc hoàn khoản thuế GTGT đã tạm nộp của các DN xuất khẩu từ trước đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa cơ quan quản lý thuế với các DN. Bởi đây là khoản tiền mà DN ứng ra và ngân sách phải trả lại cho các DN. Việc chậm hoàn trả đã đẩy một số DN vào tình trạng khó khăn khi không còn nguồn để duy trì kinh doanh và trang trải chi phí. Hiện tại, có rất nhiều DN xuất khẩu nông sản nhiều tháng chưa được hoàn thuế (dù quy định kiểm tra rồi hoàn trong vòng 40 ngày chỉ mới áp dụng cách đây gần 3 tháng) như Hoa Trang, Vĩnh Hiệp…
Theo thông tin mới nhất, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, việc hoàn thuế không chỉ trong vòng 40 ngày mà kéo dài đến… 12 tháng. Đây thực sự không chỉ là “hung tin” đối với các DN xuất khẩu mà còn là áp lực lớn đối với cơ quan quản lý thuế.
Hà Duy