“Đóa hoa thơm” của làng Phung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thừa hưởng năng khiếu từ mẹ, chị Rơ Lan Han (27 tuổi, làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) trở thành nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ tuổi nhất làng.

Hiện nay, chị trở thành hướng dẫn viên đặc biệt mỗi khi có khách du lịch về làng tham quan, tìm hiểu. Với bà con làng Phung, chị là “đóa hoa thơm” bởi đã đem tình yêu, tâm huyết, trí tuệ và sức trẻ để đóng góp cho sự phát triển của làng.

Rơ Lan Han là cô gái Jrai xinh xắn với làn da trắng hồng, mái tóc suôn dài cùng đôi mắt sâu hút hồn. Năm 12 tuổi, Han đã thành thạo nghề dệt nhờ có sự chỉ bảo của mẹ là bà Rơ Lan Pel-nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi nhất vùng.

“Chính tình yêu của mẹ đã thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ như tôi tiếp nối nghề truyền thống này. Càng lớn lên, tình yêu thổ cẩm trong tôi càng mãnh liệt. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, tôi tham gia giảng dạy 3 năm và quyết định quay trở về làng gắn bó với nghề dệt vào cuối năm 2019”-chị Han chia sẻ.

Chị Rơ Lan Han (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) trở thành nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ tuổi nhất làng ở tuổi 27. Ảnh: Mai Ka

Chị Rơ Lan Han (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) trở thành nghệ nhân dệt thổ cẩm trẻ tuổi nhất làng ở tuổi 27. Ảnh: Mai Ka

Được gia đình ủng hộ, chị Han càng có thêm quyết tâm để trở thành một nghệ nhân dệt thổ cẩm. Năm 2020, chị tham gia Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Phung. Với chị, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm. Về việc cô con gái duy nhất của mình quay trở về làng để tiếp nối nghề dệt, bà Pel-Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm làng Phung-chia sẻ: “Với tôi, dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê. Tôi luôn mong mỏi nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Từ nhỏ, Han đã tò mò, thích thú mỗi khi mẹ ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ quần áo đẹp. Tôi tin rằng khi Han có tri thức thì sẽ quay về phát triển nghề dệt tốt hơn”.

Là nghệ nhân trẻ nhất CLB, chị Han miệt mài học tập, rèn luyện để làm sao mỗi tấm thổ cẩm dệt ra ngày càng tinh tế, hiện đại nhưng vẫn mang đậm hồn cốt của dân tộc. Chị bắt đầu học dệt những hoa văn có hình tượng người phụ nữ trong vòng xoang, nhà mồ, mùa gặt, danh thắng…

Theo chị Han, tay nghề và tâm hồn của người thợ được thể hiện trên thổ cẩm rất rõ ràng. Bởi thổ cẩm Jrai không có nhiều màu sắc, kim tuyến sặc sỡ như của người Bahnar hay Ê Đê; họa tiết cũng đơn sơ, mộc mạc hơn, thể hiện đúng bản chất con người Jrai chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn. Hiện chị Han là một trong những người trẻ của làng dệt thổ cẩm đẹp. Nhờ đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, những họa tiết hoa văn truyền thống của người Jrai được chị thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng tấm thổ cẩm. Chị cùng các thành viên Câu lạc bộ thường được mời tham dự các sự kiện văn hóa-du lịch của tỉnh.

Mới đây, chị được nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) lựa chọn để hỗ trợ trang phục trong Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” diễn ra vào cuối tháng 10. Tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023, chị Han cũng là người được Ban tổ chức chọn hỗ trợ trang phục thổ cẩm cho MC chương trình.

Là người trẻ giàu tri thức cùng lòng nhiệt huyết, chị Han đã tình nguyện trở thành hướng dẫn viên du lịch đặc biệt cho du khách gần xa đến với làng Phung. “Là một người con sinh ra và lớn lên tại nơi đây, tôi yêu buôn làng, yêu núi rừng với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi, yêu bếp lửa nhà sàn, yêu tiếng chiêng ngân và nghề truyền thống của dân tộc… Từ tình yêu đó, tôi muốn lan tỏa đến mọi người gần xa về vùng đất và con người Gia Lai thông qua việc thuyết trình, giới thiệu và dẫn đoàn du khách tham quan”-chị Han bày tỏ.

Chị Rơ Lan Han dẫn đoàn khách tham quan Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung. Ảnh: M.K

Chị Rơ Lan Han dẫn đoàn khách tham quan Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung. Ảnh: M.K

Chị Han lưu loát giới thiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Jrai cho khách về danh thắng Biển Hồ, rừng thông, giọt nước, cây đa, CLB Dệt thổ cẩm làng Phung… Mọi người hầu như đều bị cuốn hút bởi lối dẫn mộc mạc, chân thành nhưng cũng đầy tinh tế, sinh động của chị. Mỗi tuần, chị Han đảm nhận vai trò hướng dẫn viên cho khoảng 2-3 đoàn du khách tới tham quan làng.

Anh Jack-khách du lịch từ Thụy Sĩ-trầm trồ: “Tôi rất ngạc nhiên vì khả năng dẫn dắt câu chuyện của Han. Cô ấy tiếp đón rất nhiệt tình và chuyên nghiệp khiến chúng tôi cảm thấy rất đặc biệt khi về tìm hiểu, tham quan ngôi làng. Chắc chắn tôi và bạn bè sẽ quay trở lại vào một ngày không xa”.

Chị Rơ Châm Mien-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ, Phó Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm làng Phung-cho biết: “Rơ Lan Han luôn sẵn sàng cống hiến, đóng góp trí tuệ và tình yêu của mình để làng Phung ngày càng phát triển. Không chỉ là nghệ nhân dệt trẻ nhất CLB, là hướng dẫn viên du lịch tâm huyết, vừa qua, tại cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến” tỉnh Gia Lai năm 2023, Han vinh dự đạt giải nhất khi thuyết minh về nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Han là “đóa hoa thơm” lan tỏa những điều tích cực để thế hệ trẻ người Jrai học tập, noi theo”.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.