Diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông tăng gần 20%

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh năm 2024 gần 12.000 ha; trong đó, diện tích kinh doanh ước đạt gần 4.600 ha và tổng sản lượng gần 50.000 tấn.

Nông dân thu hoạch sầu riêng năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Nông dân thu hoạch sầu riêng năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh năm 2024 gần 12.000 ha; trong đó, diện tích kinh doanh ước đạt gần 4.600 ha và tổng sản lượng gần 50.000 tấn. So với niên vụ 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông đã tăng gần 20% và sản lượng tăng hơn 10%.

Hiện, sầu riêng được đánh giá là loại trái cây có giá thành cao, ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân. Nông dân tại khắp các địa phương tỉnh Đắk Nông đang tiếp tục phát triển mạnh việc trồng sầu riêng, cả chuyên canh lẫn trồng xen với các loại cây trồng khác.

Các huyện phát triển mạnh là Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong… Giá cả sầu riêng niên vụ 2024 giao động phổ biến ở mức 50.000 - 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với nhiều năm trở lại đây và tăng nhẹ so với niên vụ 2023.

Theo một số thương lái thu mua sầu riêng, thị trường xuất khẩu chính loại trái cây này hiện nay là Trung Quốc, tiếp đó là một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia…

Một cái khó của nông dân Đắk Nông là thời điểm thu hoạch chính vụ vào khoảng tháng 9-10 thường có mưa nhiều nên sầu riêng dễ bị “sượng”, ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đắk Nông, hiện gần 40% diện tích sầu riêng của Đắk Nông trồng các loại giống có nguồn gốc ngoại nhập, phổ biến là Monthong, Dona (xuất xứ Thái Lan), Musangking (xuất xứ Malaysia)… Còn lại là các giống có nguồn gốc trong nước, phổ biến là Ri6 và một số giống địa phương.

Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo nông dân không chạy theo thị trường, chỉ phát triển cây sầu riêng tại những khu vực phù hợp về đất đai, thổ nhưỡng; tập trung chăm sóc vườn sầu riêng hiện có theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển Nông nghiệp Đắk Nông cũng đề nghị các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý giống sầu riêng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên quan để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, góp phần phát triển bền vững loại cây này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.