(GLO)- Mấy năm nay, các xã đồng bào dân tộc Hrê ở các huyện Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi) mắc phải một dị chứng mà các thầy thuốc gọi là “bệnh lạ”. Không tìm được nguyên nhân gây bệnh, không tìm thấy cơ chế lây lan, tán phát bệnh, nên các bệnh viện chưa thể có phác đồ điều trị. Người bị “bệnh lạ” ngày càng tăng và tử vong nhiều! Từ các cơ quan y tế cấp cao, đã có ý kiến phải mời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giúp tìm nguyên nhân. Những thông tin ấy càng thôi thúc chúng tôi tìm về với những bà con đang gặp nạn.
Ba Tơ là huyện miền núi phía Tây, giáp ranh với huyện Kon Plông (Kon Tum) và một phần với huyện Kbang (Gia Lai). Xã Ba Điền của huyện là điểm nóng với hơn 150 hộ có người bệnh trong số hơn 260 người mang bệnh và đã có 23 người qua đời. “Bệnh lạ” không chỉ ở xã này mà còn rải rác khắp huyện và những vùng lân cận. Điều gì đang xảy ra ở những thôn làng chỉ có dăm thửa ruộng bậc thang, vườn mì, vườn keo dựa chân vào vách núi cheo leo? Về mặt học thuật, các kết quả điều tra ghi nhận được cho đến nay thì “bệnh” có vẻ là chứng, một di chứng. Nhưng chưa ai có thể kết luận. Nỗi hoang mang lo sợ truyền đi khắp nơi. Bến nước nào cũng được các gia đình bày lễ cúng.
Chứng cứ lộ dần
Nhân chứng Đinh Kách. |
Người dân Quảng Ngãi thừa biết rằng cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua không chỉ còn tàn dư bom mìn mà vẫn có những “lưỡi hái” vô hình tiếp tục giết hại dần mòn những con người hiền lành đang mưu sinh trên đất khổ.
Mấy tháng trước, một người rà sắt phế liệu đã bán rẻ một thùng phuy hóa chất còn sót lại trong chiến tranh cho một người dân ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành. Không sử dụng được vào việc gì, anh dân quê chở ra bỏ ngoài ruộng mía. Hơn một ha mía bị cháy khô. Huyện đã cử đơn vị bộ đội xuống thu độc chất về huyện đường. Chỉ sự bay hơi của hợp chất nào đó đã làm nhiều cây cảnh đẹp bị cháy lá. UBND huyện buộc phải nhờ phía chuyên môn tiêu hủy.
Như vậy, những đợt tiêu hủy ồ ạt sau ngày thống nhất cùng những cuộc xử lý lẻ tẻ do người dân phát hiện đã không thể tránh khỏi những sai sót. Ngay ở vùng ven thành phố tỉnh lỵ cũng vậy.
Một cựu binh đã trải qua những ngày khó khăn trong hòa bình, từ đốn củi đến tìm trầm, vì một câu chuyện anh đã kể: Núi ông Lân còn dấu vết lát đá làm đường cho xe tải trên đường Hồ Chí Minh. Nơi đây có những nhà máy chà gạo, kho lương thực và cả một bệnh viện từng bị B52 xới tung. Người lấy gỗ còn thấy những thùng hóa chất vỡ toang gần sát suối Hố Lơm. Con suối này chảy về xuôi qua làng Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long sát ranh với xã Hành Nhân. Đường chim bay từ Quảng Ngãi chỉ mười lăm cây số là tới một làng nghèo gồm hai xóm, xóm Mới và xóm ông Kách hay xóm Cầu Máng.
Ông Đinh Kách đã 73 tuổi, đi bộ đội từ năm 1959. Sau 1975 ông về làng, có lúc làm Bí thư chi bộ. Ông cho biết, lúc ở rừng, có lần đi qua chỗ vừa bị rải thuốc độc ông đã bị cay và sưng mắt. Rửa nước cay xót mà vẫn không mở mắt được. May mà ông đái ra rồi rửa mắt mới thấy đường về. Ông gọi là thuốc “đắng mắt”. Ông mô tả các phuy thuốc này có gắn phần thuốc nổ, khi rơi tới đất thì kíp kích nổ cho thuốc văng xa.
Tại vùng Hố Lơm, khoảng năm 2009, hàng loạt trâu nằm nước bị lở mình rồi chết. Nhà ông mất 9 con, còn được 4. Các nhân viên thú y nghi bầy trâu bị bệnh “Thánh đóng dấu”, tức bị bệnh “lở mồm long móng”.
Một số người chuyên đi rà sắt dưới suối để lấy vỏ sắt. Khui thùng lên, cá chết, nên họ đã lấy hóa chất này đi để suốt cá. Anh Đinh Phúc, 49 tuổi, có nhà ngay ngoài đường lộ xi măng, kể rằng khi cá chết nhiều, có anh Út lặn xuống bắt. Anh về đau mắt mũi và bị bệnh phổi tới bây giờ. Còn anh Phúc thì bị nhiễm ngoài da, những vết lở ngứa trên lưng ngực trong mông bẹn tuy không nhiễm trùng nhưng gây khó chịu thường xuyên.
Hai bàn tay anh viêm dày sừng vàng nghệ, chân cũng dày và thêm hai vết sần lở dưới mắt cá. Anh cũng nói bữa hôm đó, mặc dù đã bỏ đầu nhưng thịt cá vẫn đắng cay, ăn không được. Còn bọn trẻ trong xóm làng nhiễm độc nhiều lắm, mỗi người một cách. Mới hôm tháng 5-2012, đứa con thứ ba mới 4 tuổi tên Hiếu Theng của vợ chồng Phó-Tam bên xóm Cầu Máng bỗng nhiên phát sốt. Bé được đưa đi bệnh viện. Nhà làm lễ cầu cúng thêm, nhưng rồi bé vẫn bị xuất huyết toàn thân, chết không rõ nguyên nhân. Y tế huyện sau đó có lên phun thuốc xông trùng nhưng vẫn để lại sự hoang mang. Những bàn bày cúng lại được bày ra khắp xóm.
Giáp mặt tử thần
Đinh Beo, chàng trai 28 tuổi, nói rằng vẫn còn thấy một thùng thuốc trên đầu núi. Ông Đinh Văn Trà, 59 tuổi, cho hay vào năm 1976-1977 đã có một đợt tiêu hủy trăm mấy chục thùng chỉ trong Hố Lơm. Tỉnh và Huyện đội đã làm ráo riết nhưng vẫn sót. Sau này dân lên lấy cây gỗ, phá rừng trồng keo đã phát hiện có nhiều thùng thuốc còn sót.
Thác Hố Lơm khá đẹp, đường mòn qua vách thác lên tới mỏm cao. Đinh Beo nói chỗ này chắc còn 2 thùng, nhưng anh không nhớ rõ vị trí. Tụt dốc xuống một khe suối nhỏ, tôi hỏi Đinh Beo bà con có dùng nước suối không? Anh nói mùa nắng mọi người vẫn dùng. Còn mùa mưa nước đục vì có chất độc, không ai dám rửa mặt. Nước chảy qua làm đất ngấm thuốc.
Vòng ra phía sau được mươi bước, Beo la lên: Đây nè!
Chúng tôi không nghe thấy mùi gì. Trên đời, thuốc độc loại không màu, không mùi thì càng nguy hiểm. Nên chúng tôi bụm mũi và dặn Beo chỉ nhìn hé thôi.
Đúng như lời ông Đinh Kách mô tả, phía trên phuy đựng hóa chất loại này có thuốc nổ và kíp nổ chấn động. Loại kíp này được kích hoạt khi có sự va cham mạnh. Khi thùng thuốc từ máy bay vận tải được thả rơi xuống vùng núi đá, kíp giật bung chốt an toàn phía sau, gây nổ tung các túi thuốc độc.
Xuống dưới thác Hố Lơm, Beo bảo chúng tôi tắm đi. Chàng trai giặt sạch áo quần và tắm táp nhanh chóng, súc miệng mũi cẩn thận. Họ đã tích lũy được những kỹ năng phòng bệnh như vậy.
Thời chiến tranh chống Mỹ, con đường chiến lược quốc lộ 24 từ ngã ba Thạch Trụ lên Ba Tơ đến Kon Tum thường xuyên hứng chịu bom đạn ác liệt.
Ông Phạm Văn Cao-nguyên là du kích tại Ba Điền, nay tròn 59 tuổi, nói thời đó ông đi vác gạo ở Ba Thành, Ba Ri gần suối Loa cũng gặp chất cay, mắt không mở được, chảy cả nước mũi và hắt hơi, không thở nổi.
Di chứng chất độc hóa học
“Bệnh lạ” ở miền núi Quảng Ngãi gây mệt mỏi biếng ăn, nhức đầu chóng mặt, viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, tổn thương đa phủ tạng... Thanh niên thường có vết hủy hoại trên da, người già có những cơ viêm đôi khi hoại tử và trẻ con chỉ bắt đầu bằng những bệnh thông thường, sau đó chết vì xuất huyết...
Vì sao lại nổi lên ở Ba Điền, một xã có 4 thôn có người “bệnh”, chủ yếu là hai làng Rêu và gò Nghênh?
Trước nhất, Ba Điền có vị trí địa lý yết hầu, vừa là vùng cận sơn, vừa là đầu nguồn. Quân đội Mỹ, với chủ trương quyết giành chiến thắng bằng thế mạnh công nghệ, đã tàn sát môi trường sống bằng cách dội độc chất xuống rừng, đất và những suối đầu nguồn nước. Ba Điền chỉ là một trong những địa điểm gánh chịu. Tương tự, vùng Long Sơn cũng có một số phận không khác biệt.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của GS. Nguyễn Văn Tuấn (Australia) đã được đăng lại trên báo Tuổi Trẻ mới đây: Nguyên do dị chứng này có biểu hiện bởi dư lượng dioxin mà quân đội Mỹ đã cho rải xuống vô số kể hồi còn chiến tranh.
Nguyên nhân phát tán bệnh, có thể còn do việc phá rừng ào ạt. Từ năm 2003-2004, dân Ba Điền bắt đầu phát quang những đồi trọc toàn cỏ tranh để trồng cây keo lai. Lợi tức từ bán cây keo nguyên liệu làm gỗ dăm sau 5 năm trồng, tuy không cao nhưng đủ kích thích người dân mưu sinh trên những đất rừng nghèo kiệt. Diện tích rừng keo tăng nhanh song hành với “bệnh lạ” bùng phát dữ dội và tái đi tái lại nhiều lần. Nhiều người được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Da liễu Quy Hòa (Bình Định) đã xuất viện với lớp da bàn tay, bàn chân mới, mềm dịu. Nhưng chỉ ít lâu sau khi về làng, họ lại bị tái phát bệnh với các triệu chứng là nhức đầu, chán ăn, uể oải…
Thông tin về một ca bệnh nhi tử vong có dấu vết thạch tín (arsen) cũng rất đáng quan tâm. Cần lưu ý rằng Ba Điền như một lòng chảo, nơi mà sự tích lũy kim loại nặng trong các hợp chất với lưu huỳnh trên đất lầy đầy lau lách rất có khả năng xảy ra. Những con suối ở Ba Điền và lân cận đang đầy váng phèn sắt, đọng cả vào đá suối. Những tinh thể arsenopyrite (ArS) có thể đang tích lũy dưới lạch nước ngầm, hoặc vùng đầu nguồn.
Những bằng chứng di sản tội ác của chiến tranh trên vùng đầu nguồn Quảng Ngãi đang còn khá nhiều. Các tổ chức nhân đạo có thể kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của quốc tế đối với những sát thủ vô hình này. Quân khu 5 cần giúp đỡ địa phương điều tra và xử lý các độc chất do chiến tranh di hại, càng sớm càng tốt. Với sự giúp đỡ của ngành Địa chất, cần tổ chức phân tích kỹ về nguồn Arsen/thạch tín. Từ đó khuyến khích đầu tư cho hệ thống khai thác và tinh lọc nước ngầm phân phối cho bà con.
Bà mẹ thiên nhiên đã dạy cho ta những bài học vô giá: Cỏ tranh, cỏ lách, nay có cả keo lá tràm vẫn mọc tốt trên vùng đất nhiễm độc này. Vậy nên tìm hiểu khả năng giải độc của chúng, như xưa nay người dân đã dùng nước rễ tranh giải nhiệt. Nên áp dụng nhiều phương pháp, từ cổ truyền đến khoa học để “giải độc” cho đất.
Hưng Văn-Đoàn Sinh