Đi qua 3 cuộc chiến - Kỳ 2: Về lại quê hương sau 23 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 5.1975, thượng úy Nguyễn Trung Cang về quê sau 23 năm xa cách (1952 - 1975) và khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản tại Phú Hữu, Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM), ông ra bảo vệ Trường Sa.

Chỉ bắt sống gọi hàng

Đầu tháng 1.1973, thượng úy Nguyễn Trung Cang được "trả về" bộ đội chủ lực, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 bộ binh thuộc Trung đoàn 46, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3).

Vừa chân ướt chân ráo về đơn vị mới, ông Nguyễn Trung Cang đã được giao làm khối trưởng của Quân khu Hữu Ngạn, gấp rút chỉ huy bộ đội luyện tập, tham gia lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình ngày 1.5.1973.

Xong nhiệm vụ, đơn vị ông Nguyễn Trung Cang vào chân núi Tam Điệp (Ninh Bình), tập trung huấn luyện, chuẩn bị bổ sung cho chiến trường miền Nam. Đầu 1975, thượng úy Nguyễn Trung Cang dẫn bộ đội vào Quảng Trị, trực tiếp tham gia chiến đấu.

Ngày 19.3.1975, Trung đoàn 46 tham gia giải phóng tỉnh Quảng Trị, sau đó là Thừa Thiên - Huế (26.3.1975) và cấp tốc hành quân vào phía nam.

Thời điểm này, Trung đoàn 46 được Bộ Quốc phòng tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 325 (Quân đoàn 2), nên khi hành quân đến đỉnh đèo Hải Vân, ông Nguyễn Trung Cang nhận lệnh "chỉ huy Tiểu đoàn 2 phòng ngự - chốt giữ phía bắc đèo Hải Vân, từ trên đỉnh xuống Lăng Cô, không cho đối phương phá hoại, chặt đứt con đường huyết mạch, tuyến chi viện từ Bắc vào Nam".

Đại tá Nguyễn Trung Cang, tháng 4.2023. Ảnh: Mai Thanh Hải

Đại tá Nguyễn Trung Cang, tháng 4.2023. Ảnh: Mai Thanh Hải

Sau hơn chục ngày chốt giữ, giữa tháng 4.1975, đơn vị ông Nguyễn Trung Cang hành quân bằng xe cơ giới, hướng vào Sài Gòn. Ngày 23.4.1975, Sư đoàn 325 được giao đảm nhiệm tiến công trên hướng cánh trái của Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ: giải phóng Bình Sơn, quận lỵ Long Thành, chi khu quân sự Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ Hải quân Cát Lái, phát triển tiến công vu hồi chiến dịch trên hướng đông Sài Gòn, hợp điểm tại Dinh Độc Lập.

"Từ chiều 26.4.1975, chúng tôi tiến công quận lỵ Long Thành. Trận đánh rất ác liệt, 195 bộ đội ta đã hy sinh, trong đó có nhiều cán bộ, như Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Đà… Chiều 27.4.1975, Sư đoàn 325 làm chủ khu vực Long Thành. Sáng 28.4.1975, Trung đoàn 46, hành quân theo tỉnh lộ 25 tiêu diệt trận địa pháo 155 ly ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiềng, Nhơn Trạch và đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch, áp sát thành Tuy Hạ", ông Nguyễn Trung Cang kể.

Rạng sáng 29.4.1975, Trung đoàn 46 được tăng cường 4 xe tăng T54 của Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2), tấn công vào thành Tuy Hạ. Sau cả ngày trầy trật, mãi đến chiều tối mới làm chủ căn cứ này. Số đông tàn quân vượt sông Đồng Nai chạy sang Sài Gòn, vũ khí trang bị, quân trang, quân dụng vứt đầy trên đường dẫn xuống bến phà Cát Lái.

Khu vực thành Tuy Hạ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nay là Trung tâm bảo đảm kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Ảnh: Mai Thanh Hải

Khu vực thành Tuy Hạ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nay là Trung tâm bảo đảm kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Ảnh: Mai Thanh Hải

Tối 29.4.1975, thượng úy Nguyễn Trung Cang và bộ đội Tiểu đoàn 2 đi cùng xe tăng đến bến bắc phà Cát Lái, định vượt sông ngay trong đêm, nhưng không được vì tàu thuyền đã bị rút hết sang bờ nam.

Nhiệm vụ đi cùng xe tăng được giao lại cho Trung đoàn 101. Lực lượng Trung đoàn 46 nhận lệnh chốt giữ khu vực khu vực thành Tuy Hạ. Đêm 29.4.1975, binh lính chế độ cũ trốn trong các nhà dân, liên tục bắn lén vào bộ đội.

Dù có nhiều thương vong, nhưng đại tá Nguyễn Đức Huy, Phó tư lệnh Sư đoàn 325 (sau là thiếu tướng, quyền Tư lệnh Quân khu 2), vẫn ra lệnh: "Chỉ được gọi hàng bắt sống, không được bắn chết người"…

Dựng lại chính quyền

Sau 30.4.1975, đơn vị ông Nguyễn Trung Cang chuyển sang đóng quân ở khu vực xã Phú Hữu (nay là P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Thấy tình trạng hỗn loạn do bí thư xã hy sinh, không ai lãnh đạo chính quyền địa phương, thượng úy Nguyễn Trung Cang xin ý kiến cấp trên và cùng chỉ huy đơn vị chọn các nhân tố tích cực, thành lập bộ máy tạm thời, nhanh chóng đi vào hoạt động, dưới sự giúp đỡ của bộ đội Tiểu đoàn 2.

"Chính quyền vừa đủ sức cáng đáng công việc, thì toàn đơn vị tôi… tê liệt", ông Cang nhớ lại vậy và giải thích: "Từ đầu tháng 5.1975, cả đơn vị bị dịch sốt. Bộ đội giăng màn nằm la liệt. Đánh trên rừng không sao, về thành phố lạ nước lạ cái, ốm liên miên. Có nhiều đơn vị sốt toàn bộ, không còn người để nấu ăn. Sau đó, cấp trên phải cấp tốc bổ sung người từ nơi khác đến, giúp việc chăm sóc người ốm, canh gác doanh trại, súng ống"…

Giữa tháng 5.1975, nghe phong phanh đơn vị sẽ rút ra hậu cứ Ái Tử (Quảng Trị) hội quân, sau đó sẽ đi làm nhiệm vụ ở nơi khác, thượng úy Nguyễn Trung Cang lên thẳng Sở chỉ huy Sư đoàn 325, gặp thượng tá - Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm (sau là trung tướng, Phó Tổng thanh tra Quân đội, mất cuối năm 2020 tại TP.Đà Nẵng), đề nghị: "23 năm tôi không biết tin tức gia đình. Xin cho 10 ngày về Bến Tre, xong thì đi đâu cũng đi".

Thấy thượng tá Tâm băn khoăn, ông Nguyễn Trung Cang thuyết phục: "Xe chiến lợi phẩm và hàng binh lái xe đầy ra, mình là người chiến thắng, sao sợ?".

Bộ đội Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) hành quân cơ giới vào miền Nam, tháng 4.1975. Ảnh: Tư Liệu

Bộ đội Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) hành quân cơ giới vào miền Nam, tháng 4.1975. Ảnh: Tư Liệu

Ông Nguyễn Trung Cang kể: "Đi bằng chiếc xe zeep chiến lợi phẩm của viên chỉ huy trưởng căn cứ thành Tuy Hạ, lái xe là hàng binh tên Năm cũng người Bến Tre, thêm 2 chiến sĩ vũ trang đầy đủ để bảo vệ và 2 bao gạo, 2 thùng thịt hộp, đề phòng "không tìm thấy nhà thì còn có cái mà ăn".

Tới bến phà Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre, người hàng binh xin phép ghé thăm em gái 15 phút để báo tin còn sống, ông Cang đồng ý cho hẳn 1 tiếng.

Về đến UBND xã Cẩm Sơn mới được thành lập, lãnh đạo xã tròn mắt nhìn "chỉ huy bộ đội chủ lực" đeo xà cột, súng ngắn K59 có 2 chiến sĩ ôm AK bảo vệ, hỏi đường về nhà ba má. Đội hình bảo vệ được bổ sung 2 du kích thông thuộc địa hình.

Khi cả đoàn lội ruộng từ ấp Thạnh Phú vào đến nhà, bà Ngô Thị Khê (khi ấy 59 tuổi) vẫn lắc đầu quầy quậy: "Thằng Tư hy sinh rồi, nên suốt 23 năm nay mới không có tin tức gì…". Chỉ khi ông Nguyễn Trung Cang bước lên gọi "Má!", bà Khê mới đổ sụp xuống trong niềm vui vô bờ: "Vậy là con vẫn sống. Má cứ tưởng con đã hy sinh cùng ba, năm 1955"…

Thủ trưởng Quân chủng Hải quân cùng bộ đội trồng cây trên đảo Sơn Ca (Trường Sa), ngay những ngày đầu tiếp quản đảo. Ảnh: Tư Liệu

Thủ trưởng Quân chủng Hải quân cùng bộ đội trồng cây trên đảo Sơn Ca (Trường Sa), ngay những ngày đầu tiếp quản đảo. Ảnh: Tư Liệu

Ngày 27.5.1975, thượng úy Nguyễn Trung Cang trở lại đơn vị. Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm gọi lên hỏi chuyện gia đình và nghiêm giọng: "Cậu đã yên tâm về gia đình thì giờ thực hiện đúng lời hứa. Ngày hôm nay, Bộ Tổng tham mưu bàn giao Trung đoàn 46 cho Bộ Tư lệnh Hải quân. Các cậu sẽ thành hải quân đánh bộ, chuyên trách phòng thủ quần đảo Trường Sa. Về làm công tác chuẩn bị hành quân ra Cam Ranh"…

Cuối tháng 6, đầu tháng 7.1974, đối tượng Nguyễn Hoàng Liêm, Lê Xuân Dân lợi dụng danh nghĩa thương binh gây ra vụ bạo loạn ở thị xã Ninh Bình và phá rối trật tự trị an ở thị xã Thanh Hóa, H.Yên Định (Thanh Hóa).

Các đối tượng này đã đánh đập, bắt trói, tước vũ khí của bộ đội, công an; phá phách, chiếm giữ nhiều cơ quan đơn vị, bưu điện thị xã, Quân y viện 5, Ty Công an, Tỉnh ủy - Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình… làm tê liệt nhiều cơ quan đầu não của tỉnh Ninh Bình. Trước các diễn biến trên, ta đã tung lực lượng mạnh để truy quét những kẻ phạm tội.

Thời điểm này, Trung đoàn 46 đóng quân ở chân núi Tam Điệp (Ninh Bình). Thượng úy Nguyễn Trung Cang nhận lệnh: "Chỉ huy bộ đội bí mật hành quân ra bao vây thị xã Ninh Bình, giờ G sáng hôm sau triển khai dẹp bạo loạn".

Ngay đêm ấy, ông Cang chỉ huy bộ đội triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. Sáng hôm sau chia 4 mũi vào thị xã, truy bắt các đối tượng cầm đầu, đối tượng tham gia bạo loạn…

"Cùng người Việt cả"

Sáng 30.4.1975, nước sông Đồng Nai lên theo thủy triều, bộ đội bắt được 8 tù binh trốn dưới sông từ đêm qua. Khi bị dẫn ra bến phà Cát Lái, các tù binh cứ nghĩ sẽ bị bắn, đẩy xác xuống sông, nên ai cũng run sợ.

Chỉ khi thượng úy Nguyễn Trung Cang hỏi: "Hàng hay không? Ngâm nước dưới sông cả đêm, chắc lạnh và đói lắm hả?" và cho thay quần áo khô, ăn gạo sấy, họ mới biết là được sống.

Một tù binh mạnh dạn: "Cứ nghĩ các ông sẽ bắn bỏ", khiến ông Cang bảo: "Tại sao phải bắn? Cùng người Việt cả. Ở chế độ nào thì phải phục vụ chế độ ấy thôi. Giờ hòa bình rồi, về học tập cải tạo rồi chí thú làm ăn nuôi vợ con đi"…

Trích lời đại tá Lê Đình Phú
nguyên Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 46

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.