Đi dừa có cặp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẳng phải xứ nào cũng có cái nghề đặc biệt như cái nghề trèo dừa (mà người địa phương gọi là đi dừa) ở Hoài Nhơn, Bình Định; cũng chẳng ở đâu người ta đi dừa lại có đôi có cặp nhiều như ở đây.
Đi biển có đôi, đi dừa có cặp
Dừa ở Hoài Nhơn khác với dừa miền Tây, có những cây cao vút niên đại hàng trăm tuổi vẫn sừng sững chọc trời, nhìn lên chỉ thấy phấp phới tàu lá xanh rì như mái tóc dài mấy chục năm không thèm cắt của các bà, các mẹ bay trong nắng gió miền Trung.
“Đàn ông con trai ở đây mở mắt ra đã thấy cây dừa. Trèo dừa từ thuở 3 - 4 tuổi nên mới sinh ra cái nghề đi dừa. Coi vậy mà nghề này thu nhập ngon à nghe, ngày kiếm 300.000 - 500.000 đồng là thường, hôm nào “trúng mánh” kiếm triệu bạc, có người mua nhà, tậu trâu, cưới vợ chớ chẳng chơi. Rồi vì miếng cơm manh áo, tiền học hành cho con, các cặp vợ chồng rủ nhau đi dừa nhiều lắm!”, ông Đặng Văn An, một người gắn bó với nghề trèo dừa ở Hoài Nhơn hơn 30 năm, thoăn thoắt chặt trái dừa mới hái xuống vừa uống vừa kể.
 
Vợ chồng ông Hùng trên đường đi dừa. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
Vợ chồng ông Hùng trên đường đi dừa. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
Ông An khoe với tôi: “Chú 60 tuổi rồi chứ còn hăng leo dừa lắm con. Dừa quê mình còn, vợ chồng chú còn sức khỏe, còn trèo được là chú cứ trèo”.
Vợ ông An nghe vậy, vui vẻ góp chuyện: “Nghề nó cực, chứ mà vui, được cùng ổng đi khắp nơi, có vợ có chồng vui khổ cùng nhau. Ở cái xứ dừa Hoài Nhơn này, vườn dừa nào vợ chồng tui cũng biết, nhà ai có bao nhiêu cây, dừa gì vợ chồng tui nắm rõ như bàn tay. Thấy vậy chứ vợ chồng tui chinh chiến gần 30 năm khắp nẻo đường rồi chứ không ít”.
Ở xứ dừa Hoài Nhơn, đàn ông mà không biết trèo dừa coi như “dở ẹc”, y như đàn bà nướng cái bánh tráng mì không xong coi như đàn bà “hư”. Dường như sinh ra, người ta đã sống quen với dừa, cho nên không chỉ đàn ông, đàn bà làm nghề trèo dừa để kiếm kế mưu sinh, nuôi con ăn học cũng không có gì là lạ.
“Những cặp vợ chồng đi dừa ở đây nhiều lắm, như vợ chồng ông Bình, vợ chồng ông Khả, vợ chồng ông Phận, vợ chồng ông Công… Nhiều cặp vợ chồng đi dừa có tiền xây nhà, nuôi con ăn học”, ông An nói thêm.
 
Chuẩn bị trèo dừa
Chuẩn bị trèo dừa
 
Trèo dừa để hái trái. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
Trèo dừa để hái trái. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
Vừa rịn ga xe máy vào vựa dừa, vừa hét: “Né đường, né đường bà con ơi!” là ông Lê Văn Hùng (52 tuổi) cùng vợ đang ngồi vắt vẻo phía sau 2 giỏ sắt chở dừa già. Ông Hùng hào hứng kể: “Vợ chồng tôi đã hơn 20 năm gắn bó cái nghề này, cứ sáng sớm mặt trời chưa tở mở, dắt cây Honda 67 ra. Chồng ngồi trước, vợ ngồi sau, hai bên treo hai giỏ sắt to, đến trưa thì đầy xe chở ra cho thương lái, vựa tập trung. Đi nhiều nơi, tôi thấy không đâu nước dừa ngon bằng dừa Tam Quan nghen. Chắc đất ở đây cằn cỗi, nên nước dừa ngọt thanh”.
Trẻ nhất trong nghề đi dừa ở Hoài Nhơn phải nói đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảo (42 tuổi). Với nghề này, vợ chồng ông nuôi 4 đứa con ăn học, đứa nào cũng ngoan ngoãn, có thành tích học tập tốt. Ông Bảo đón chai nước từ tay vợ mình vừa phủi mấy chú kiến thản nhiên bò qua bò lại trên lớp áo đã sờn cũ cười nói: “Cái nghề gắn cái nghiệp, nhiều lúc bị ong chích, kiến vàng cắn về sốt liền mấy ngày. Nhưng cứ hết bệnh là lại leo. Không đi dừa, nhớ nghề lắm!”.
Bà Ngọc, vợ ông Bảo, tiếp lời chồng: “Hai vợ chồng tui nuôi 4 đứa con đi học, hai bên gia đình nội ngoại đều nghèo, phải ráng kiếm tiền lo cho tụi nó có cái chữ, vợ chồng tui thất học cho nên khổ cực mong con mình nó đổi đời”.
Rồi bà Ngọc chia sẻ có những ngày hai vợ chồng đi lòng vòng cả trăm cây số, trèo cả vài chục cây dừa, hái mấy trăm trái dừa. Dừa ở xứ này có những cây mọc từ thời nảo thời nao, có cây cả trăm tuổi, cao hai ba chục mét là thường. “Đi có vợ có chồng còn thấy lo nói gì để ổng đi một mình, ở nhà thấp thỏm không yên. Đàn bà mình theo phụ mấy ổng gom dừa, chuyền dây, giữ thang, lụm tàu lá, tính tiền, thấy ba cái việc vặt vậy chứ không có mình để mấy ổng làm thấy thương lắm, leo dừa đã mệt rồi sao mà kham cho nổi”, bà Ngọc nói.
Dừa bám đất cằn nuôi dân no ấm
Ông Đỗ Rồi (ở thôn An Dưỡng 1, P.Hoài Tân, TX.Hoài Nhơn) cho biết vườn dừa nhà ông bị chặt gần hết do mở đường, làm nhà và chặt bớt các cây đã lớn tuổi tránh gió bão bị gãy đổ. Bây giờ ông đang trồng lại cây con, chủ yếu chọn các giống dừa xiêm cho trái quanh năm và có giá trị thương mại cao.
 
Vợ chồng ông Bảo vui vẻ sau một chuyến đi dừa. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
Vợ chồng ông Bảo vui vẻ sau một chuyến đi dừa. Ảnh: Đỗ Mỹ Dung
“Tôi năm nay 75 tuổi rồi, trồng dừa chưa chắc được hưởng đời mình, cũng giống thời ông cha mình trồng cho mình được hưởng, thì giờ mình trồng cho con cháu đời sau nó hưởng. Đất này khô cằn, bão lụt có năm nào tha cho đâu, chỉ có cây dừa là sống sót bám đất chống được gió bão. Bao đời đi qua rồi, dừa vẫn là cây chung thủy nhất với đất Bình Định này”, ông Đỗ Rồi nói.
Bà Phạm Thị Mên (67 tuổi, ở cùng thôn) thì kể lại: “Hồi ấy nhà tôi có tầm 30 cây dừa, mỗi lần thu hoạch khoảng 200 trái, cứ năm thu 2 lần cũng đủ tiền mắm muối. Thế nhưng giờ mở đường, làm nhà cũng chặt đi nhiều lắm, giờ trong vườn còn có 5, 7 cây dừa nên nhiều lúc nghĩ lại tiếc ghê, có cây dừa cũng có tiền mua mắm cá, chứ giờ già rồi có làm được gì ra tiền đâu. Nhưng giờ tui cũng đã trồng lại thêm vài chục gốc dừa con, vài năm nữa thì cũng lại có trái”.
Bà Trương Thị Thúy Ức, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Hoài Nhơn, cho biết Hoài Nhơn có diện tích dừa lớn và nổi tiếng cả nước với tên gọi xứ dừa Tam Quan. Dừa ở Hoài Nhơn được trồng trong đất vườn, hai bên đường đi, chủ yếu là dừa ta và dừa dâu, dừa xiêm, dừa xiêm xanh, xiêm lùn...
Theo số liệu thống kê năm 2020, TX.Hoài Nhơn có 2.990 ha dừa, chiếm khoảng 32% diện tích dừa toàn tỉnh (diện tích dừa tỉnh Bình Định là hơn 9.300 ha, đứng thứ 3 cả nước sau 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh). Tuy nhiên, đến năm 2022, diện tích dừa trên chỉ còn 2.550 ha, nguyên nhân người dân chặt bỏ do già cỗi, chuyển sang trồng dừa xiêm, một phần diện tích chuyển sang làm các tuyến đường giao thông, cụm công nghiệp, khu dân cư và công trình phục vụ dân sinh khác.
Bà Ức cho biết đối với người nông dân, hiện nay cây dừa là loại cây trồng lâu năm có chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại thu nhập ổn định, nên việc giảm hơn 440 ha có ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân trồng dừa và các hộ thu mua dừa. Hiện nay, bà con tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn dừa nhằm tăng năng suất và cải tạo các vườn tạp để trồng giống dừa xiêm của địa phương, thu hoạch quả bán dừa nước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
TX.Hoài Nhơn có kế hoạch phối hợp thực hiện ươm trồng 30.000 cây dừa để hỗ trợ, cung ứng giống dừa trồng trên quần đảo Trường Sa và cung cấp giống phát triển cây dừa trên địa bàn thị xã. TX.Hoài Nhơn cũng đã đăng ký nhãn hiệu tập thể Dừa Tam Quan, tạo điều kiện để phát triển cây dừa trong thời gian tới.
Trên địa bàn TX.Hoài Nhơn có hơn 120 cơ sở và hộ thu mua dừa, phân bố trên địa bàn 11 xã, phường; 202 cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều sản phẩm rất phong phú, đa dạng như bánh tráng nước dừa, bánh dừa nướng, dừa sấy giòn, cước chỉ sơ dừa, mụn dừa, chổi cọng dừa... đã được nhiều người dân tin dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng dừa.
Theo Đỗ Mỹ Dung (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.