(GLO)- Ở Gia Lai, một trong những điều thú vị nhất là lên xe máy và đi phượt. Dĩ nhiên, đi bằng ô tô cũng được, nhưng người ta sẽ không cảm nhận được đầy đủ tất cả những điều thú vị như khi phượt bằng xe máy.
Khi vi vu Gia Lai mùa này, ta vừa cảm nhận được cái ấm nóng của nắng vừa thấy được gió lộng mát lành của đất trời. Đường đi thoáng rộng, có những đoạn đường thênh thang chỉ mình ta thong dong. Đi xe máy có một điểm đặc biệt nữa là được lang thang để ngắm, hễ thoáng thấy cảnh đẹp là sà vào ngay.
Tôi quyết định “một mình một ngựa” lên Ia Ly. Ý định ban đầu không hẳn là để tham quan công trình thủy điện này. Một phần, tôi đã được cảnh báo không có ô tô thì không vào được nhà máy, phần nữa đã có cái hẹn vào buổi chiều. Chỉ là xách xe đi cho thỏa ý nguyện thôi, nên đi không phải để đến. Chính vì vậy cách đi cũng khác. Không phải lao vèo vèo để nhanh tới điểm dừng, mà cứ thong thả, từ từ chạy để ngắm nhìn quê hương thỏa thích.
Ảnh minh họa. |
Đường lên Ia Ly như đi giữa thung lũng giữa 2 ngọn núi. Có những quãng đường nhìn trước mặt hay ngoảnh sau lưng đều là những dải núi hiền hòa sừng sững. Nói hiền hòa là bởi nó mấp mô lượn sóng nhẹ nhàng, khác với vẻ dốc đứng và lởm chởm của những ngọn núi phía Bắc mà tôi đã ngang qua.
Tôi đã từng nói với một người bạn rằng Gia Lai mùa này hiếm có sắc xanh. Bởi nắng gió hanh khô cứ như đang bào mòn màu xanh để đổ lên cỏ cây sắc vàng phai úa, cho chìm vào cái màu nâu đỏ của đất bazan. Chính vì thế mà tôi đã ngạc nhiên trước cái bạt ngàn xanh rậm rạp của rừng cao su giữa mùa khô bỏng rát. Lang thang giữa rừng cao su như lang thang ở một vùng trời xứ lạ nào đó, mà ta cứ cảm thấy nó hao hao giống với những cánh rừng bạch dương ở xứ sở “sương trắng nắng tràn”. Thân thẳng tắp theo hàng theo lối. Cành nối cành tự nhiên, nhưng nhìn gọn gàng như ai chăm ai tỉa. Đi sâu vào những con đường đất đỏ lớn chạy dọc những rẫy cao su, càng cảm thấy nó mát rượi, nó yên bình, nó tĩnh lặng đến nỗi ta có thể giật mình vì tiếng đập cánh của một con chim bay ngang. Ngày xưa, người ta từng khiếp hãi với những đồn điền cao su của thực dân Pháp, rằng “cao su đi dễ khó về”. Ngày nay, một thanh niên không quen với phồn hoa phố thị lại cho rằng rừng cao su có mãnh lực hấp dẫn, khi đi vào rồi thì bị thiên nhiên quyến rũ nên chẳng tha thiết ra về nữa.
Băng qua những rừng cao su, tôi lại ngó nghiêng để tìm “làng trong phố”. Bên cạnh những nhà cửa hàng quán hiện đại, tôi vẫn muốn tìm một chút không khí truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Rồi tôi bắt gặp một ngôi nhà rông. Nó lạ ở chỗ không lợp bằng tranh, vách cũng không phải bằng gỗ, bằng nứa mà được lợp hoàn toàn bằng tôn xanh đỏ. Thấy lạ, tôi tìm đường vào xem. Đó là nhà rông thuộc làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Pah. Vừa đúng lúc làng tổ chức tiệc gặp mặt đầu xuân. Tôi cúi đầu chào, bà con trong làng nhìn tôi, cười hiền hậu. Vào làng lạ, nhưng không hề ngại ngùng hay sợ hãi. Cảm giác vẫn an toàn, cảm thấy mình đang tiệm cận những điều mộc mạc chân phương nhất qua ánh mắt, nụ cười của những cụ già Jrai. Tôi may mắn được gặp già làng. Già làng niềm nở và nhiệt tình giới thiệu cho tôi về làng và dắt tôi lên xem nhà rông. Già chính là người tập hợp mọi người làm ngôi nhà rông này. Bởi cỏ tranh thời nay khó tìm, lợp lại kỳ công nên làng mới quyết định lợp bằng tôn cho nhanh gọn. Bên trong nhà rông, kèo cột đa số vẫn bằng gỗ, chồng chéo nhau rất công phu để đỡ cái mái nhà cao. Bên trong vách nhà được đệm bằng những liếp tre đan. Những nan tre được đan tỉ mẩn, khít vào nhau, đều đặn và kỳ công lắm. Không sơn, không phủ bóng, nó giữ nguyên màu tự nhiên của tre, cũng tự nhiên giống như những người làng này vậy.
Rời làng, tiếp tục đi. Đi không phải để đến, mà đi để thấy, để cảm nhận những điều đẹp đẽ và thú vị trên đường. Điều đó chẳng phải có ý nghĩa hơn là cứ lướt ngang mọi thứ để đến đích hay sao?
NGUYỄN ĐỨC HIỀN