Di dân tự do ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Đất lành chim... ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chuyên gia cho rằng muốn hạn chế tình trạng di dân tự do, chỉ có thể bằng những chính sách đồng bộ cả ở nơi đi lẫn nơi đến.

Không thể trở về

Thôn Ea Rơk, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak hôm chúng tôi đến trời nắng thật gắt. Lũ trẻ con đang chơi đùa trong cái sân rộng, giữa đám bụi mù trên đỉnh đồi thấp, xung quanh là mấy dãy nhà gỗ nằm san sát. Thôn này bao gồm nhiều cụm nhà nằm rải rác trên mấy ngọn đồi trọc nối tiếp, một bên là mặt hồ thủy lợi đang mùa cạn nước, còn một bên là những dãy rừng tự nhiên nhưng đã bị phá. Từ trung tâm xã Cư Pui vào thôn này phải đi theo con đường mòn dài hàng chục cây số với hàng trăm dốc núi dựng đứng. Mùa mưa, thôn này gần như tách biệt với bên ngoài bởi nước hồ dâng...

 
Vùng núi xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak vốn là cánh rừng già nguyên sinh đã bị dân di cư tự do biến thành nương rẫy và khu dân cư.
Vùng núi xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak vốn là cánh rừng già nguyên sinh đã bị dân di cư tự do biến thành nương rẫy và khu dân cư.

Không như nhiều nơi ở Tây Nguyên, thôn Ea Rơk toàn đất vàng và đất cát pha. Tuy nhiên, theo thôn phó Vàng Seo Măng: "ở đây đủ cái ăn cái mặc, quá ổn định, đất quá tốt và tất cả mọi thứ đều tốt ngoài sức tưởng tượng". Hiện nay 192 hộ dân của thôn này mỗi hộ đều được chia chừng 1ha đất, người dân trồng sắn, bắp, đậu, bo bo và lúa... Thiếu điện, nước sạch, thiếu đường đi lại nên nông sản thường bị thương lái mua với giá rất thấp. Song, phó thôn Măng thao thao nói đến hàng loạt sự thuận tiện, rằng một tổ chức phi chính phủ vừa hỗ trợ làm hệ thống năng lượng mặt trời giúp toàn bộ dân trong thôn có điện. Nào là Nhà nước vừa phê duyệt dự án 5 tỉ đồng, chuẩn bị mở đường từ huyện Ea Ka sang và thêm hai đoạn đường đến trung tâm xã Cư Pui, bà con sắp có đường mà bon bon. Rằng chính quyền liên tục tổ chức tập huấn cách trồng trọt, chăn nuôi; gần đây nhất là tập huấn trồng cây cà phê và cây dứa trên đất đồi, đã thế lại còn hỗ trợ 30% tiền giống cà phê và giống dứa nữa...

"Mấy bà con của tôi từ ngoài quê ở Lùng Vùi (xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) vào đây khen nức nở, từ điều kiện sống, điều kiện canh tác và sự hỗ trợ của Nhà nước quá tốt, so với ngoài quê tôi thì một trời một vực luôn!" - Vàng Seo Măng hớn hở. Khi hỏi bà con có ai có ý định về quê không, Măng lắc đầu nguầy nguậy: "Ở đây như thế này thì sao mà về được! Chắc là anh chưa biết, mà cũng không tưởng tượng được điều kiện cuộc sống, đất đai, thời tiết ngoài quê khốn khó khủng khiếp như thế nào đâu!"...

Tương tự, ông Tráng Sèo Tú, một người Dao ở thôn Cư Tê cùng xã Cư Pui chúng tôi gặp khi đang chăn trâu gần nhà. Ông nói: "Gia đình tôi ngoài quê (xã Bằng Hành, Bắc Quang, Hà Giang) với sáu con người mà chỉ có 2 sào rẫy trên núi đá, trồng ngô không đủ ăn nên phải dẫn vợ con vào đây. Giờ nghĩ đến ngoài quê còn thấy sợ!".

Chính sách... ngọn

 

Ông Tráng Sèo Tú (Cư Pui, Krông Bông, Đak Lak): ngoài quê thiếu đất sản xuất, nghĩ đến còn thấy sợ.
Ông Tráng Sèo Tú (Cư Pui, Krông Bông, Đak Lak): ngoài quê thiếu đất sản xuất, nghĩ đến còn thấy sợ.

Hai trường hợp nêu trên là điển hình cho hầu hết các hộ dân di cư tự do mà chúng tôi gặp trong những ngày thâm nhập Tây Nguyên. TS Nguyễn Duy Thụy, người chủ trì đề tài "Di cư tự do ở Tây Nguyên giai đoạn 1975 đến nay", cho rằng các chính sách hiện nay chỉ mới lo... phần ngọn ở nơi đến (các tỉnh Tây Nguyên), trong khi điều quan trọng không kém chính là phần gốc, tức là từ các tỉnh miền núi phía Bắc có dân di cư. Theo đó, việc ổn định dân di cư không chỉ là việc riêng của năm tỉnh Tây Nguyên mà còn là việc của chính quyền địa phương ở nơi xuất cư nữa.

Ông Thụy nói: "Nếu không di cư thì người dân không biết lấy gì để sống. Vấn đề đặt ra là muốn ổn định tình hình di cư không phải là các biện pháp cưỡng bức hành chính, mà biện pháp phải mang tính vừa vĩ mô, vừa vi mô. Vĩ mô là Nhà nước phải có chính sách chung đúng; vi mô là các biện pháp của chính quyền địa phương (nơi đi) thật cụ thể, tạo công ăn việc làm tốt để dân không muốn di cư nữa!".

 

Chưa có nhạc trưởng

Dự kiến cuối năm nay, Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và năm tỉnh Tây Nguyên tổ chức cuộc họp chuyên đề về sắp xếp tái định cư dân di cư tự do.

Ông Y Thông cho biết từ năm 2005-2016, Nhà nước đã triển khai và sắp xếp chỗ sinh sống cho 14.000 hộ di dân, chiếm 54,4% trên tổng số gần 26.000 hộ (gần 92.000 người) di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu đất sản xuất và nguồn lực để đầu tư các điểm quy hoạch tái định cư. Kế đến, việc lồng ghép các chương trình giúp dân tái định cư này chưa rõ ràng, không có một cơ quan nào hướng dẫn, làm "nhạc trưởng" mà mỗi một chương trình có một bộ ngành quản lý một cách riêng lẻ.

Ông Y Thông (Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên) cho rằng mọi chính sách phải bắt đầu từ nơi xuất cư. Tại Tây Nguyên, có những giai đoạn di dân chững lại. Nhiều hộ di dân quay về bản quán để hưởng chính sách tốt tại đó. Khi thực hiện "Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé" (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012), địa phương này đã thu hút hàng ngàn hộ dân di cư tự do quay về (từ năm 2012 đến đầu năm 2017 thực hiện 150 dự án cơ sở hạ tầng, bố trí sắp xếp được hơn 2.300 hộ dân). Ngoài ra, đề án di dời tái định cư thủy điện Sơn La cũng được Nhà nước đầu tư rất bài bản. Người dân ở khu vực tái định cư của dự án này gần như không xuất hiện trong dòng người di cư tự do ở Tây Nguyên những năm qua...

Ông Y Thông nói: "Nếu không giải quyết tốt ở nơi xuất cư mà chỉ giải quyết tốt nơi đến thì người ta càng rủ nhau vào Tây Nguyên. Từ hai dự án nói trên, theo tôi, Nhà nước nên quan tâm đến điều kiện sinh kế cho bà con đồng bào tại chỗ để hạn chế di cư tự do. Khi có mảnh đất lành, chim sẽ về đậu mà không cần bay đi đâu cả!".

Thái Bá Dũng-Thái Lộctuoitre

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.