Bên cạnh những ngôi nhà mồ, ai ăn cứ ăn, ai khóc cứ khóc, ai cười vẫn cứ cười. Người tỉnh, người say, người thức, người ngủ, vẻ như không còn ranh giới
Rơ Chăm Nam rủ: "Mai chị đi rừng ma chơi với em không?". Ối trời ơi, rừng ma là nơi chôn người chết của đồng bào Jarai, nghe nhắc đến đã lạnh dọc sống lưng, ai đến đó để chơi bao giờ?
Đông lắm, vui lắm
Tôi tìm cách chối từ: "Thôi thôi, tôi còn phải gặp già làng Rơ Chăm Đo. Còn nhiều việc phải làm lắm". Tôi chưa nói hết câu, Rơ Chăm Nam đã bò ra cười ngặt nghẽo. Cha em, ông Rơ Chăm Pha, đang ngồi đẽo gọt, vót những thân tre, cũng dừng tay dao để nhìn tôi... cười cười.
Chẳng đợi tôi hỏi, Rơ Chăm Nam vừa cười vừa nói: "Mai Plei Kep Ping đi vào rừng ma hết rồi, không có ai ở nhà cho chị hỏi chuyện đâu".
Tôi còn đang ngơ ngác, chưa kịp hiểu thì ông Rơ Chăm Pha tiếp lời: "Không chỉ lũ làng Plei Kep Ping không đâu, lũ làng Plei Kep 1, Plei Kep 2 cùng người Kinh ở Chư Pah, ở Gia Lai, thêm nhiều người ở các nơi khác cũng tìm về chơi rừng ma đấy. Năm nay, làng mình nhiều nhà bỏ mả nên đông lắm, vui lắm. Nhà mình cũng làm lễ bỏ mả cho ông của thằng Rơ Chăm Nam đấy".
Bà Rơ Chăm Bích, mẹ của Rơ Chăm Nam, bước chân vừa tới cửa cũng vội góp lời: "Có thằng Rơ Chăm Nam trong đội Pram nữa đấy. Nhà mình cũng đã chuẩn bị nhiều ghè rượu cần, nhiều thịt, nhiều gạo nhiều năm nay rồi, để mai mang đi rừng ma chia tay với ông thằng Rơ Chăm Nam".
Lúc bấy giờ tôi mới để ý nhìn xung quanh. Những ché rượu cần từ trong góc nhà đã được đưa ra phòng khách, xếp một hàng dài. Gùi gạo trắng tinh thoảng mùi hương lúa mới được chị Rơ Chăm Bích thì thụp giã suốt mấy hôm nay. Gà, lợn thả rông dưới sàn đã được bắt nhốt trong những chiếc rọ tre, cột chặt đặt nơi cuối vườn.
Cuộc chuyện trò cuối cùng
Trước đó nhiều ngày, ông Rơ Chăm Pha đã dẫn lũ thanh niên vào rừng mang về những cây gỗ để làm cột gưng (là những cột được làm bằng gỗ hoặc tre, trang trí nhiều hoa văn và biểu tượng trên đó), đốn thêm nhiều cây tre, cây lồ ô đan pơnang (làm bằng nan lồ ô để đặt các đồ vật cúng). Thì ra, tất cả những thứ đó, nhà Rơ Chăm Nam chuẩn bị để làm lễ bỏ mả người ông đã mất cách đây 6 mùa rẫy, để ông vĩnh viễn đi về với tiên tổ.
Sáng sớm, khi tôi còn cuộn mình trong chăn đã nghe dưới chân cầu thang nhà rông tiếng bước chân dồn dập. Tiếng người cười nói lao xao. Rồi vẫn cái giọng ồm ồm của Rơ Chăm Nam: "Chị dậy chưa? Không nhanh chân lên thì đi cùng những đứa khác nhé. Em đi trước với Pram đây". Chẳng để tôi kịp trả lời, Rơ Chăm Nam cùng những Pram nhanh chân biến mất trong màn sương vẫn còn lãng đãng vấn vít nơi cổng làng.
Plei Kep Ping với hơn trăm nóc nhà, sáng sớm đã ra rừng ma hết rồi. Plei Kep Ping năm nay có nhiều nhà bỏ mả. Người lo công chuyện. Người ra giúp nhau. Có người chỉ đi xem chơi. Làng chỉ còn lại những ngôi nhà đóng cửa. Đàn heo ung dung ủi đất dưới gầm sàn. Bầy gà bận rộn bới đất. Tôi có muốn cũng chẳng còn ai để gặp gỡ chuyện trò.
|
Hớn hở trong ngày lễ Pơ Thi |
Hôm nay, đường đến rừng ma người đi lại nghìn nghịt, đông như kiến. Người đồng bào Jarai vai gùi ghè rượu, nồi niêu xoong chảo chen lẫn với khách du lịch cổ đeo tòng teng máy ảnh, nói cười đùa giỡn làm huyên náo cả con đường dẫn vào nghĩa địa đã được rải đá dăm với nhiều "ổ gà", "sống trâu". Từ xa đã nhìn thấy những cột gưng với tua rua xanh đỏ phất phơ bay trong gió như vẫy chào, mời gọi.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nghĩa địa nào mà tiếng cười nói nhiều như ở nơi này - khu nhà mồ của đồng bào Jarai ở làng Plei Kep Ping, xã Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Không tìm đâu ra sự thê lương, buồn bã, trầm mặc, rờn rợn lạnh người như thường thấy ở các nghĩa địa khác. Ai ăn cứ ăn, những ống cơm lam với thịt gà, thịt heo nướng bày biện khắp nơi. Ai uống cứ uống. Những ghè rượu cần hết vơi lại đầy. Ai khóc cứ khóc. Những lời tạ ơn, kể than của người sống với người nằm dưới mồ cứ vang lên thầm thì, rì rầm, nối dài bất tận của cuộc chuyện trò cuối cùng để rồi vĩnh viễn chia xa.
Rồi thì nồi, niêu, chén, bát... tất cả đã được làm cho sứt quai, thủng lỗ cùng một con gà trống choai còn sống, mang ra chia cho người về thế giới bên kia. Tượng nhà mồ với dáng hình con khỉ chống cằm suy tư, hay người phụ nữ mang thai được bàn tay tài hoa đẽo gọt tạo thành đang yên lặng ngoài kia cùng những cột gưng với những hình thù trang trí gật gù, phất phơ trong gió, dường như cũng đồng tình. Ừ thì vĩnh viễn chia tay.
Đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm khắp nơi mà không thấy bóng dáng Rơ Chăm Nam đâu cả. Gia đình Rơ Chăm Pha như chìm lấp trong những ngôi nhà mồ, trong tiếng nói cười rờ rỡ ngập không gian.
Tôi nhìn thấy già làng Rơ Chăm Đo cùng những người trong họ nhà mình đặt những đồ vật cúng lên pơnang, làm lễ bỏ mả cho vợ của già đã mất 5 năm. Khi nắm thức ăn cuối cùng tung lên, chén rượu cuối cùng đổ xuống, một tràng dài tiếng cồng chiêng vang lên dồn dập thì tất cả rừng ma dường như vỡ òa. Khu rừng bỗng trở nên chật chội. Chân chen chân. Người chen người.
Nối dài vòng xoang
Tôi còn đang ngộp bởi làn sóng người xô đẩy thì thấy bàn tay mình đã được ai đó nắm từ phía sau. Tôi quay lại nhìn. Một chàng trai Jrai tóc xoăn, trán phẳng, đôi mắt nâu sâu hun hút đang nhoẻn miệng cười. Chẳng để tôi kịp lên tiếng, chàng đã nắm tay tôi lôi vào giữa vòng tròn người đang xoang.
Thập thong! Thập thong! Thong! Thập thong! Tiếng chiêng ngân lên, réo rắt thiết tha như mời gọi người về nối dài vòng xoang mênh mông, bất tận.
Đám đông đang ồn ào huyên náo nói cười bỗng dưng ngưng bặt. Mọi con mắt đổ dồn về phía bến nước, nơi những Pram vừa xuất hiện. Pram được xem là những con ma vui vẻ làm nhiệm vụ dẫn đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia vĩnh viễn.
Tôi nhướng mắt thử tìm Rơ Chăm Nam trong đám Pram kia nhưng đành chịu. Pram nào cũng trét đầy bùn đất, lá cây cùng mặt nạ. Họ làm trò trong sự reo hò của đám đông, trong âm thanh dồn dập của trống chiêng. Những Pram từ bến nước tiến dần về khu nhà mồ, theo chân những vòng xoang và tiếng chiêng đưa lối dẫn đường cùng sự phấn khích của những người có mặt. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng những vòng xoang và đội cồng chiêng, các Pram tiếp tục đi quanh khu nhà mồ hôm nay bỏ mả để đưa linh hồn người chết đi theo về cùng.
Những Pram đột ngột biến mất như khi xuất hiện. Cũng là lúc lễ tàn. "Phải là những thanh thiếu niên khỏe mạnh, chưa lập gia đình, được lũ làng yêu mến, biết đánh cồng chiêng, biết biểu diễn trò vui và phải biến hóa làm sao để lũ làng không ai nhận ra. Nếu không muốn hồn ma bắt người mình theo. Thế nên, các Pram dù mê diễn cũng phải để ý những lớp bùn được bôi trét trên người bạn diễn của mình. Nếu thấy hơi khô là phải thấm nước vào ngay để không bị rơi rớt lớp bùn, không bị lũ làng nhận ra. Ngoài ra, với người Jrai mình, nước là tượng trưng cho sự sống nên dù người hay ma cũng cần có nước" - già làng Rơ Chăm Đo cho biết.
Thế nên, dù đang làm việc ở tận TP Pleiku, ông chủ không cho nghỉ nhưng Rơ Chăm Nam nhất định phải về Plei Kep Ping làm lễ bỏ mả để được gặp ông lần cuối. "Pơ Thi là lần gặp cuối cùng với người chết. Trước khi muốn quên ai mình phải nhớ người đó đã chứ. Mình không về không được đâu" - Rơ Chăm Nam nói.
Còn già làng Rơ Chăm Đo, sau khi rít một hơi hết cần rượu mới khề khà nhả từng tiếng: "Ai rồi cũng phải về Atâu (thế giới của người chết). Ở nơi ấy cũng có đất, có rẫy. Chỉ là người đi trước, người bước theo sau thôi mà. Lễ Pơ Thi là linh hồn văn hóa truyền thống của người Jrai mình, nhưng mà...". Già làng bỏ lửng câu nói giữa chừng, ánh mắt xa xăm ngó ra khoảng không mênh mông trước mặt.
Ừ thì những giá trị văn hóa truyền thống rồi cũng sẽ biến thiên theo thời gian và thay đổi cho phù hợp với thời hội nhập. Người ta lấy "râu ông nọ chắp cằm bà kia", và cho đó là sáng tạo cùng những từ ngữ mỹ miều nhất mà họ có thể nghĩ ra. Người Jrai ở Gia Lai không mong như vậy, họ chỉ mong hồn cốt văn hóa của mình vẫn được giữ gìn truyền đời để mỗi lần được gặp nhau, đôi bàn tay nắm lấy bàn tay, cùng nhau nhảy múa, hát ca, chúc cho nhau thật nhiều sức khỏe, người sống sẽ sống tốt hơn.
Ước mơ giản dị, đơn sơ thế mà sao tôi thấy già làng Rơ Chăm Đo khi cất lời cứ buồn tênh!
Trọn vẹn nghĩa tình Buồn vui rồi cũng khép lại. Người sống và người chết đã trọn vẹn nghĩa tình. Mọi người thanh thản sau những ngày sống hết mình cho nhau, với nhau. Mọi người chia tay nhau trong lời hẹn hò lễ Pơ Thi năm sau lại về Plei Kep Ping để gặp lại những "con ma" vui vẻ, nghĩa tình. Với tôi, những con người nơi đây luôn là một sự bí ẩn. Nó bí ẩn như mảnh đất mà họ đang sống: Tây Nguyên. |
Bài và ảnh: Thủy Vũ (NLĐO)