Đi chợ giúp dân: Đi chợ không khó, có phụ nữ lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ lúc TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhóm 'đi chợ không khó, có phụ nữ lo' của P.15, Q.Phú Nhuận đã thành lập để giúp bà con trên địa bàn phần nào vơi bớt nỗi lo về nhu yếu phẩm hằng ngày.
Nhóm “đi chợ không khó, có phụ nữ lo” của P.15, Q.Phú Nhuận đang gửi đơn hàng tại khu phong tỏa. Ảnh: SONG MAI
Nhóm “đi chợ không khó, có phụ nữ lo” của P.15, Q.Phú Nhuận đang gửi đơn hàng tại khu phong tỏa. Ảnh: SONG MAI
Một món cũng mua
Từ khi trên địa bàn P.15, Q.Phú Nhuận có các điểm phong tỏa do ca nhiễm Covid-19, chị Trương Kim Thịnh Phát, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.15, cùng các chị, em trong Hội đã phải tất bật để lo cho người dân. Ngoài “chợ 0 đồng”, mô hình “đi chợ không khó, có phụ nữ lo” đã được triển khai để hỗ trợ các hộ dân tại điểm phong tỏa. Khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, các chợ tự phát và chợ truyền thống đóng cửa, mô hình này đã được nhân rộng ra thêm.
Vào thứ hai, tư, sáu, thành viên của nhóm sẽ vào group chat (nhóm trao đổi thông tin) để nhận đơn hàng của người dân từ khu phong tỏa và thống nhất các đơn hàng trước 17 giờ. Đối với các hộ dân ngoài khu phong tỏa sẽ được đến nhà để lấy phiếu ghi đơn hàng. Sau đó, chị Phát sẽ tổng hợp đơn hàng rồi liên hệ với siêu thị trên địa bàn phường chuẩn bị hàng hóa. Trước 10 giờ sáng thứ ba, năm, bảy, siêu thị giao hàng đến, mọi người sẽ tách hàng ra theo đơn của từng hộ dân rồi mang đi giao.
“Ban đầu nhóm đi chợ chỉ nhận được khoảng 4 - 5 đơn hàng, sau đó thì tăng lên 10 đơn và giờ đã nhận hơn 20 đơn hàng/ngày. Sau khi các chợ đóng cửa, nguồn hàng hóa có lúc không đủ đầy như trước. Siêu thị không có đủ thịt, tôi phải tìm nguồn hàng từ các cửa hàng bên ngoài để đủ cung cấp cho người dân”, chị Phát chia sẻ.
Chị Phát kể có những đơn hàng đặt chỉ một món, nhóm chị vẫn nhận đơn vì theo chị, dịch bệnh khó khăn, không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để đặt mua một lần nhiều món. “Một phần gia đình họ khó khăn, không đủ tiền để nghĩ đến việc mua thực phẩm dự trữ. Họ chỉ gửi mua trái bầu, trái bí về nấu canh chan cơm, ngày nào ăn thì mua ngày nấy. Những người khác có điều kiện thì họ gửi mua đồ để ăn trong vòng 3 - 4 ngày, có người còn gửi mua nguyên liệu nấu canh chua, rau thơm, bún, bánh canh... Những món đó giờ rất khó tìm, nếu tìm mua không được mình cũng nhắn, mong mọi người thông cảm. Mình cũng cố gắng cho người dân có bữa cơm ngon”, chị cho biết.

Các đơn hàng đều ghi rõ thông tin và giá tiền từng món
Các đơn hàng đều ghi rõ thông tin và giá tiền từng món
Mình giúp được thì cứ giúp
Tuy 8 giờ sáng các công việc soạn đơn hàng mới bắt đầu nhưng từ 6 giờ, bà Nguyễn Ngọc Hoan (58 tuổi) đã phải ra khỏi nhà. Bà Hoan cho biết dịch bệnh nguy hiểm nên các con không cho bà ra khỏi nhà. Bà đành phải đi ra ngoài từ lúc các con chưa ngủ dậy và nói đi sớm vậy để “không ai cản được bà cả”. Hai con gái lớn của bà Hoan làm bác sĩ, nhưng phụ trách các công việc hành chính chứ không trực chiến chống Covid-19 ở tuyến đầu. “Mình có con là bác sĩ nên hiểu rõ lắm sự vất vả của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Mình làm công tác hậu cần giúp được một tay thì cứ giúp”, bà Hoan chia sẻ.
Đến khoảng 8 giờ sáng, tại trụ sở UBND P.15, rau, củ, thịt... từ siêu thị đã gửi đến. Các thành viên trong nhóm “đi chợ không khó, có phụ nữ lo” người đọc đơn hàng, người ghi đơn tất bật để chuẩn bị soạn hàng gửi cho người dân.
Chị Nguyễn Vũ Thảo Vy (31 tuổi, giáo viên dạy cấp 3) cho biết sau khi coi thi THPT xong, chị đã xin vào phụ nhóm đi chợ giúp người dân. Hằng ngày, sau khi nhận được danh sách tổng hợp các đơn hàng, chị Vy sẽ phụ trách ghi ra từng đơn lẻ theo từng hộ dân. Các đơn hàng lẻ đều được ghi rõ số tiền, tên người dân và giá tiền từng sản phẩm. Sau khi đơn hàng đã được ghi xong, chị Vy sẽ bắt đầu soạn hàng. Các mặt hàng rau, củ, thịt, cá... được nhanh chóng xếp gọn vào túi, rồi dán thông tin hóa đơn lên phía trên. “Nhiều người gửi mua 3 món nhưng lại hết hàng chỉ còn một món. Như đơn hàng này gửi mua thịt, củ hành tím và rau lang, nhưng chỉ còn mỗi củ hành tím thôi, mình đành gửi đơn hàng 1 món vậy”, chị Vy nói, rồi lúi húi dán các hóa đơn lên trên túi hàng hóa, rồi xếp các túi hàng ngay ngắn vào thùng giấy.
Cạnh đó, bà Vũ Thị Kim Anh (56 tuổi, mẹ ruột chị Vy) đang lấy đơn hàng để giao vào khu phong tỏa ở cạnh nhà bà. Bà Anh cho biết trước khi có mô hình này, thấy các hộ dân trong khu phong tỏa thiếu thốn, bà tự nhận đơn rồi đến siêu thị xếp hàng chờ mua hàng giúp. “Tôi lớn tuổi rồi nên ra siêu thị xếp hàng một chút là nhức mỏi chân, đến khi vào được bên trong thì lại không mua được đủ món mình cần tìm. Từ khi có mô hình này, tôi chỉ chờ đơn hàng mỗi ngày rồi mang đến gửi vào cho người dân thôi”, bà nói.

Bà Phạm Thị Lý cầm đơn hàng, nhưng đắn đo mãi vẫn chưa dám gửi mua
Bà Phạm Thị Lý cầm đơn hàng, nhưng đắn đo mãi vẫn chưa dám gửi mua
Đắn đo mãi vì sợ tốn tiền
Đến khoảng 10 giờ, các đơn hàng đã được soạn xong, chị Phát cùng các thành viên trong nhóm bỏ các túi hàng lên xe máy, rồi chở đến phân phát cho người dân trong khu phong tỏa và người dân ở bên ngoài. Khi đến khu phong tỏa nằm trong con hẻm trên đường Trần Khắc Chân (P.15, Q.Phú Nhuận), chị Phát khệ nệ xách những túi hàng để trên bàn cạnh hàng rào phong tỏa, rồi kê chiếc thùng giấy ở cạnh bên để người dân đến lấy hàng sẽ bỏ tiền vào.
Sau khi nhận được thông báo lấy hàng, người dân trong khu phong tỏa lần lượt thay nhau ra nhận hàng. Bà Huỳnh Thị Mỹ (59 tuổi) cho biết vào chiều 6.7, con hẻm bà ở bị phong tỏa, ban đầu mọi nhu yếu phẩm bà Mỹ đều nhờ người thân gửi từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, khi TP.HCM giãn cách, người thân của bà cũng hạn chế việc đi ra ngoài, dẫn đến việc tiếp tế nhu yếu phẩm rất khó khăn. “Đang không biết làm sao để có cái ăn trong những ngày phong tỏa thì chị Phát gọi điện thoại đến hỏi thăm người dân trong khu phong tỏa có cần đi chợ không. Tôi mừng quá nên ghi đơn hàng liền”, bà kể.
Phát xong hàng ở khu phong tỏa, chúng tôi ghé sang nhà bà Phạm Thị Lý (73 tuổi), một khách hàng của nhóm đi chợ giúp dân. Tuổi đã cao nhưng bà Lý chỉ sống một mình trong căn nhà cấp 4 nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Duy Tân, P.15. Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Lý đang thêu dở chiếc áo gối, định bụng để qua đợt dịch lại mang ra chợ bán. Thỉnh thoảng bà Lý lại xoa xoa bên chân trái bị khớp đau nhức, còn chân bên phải bà nói mình bị tật nên phải lắp chân giả.
Bà Lý kể trước khi chợ đóng cửa vì dịch, bà thêu mấy ngày được vài chiếc áo gối rồi mang ra giao cho bạn hàng bán, một tuần kiếm được 200.000 đồng. Sẵn đi chợ, bà mua một ít thịt về kho ăn. Giờ dịch, chợ đóng cửa, bạn hàng cũng nghỉ nên bà không có thu nhập. Đi lại khó khăn, bà Lý cũng không thể ra siêu thị để xếp hàng mua đồ dùng thiết yếu. “Mới hôm kia, tôi vừa gửi đơn đi chợ mua chai dầu ăn, bịch bột ngọt với chai nước rửa tay. Nhưng khi giao hàng, mấy cô bên phường cho tôi lọ nước rửa tay nên chỉ phải mua hai món còn lại thôi, nên tôi mừng lắm”, bà Lý kể.
Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, bà Lý ở yên trong nhà để phòng dịch. “Các cô bên phường ngày nào cũng xuống gửi tôi hộp cơm, rồi rau, củ cải nữa, trứng thì còn hơn chục quả để trong tủ lạnh chưa ăn... Sáng nay, tôi có ghi một đơn hàng định mua cà phê, sữa đặc về pha uống vì thèm quá”, bà Lý nói rồi cầm tờ đơn ghi mấy dòng chữ nguệch ngoạc “một gói cà phê”, “sữa đặc” trên tay, nhưng bà cứ đắn đo mãi rồi lại không gửi đi. Bà nói: “Đồ ăn ở nhà tôi có rồi, nhưng vẫn thèm uống cà phê lắm, mà mua thì sợ tốn tiền nên không dám gửi”.
(còn tiếp)
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.Phú Nhuận, cho biết mô hình đi chợ giúp dân không chỉ triển khai ở P.15, mà đã triển khai toàn bộ 13 phường tại Q.Phú Nhuận. Ngoài ra, quận còn tổ chức mô hình “Bếp yêu thương” để hỗ trợ cơm, nhu yếu phẩm cho lực lượng trực chốt trên địa bàn phường, và mô hình “Rau sạch nghĩa tình san sẻ yêu thương” để phân phát cho các hộ dân bị phong tỏa, khó khăn.
Theo Song Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.