Đi bộ cần đúng quy định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Quan sát trên nhiều tuyến đường của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi bộ qua đường không đúng quy định.

Điều 32, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về người đi bộ. Cụ thể, người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt dành cho người đi bộ...Quy định là vậy, song thực tế cho thấy vạch kẻ đường cách người đi bộ vài mét nhưng họ vẫn bỏ qua và băng qua đường bất chấp hiểm nguy rình rập. Có trường hợp vừa đi bộ qua đường, vừa nghe điện thoại; trèo qua rào chắn, lan can thay vì đường vòng; luồn lách trước dòng xe cộ đông đúc đang lưu thông trên đường hoặc chờ tín hiệu đèn giao thông ở các ngã ba, ngã tư... Điều này vô hình trung gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa tính mạng người đi bộ, đối tượng được xem là yếu thế khi tham gia giao thông.

Vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cách đó không xa song nhiều người vẫn đi bộ qua đường không chấp hành quy định. Ảnh: AN NGUYÊN
Vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cách đó không xa song nhiều người vẫn đi bộ qua đường không chấp hành quy định. Ảnh: AN NGUYÊN

Mới đây, anh bạn của tôi trở thành nạn nhân của người đi bộ. Trên đường đi làm về, anh dừng xe ở ngã tư chờ đèn tín hiệu giao thông. Phía trước anh cũng còn vài phương tiện khác. Khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, anh vừa điều khiển cho xe máy tăng tốc, bất ngờ ngay trước đầu xe có người đi bộ ngang qua. Để ngăn tai nạn xảy ra, anh thắng gấp. Kết quả, anh ngã ra đường và bị chính chiếc xe máy của mình đè lên đùi dẫn đến giãn dây chằng đầu gối phải ngồi 1 chỗ. May mắn, vụ va quẹt không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng anh bạn tôi bức xúc và đề nghị cần phải áp dụng chế tài xử phạt thật nghiêm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đi bộ, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc cũng như làm liên lụy đến những người xung quanh.

Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa các phương tiện lưu thông trên đường với người đi bộ. Song dường như điều này vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến người đi bộ vẫn chủ quan khi tham gia giao thông. Một bộ phận người dân vì không nắm Luật nên cho rằng, Luật Giao thông đường bộ chỉ áp dụng đối với các phương tiện tham gia giao thông, còn người đi bộ là đối tượng yếu thế nên được ưu tiên. Thiết nghĩ, để hạn chế các vi phạm giao thông liên quan đến người đi bộ trước hết các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Mỗi người dân cần phải nắm luật, hiểu luật để tham gia giao thông an toàn, bảo vệ tính mạng bản thân và những người xung quanh; từ đó góp phần chung tay xây dựng nếp sống văn hóa giao thông và văn minh đô thị.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và áp dụng chế tài, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục. Tại Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rất cụ thể: phạt tiền từ 60 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi sau: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường,...Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy...

AN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.