Đến năm 2025: Xây dựng ít nhất 3 đô thị thông minh có mạng 5G

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025, cả nước có ít nhất 3 đô thị thông minh và triển khai mạng 5G tại các đô thị này.

Cảm biến chống ngập ứng dụng cho việc triển khai đô thị thông minh tại TPHCM do SHTPLab nghiên cứu và chế tạo. Ảnh: Thế Lâm.
Cảm biến chống ngập ứng dụng cho việc triển khai đô thị thông minh tại TPHCM do SHTPLab nghiên cứu và chế tạo. Ảnh: Thế Lâm.
Cũng theo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) vừa được ban hành, tới năm 2025 Việt Nam duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Năm 2025, nền kinh tế số tại Việt Nam được đặt mục tiêu chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cùng với đó, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng Internet; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Vào năm 2025, Việt Nam phấn đấu xây dựng được ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam), và triển khai mạng 5G tại các đô thị này.

Thành phố Thủ Đức (TPHCM) vừa được thành lập đã được phủ sóng 5G. Ảnh: Thế Lâm.
Thành phố Thủ Đức (TPHCM) vừa được thành lập đã được phủ sóng 5G. Ảnh: Thế Lâm.
Đến năm 2030, mục tiêu xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; trong khi đó chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu lọt vào nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.
Về chỉ tiêu nền kinh tế số, đến năm 2030 sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Cùng với đó, dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang cùng với dịch vụ mạng di động 5G được phổ cập; Chính phủ số sẽ được xây dựng hoàn thành tại Việt Nam.
Một số chuỗi đô thị thông minh sẽ được hình thành tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 nhằm định hướng chủ động tham gia vào xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng này giúp Việt Nam cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử để đảm nhận thêm chức năng, nhiệm vụ về tham mưu, theo dõi, điều phối thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Chiến lược. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20.12.
THẾ LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.