(GLO)- Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại trở nên “nóng” bởi đây là dịp mà cả cung và cầu đều tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Chính vì vậy, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng thì việc xảy ra ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh khỏi.
Thông tin vụ ngộ độc “Rượu nếp 29 Hà Nội” của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội khiến nhiều người phát hoảng. Vụ ngộ độc rượu trên không chỉ cảnh tỉnh những ai trót làm bạn với “ma men” mà còn là lời cảnh báo cho người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm.
Thanh-kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: N.N |
Thực tế qua nhiều năm cho thấy, nhiều sản phẩm “3 không”- không nhãn mác hoặc nhãn mác lập lờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo ATVSTP được tung ra vào dịp Tết. Người tiêu dùng nếu không cẩn trọng rất dễ bị nhầm lẫn. Đặc biệt, người tiêu dùng nếu mua phải rượu giả, rượu kém chất lượng thì nguy cơ ngộ độc hoàn toàn có thể xảy ra. Năm 2010, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 9 ca tử vong và tất cả đều do ngộ độc rượu.
Trong năm 2013, công tác đảm bảo ATVSTP đã được triển khai chặt chẽ, vấn đề ngộ độc thực phẩm cũng đã được kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 90 người mắc, trong đó 60 người phải nhập viện điều trị, 1 người tử vong; đa số các vụ ngộ độc là do vi sinh vật gây nên. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng nhưng số người mắc giảm và giảm số người tử vong (năm 2012, xảy ra 7 vụ với 215 người mắc, 2 người tử vong).
Nhằm chấn chỉnh và đảm bảo ATVSTP trong dịp cuối năm, song song với việc thanh-kiểm tra, giám sát và thu hồi “Rượu nếp 29 Hà Nội”, từ ngày 16-12, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng đã tiến hành thanh-kiểm tra chuyên đề ATVSTP đối với các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Tiếp sau đợt thanh-kiểm tra chuyên đề này, giữa tháng 1-2014, Chi cục sẽ phối hợp triển khai thanh-kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014. Đợt này sẽ tập trung kiểm tra chú trọng các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt …
Công tác kiểm tra cũng sẽ chú trọng thanh-kiểm tra các nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm… vì đây là các điểm dự trữ, tập kết hàng phân phối về các huyện. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở này nhằm hạn chế, loại trừ các hàng hóa không đảm bảo ATVSTP tung ra thị trường.
Trong quá trình thanh-kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm đồng thời cũng tuyên truyền, nhắc nhở người kinh doanh nâng cao ý thức kinh doanh, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở vi phạm, ngoài xử lý nghiêm vi phạm sẽ đưa thông tin các cơ sở vi phạm lên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và có lựa chọn trong việc mua sắm”.
Như Nguyện