Đề xuất phát triển sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong Tờ trình Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phát triển một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô công suất đạt 50 triệu khách/năm, khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Điểm đáng chú ý trong Tờ trình được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải là việc cơ quan này đề xuất phát triển một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô công suất đạt 50 triệu khách/năm, khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040.
Tại sân bay Nội Bài hiện hữu, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phát triển khu bay phía Bắc và phía Nam với quy mô 3 đường cất hạ cánh năm 2030; 4 đường cất hạ cánh năm 2050. Xây dựng các nhà ga T3, T4 và T5 để đưa tổng công suất lên 100 triệu khách năm vào năm 2050.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai. Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nghiên cứu của Cục Hàng không đặt ra nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải.
Theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040.
Hiện chưa rõ vị trí cụ thể của sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô này bởi theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, xác định vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm, vì đây là câu chuyện của thời điểm sau năm 2040. Từ nay đến khi đó là thời gian rất dài, cùng với sự phát triển về công nghệ hàng không thì có thể sẽ có rất nhiều thay đổi.
Trước đó, đầu tháng 10/2020, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768/QĐ-TTg), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
Ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đánh giá, nếu nhìn trước mắt, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn cho vài chục năm, thậm chí cả trăm năm thì vẫn cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Hay nói cách khác, việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay là để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay.
Mặc dù vậy, ông Tùng cũng cho rằng, cần nghiên cứu rất kỹ đề xuất về việc nghiên cứu quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa, bởi vị trí này có nhiều điểm bất lợi như nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh sân bay Nội Bài.
Trong khu vực còn có một dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên làm sân bay cũng theo hướng này, đầu ra của máy bay sẽ vòng vào trung tâm Hà Nội, vướng vào vùng cấm bay của Tp. Hà Nội. Đó là chưa kể đến việc Ứng Hòa là vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ sông Đáy và có diện tích đất trồng lúa lớn nên cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhiều...
Với các vị trí còn lại, ông Nguyễn Bách Tùng phân tích, vị trí ở Lý Nhân tuy đỡ giao cắt với máy bay tiếp cận sân bay Nội Bài nhưng thuộc vùng hạ lưu sông Hồng, dân cư đông đúc. Với điều kiện như vậy cũng khó thực hiện dù người dân Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình tiếp cận sân bay ở đây gần hơn.
Với Hải Dương, ông Tùng bày tỏ quan điểm ủng hộ đặt sân bay tại đây vì vừa có khả năng kết nối dân cư tương tự Lý Nhân, lại có hướng biển. Riêng với khu vực Tiên Lãng, trước đây đã có nghiên cứu quy hoạch sân bay Tiên Lãng. Ở đây có lợi thế là đất rộng tới 6.000ha, không đông dân cư, nhưng lại là đất bãi bồi nên đầu tư sân bay phải tốn rất nhiều tiền. Chưa kể, nếu xây dựng sân bay ở Tiên Lãng cần bỏ sân bay Cát Bi hiện nay.
Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.