Đề nghị truy tố nguyên Phó chi cục Thi hành án dân sự Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Đà Lạt về tội 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Ngày 28.5, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng của vụ án kèm bản kết luận điều tra đến Viện KSND tối cao (Vụ 6), đề nghị truy tố bị can Nguyễn Ngọc Thiện (50 tuổi, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục THADS Đà Lạt, Lâm Đồng) về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn nhà 21A Nguyễn Trung Trực, TP.Đà Lạt mà Nguyễn Ngọc Thiện (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt) hỏi mua của người chấp hành án. Ảnh: Lâm Viên

Căn nhà 21A Nguyễn Trung Trực, TP.Đà Lạt mà Nguyễn Ngọc Thiện (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Đà Lạt) hỏi mua của người chấp hành án. Ảnh: Lâm Viên

Với vụ án này, ngày 3.8.2019, Thanh Niên có bài: "Nộp tiền thi hành án vẫn bị chấp hành viên bán nhà", gây xôn xao dư luận, sau đó Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vào cuộc làm rõ.

Chấp hành viên 2 lần hỏi mua tài sản đã kê biên

Theo kết luận điều tra, năm 2009, vợ chồng bà Đỗ Thị Vân Hồng là người phải thi hành 8 quyết định thi hành án với tổng số tiền hơn 315 triệu đồng và lãi suất do chậm thi hành án.

Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, ngày 18.8.2009, Chi cục THADS Đà Lạt tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản là căn nhà 21A Nguyễn Trung Trực (nhà 21A) của vợ chồng bà Hồng. Ngày 2.4.2013, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản đã kê biên, kết quả giá thẩm định nhà 21A là hơn 474 triệu đồng.

Từ tháng 10.2017, vụ việc thi hành án này được bàn giao cho chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục tổ chức thi hành. Trong tháng 10.2017, bà L.T.T.V (ngụ P.2, TP.Đà Lạt) thỏa thuận mua nhà 21A của bà Hồng với giá 1,35 tỉ đồng, bà V. đặt cọc cho bà Hồng 350 triệu đồng. Khoảng giữa năm 2018, bà V. nhiều lần liên hệ với bị can Thiện để xin được mua tài sản nhà 21A nhưng Thiện đều trả lời là tài sản rất phức tạp, đang bị kê biên bán đấu giá. Sau đó bà V. phải khởi kiện để lấy lại 350 triệu đồng đã đặt cho bà Hồng (bà Hồng đã thanh toán số tiền này).

Đáng nói, quá trình tổ chức thi hành án, bị can Thiện 2 lần trực tiếp đến nhà bà Hồng hỏi mua nhà 21A đã kê biên. Lần thứ nhất tháng 9.2018, Thiện trả giá 1,1 tỉ đồng; đến đầu năm 2019, Thiện nâng lên 1,6 tỉ đồng. Theo bà Hồng, khi bà không đồng ý bán nhà cho ông Thiện, thì Thiện đe dọa niêm phong nhà.

Không chịu nhận tiền để thi hành án

Ngày 14.5.2019, Thiện gửi thông báo cho bà Hồng biết tài sản nhà 21A được tổ chức bán đấu giá vào ngày 14.6.2019. Trước đó, đầu tháng 5.2019, bà P.T.Q.T (ngụ TP.Đà Lạt, người quen của bà Hồng), đã thỏa thuận mua nhà 21A của bà Hồng với giá 3,5 tỉ đồng. Do đó, bà T. cùng bà Hồng đến Chi cục THADS Đà Lạt, đề nghị Thiện chấp thuận việc giao dịch mua bán nhà để bà Hồng nộp tất cả các khoản tiền phải thi hành án, nhằm giải tỏa kê biên. Tuy nhiên, Thiện nói với bà T. chưa tính được lãi, chưa triệu tập được những người bà Hồng mắc nợ, tài sản đã kê biên phức tạp...

Chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện 2 lần hỏi mua nhà 21A đã kê biên, cố tình gây khó đối với người chấp hành án. Ảnh: Lâm Viên

Chấp hành viên Nguyễn Ngọc Thiện 2 lần hỏi mua nhà 21A đã kê biên, cố tình gây khó đối với người chấp hành án. Ảnh: Lâm Viên

Để tránh việc tài sản của mình đưa ra bán đấu giá, liên tục các ngày 15-17.5.2019, bà Hồng cùng người thân, quen đến Chi cục THADS Đà Lạt gặp Thiện, yêu cầu được nộp tiền, thực hiện những nghĩa vụ thi hành án nhưng Thiện vẫn không chịu và bày ra nhiều lý do để không thu tiền của bà Hồng.

Ngày 20.5.2019, bà Hồng cùng vài người thân quen mang theo 650 triệu đồng đến Chi cục THADS Đà Lạt gặp bị can Thiện; bà Hồng yêu cầu được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ thi hành án, nhưng bị can Thiện vẫn từ chối. Ông Nguyễn Sỹ Cần, Chi cục trưởng Chi cục THADS Đà Lạt thời điểm đó cũng đã có ý kiến yêu cầu Thiện ước lượng số tiền để thu cho bà Hồng.

Sau đó, bị can Thiện ban hành thông báo khoản lãi phát sinh đến ngày 20.5.2019 là 298 triệu đồng. Ngày 22.5.2019, bà Hồng và người nhà đến Chi cục THADS Đà Lạt gặp Thiện tiếp tục yêu cầu được nộp tiền phải thi hành án. Tuy nhiên, thêm lần nữa Thiện không chịu thu tiền nên bà Hồng khiếu nại trực tiếp với Viện KSND tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi đại diện Viện KSND tỉnh có ý kiến, Thiện mới thu tiền, nhưng chỉ thu số tiền nợ gốc hơn 315 triệu đồng và 3,5 triệu đồng tiền án phí dân sự, không chịu thu tiền lãi. Do đó bà Hồng đã tự trả tiền lãi cho những người được thi hành án theo danh sách bị can Thiện đã tính và thông báo.

Đấu giá tài sản sai luật

Dù bà Hồng đã nộp đủ tiền thi hành án, nhưng bất ngờ 3 tuần sau, ngày 14.6.2019 ông Thiện, vẫn thực hiện bán đấu giá nhà 21A. Kết quả bà Nguyễn Thành Nhân (TP.Quy Nhơn) trúng đấu giá với giá hơn 1,54 tỉ đồng. Ngày 25.6.2019, bà Nhân thanh toán đủ tiền mua nhà 21A nhưng đến nay tài sản chưa được bàn giao cho người trúng đấu giá.

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: CTV

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: CTV

Điều đáng nói, số tiền gốc hơn 315 triệu đồng Thiện thu của bà Hồng, nhưng phải đến tháng 11.2022, sau khi Thiện bị khởi tố thì Chi cục THADS Đà Lạt mới chi trả cho những người được thi hành án.

Theo kết luận điều tra, có đủ căn cứ xác định bị can Thiện vi phạm các quy định tại khoản 5 điều 105 và khoản 2 điều 20 luật THADS, xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của người phải thi hành án. Hậu quả trực tiếp mà bị can Thiện gây ra khi đấu giá nhà 21A gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 3,6 tỉ đồng (theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản thời điểm tháng 6.2019).

Nguyễn Ngọc Thiện bị khởi tố ngày 10.10.2022 và bị bắt tạm giam 3 ngày sau đó, về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Có thể bạn quan tâm