(GLO)- Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa kết thúc thành công. Trong nhiều nội dung, có bàn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là nội dung thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cơ sở quy định của Điệu lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua nhiều cán bộ, đảng viên các cấp chấp hành thực hiện nghiêm, phát huy tính tiền phong gương mẫu, thực sự nêu gương trong suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm. “Điều đó đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn vi phạm, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Đảng.
Toàn cảnh hội nghị TW 8. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Tuy nhiên, cũng theo Tổng Bí thư, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, sức lan tỏa chưa lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống,…gây điều tiếng không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Điều đó đòi hỏi Trung ương phải sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương làm cơ sở để phát huy tốt hơn vai trò của cán bộ, đảng viên và khắc phục những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo xã hội của Đảng trong tình hình mới.
Vấn đề nêu gương trong cán bộ, đảng viên đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ nhắc nhở, thường xuyên, trước đó Đảng ta cũng đã có nhiều lần ban hành văn bản quy định nêu gương. Trước đây những vị vua sáng, tôi hiền, tài năng lỗi lạc không chỉ nêu gương khi đang quyền cao chức trọng, oai uy lừng lẫy mà cả lúc không còn chức quyền, lui về làm thảo dân. Một số vị vua Lê, vua Trần là những tấm gương coi trọng triết lý “cứu độ chúng sinh”. Gương sáng Phật hoàng Trần Nhân Tông, anh minh trong việc xây dựng đất nước thanh bình, thịnh trị, nhường ngôi cho con để phụng sự Phật pháp là một ví dụ. Không chỉ toàn tâm toàn lực làm nhiều việc tốt phụng sự đất nước, nhân dân, mà cả khi đã lui về trong vai trò thảo dân, vẫn tiếp tục nêu gương sáng trong đời sống thường nhật, sống giản dị, thanh đạm, và đặc biệt gần gũi với quần chúng nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách cao đẹp như vậy nên không lạ việc các vị được nhân dân yêu thương, kính trọng, truyền đời cho cháu con, các thế hệ học tập, noi theo.
Lãnh đạo tỉnh tiếp thu Nghị quyết TW 6, Khóa XII của Đảng. Ảnh: Đức Thụy |
Bác Hồ kính yêu của chúng ta là minh chứng thuyết phục nhất cho gương lãnh tụ, cán bộ, đảng viên mà lúc nào suy nghĩ, lời nói và việc làm cũng thống nhất hoài bão “ đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Song ở Bác còn một điều nữa mà Đảng ta, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước vô cùng thấm thía, chia sẻ, càng biết ơn, kính trọng Bác hơn- đó là sự dũng cảm nhận sai sót, hạn chế, khuyết điểm. Hình ảnh Bác Hồ thay mặt Trung ương Đảng nghẹn ngào nhận lấy sai sót trong cuộc cách mạng cải cách ruộng đất năm nào khiến chúng ta cảm nhận đầy đủ, sâu sắc nỗi niềm ân hận, đau đớn gan ruột của vị lãnh tụ một đời vì nước vì dân.
Vậy nên khi bàn đến vấn đề nêu gương, tức là gương mẫu trong mọi mặt, thì không thể không đặt ra vấn đề mạnh dạn, dũng cảm thừa nhận, đối mặt với sai sót, hạn chế, khuyết điểm của người cán bộ, đảng viên. Đảng ta là một đảng cách mạng, tiến công và dũng cảm thừa nhận hạn chế, khuyết điểm. Cũng vì dũng cảm nhận ra sai lầm, khuyết điểm, Đảng mới có thể đúc rút ra những bài học kinh nghiệm, thậm chí là kinh nghiệm đớn đau nhưng quý giá để tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi lên và thắng lợi.
Với người cán bộ, đảng viên cũng vậy. Khách quan mà nói thì cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, vị trí nào cũng là con người, tài giỏi đến cỡ nào cũng không thể toàn diện, mà đều có mặt hạn chế, giới hạn, không tránh khỏi khuyết điểm, sai lầm. Vấn đề là vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đó là do đâu, động cơ nào, nguyên nhân khách quan, chủ quan nào chi phối, ảnh hưởng. Đặc biệt, hết sức tránh vi phạm, khuyết điểm do chủ quan. Trong trường hợp này, khi đã vi phạm thì phải nhanh chóng thừa nhận, xác định mức độ vi phạm và tự giác nhận hình thức kỷ luật. Nhận hình thức kỷ luật càng nghiêm khắc, càng nặng thì càng có cơ hội sửa sai, tránh tái phạm để tiến bộ. Tổ chức có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng trong việc kiểm tra giám sát, phân tích làm rõ khuyết điểm, mức độ vi phạm và áp dụng các hình thức kỷ luật của Đảng một cách nghiêm khắc, nghiêm túc để giúp cán bộ, đảng viên vi phạm thấy được sai phạm và hình thức xử lý là đúng đắn, thỏa đáng.
Hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII về chiến lược cán bộ thời kì đẩy mạnh CNH-HĐH. Ảnh: Đức Thụy |
Bản thân người cán bộ, đảng viên khi vi phạm, thấy hạn chế thì phải thành thật, thừa nhận chứ không được chối tội, né tránh, đổ lỗi. Đây là mối quan hệ 2 mặt trong một con người, nhưng với người cán bộ, đảng viên thì càng phải quán triệt nhấn mạnh. Có như vậy, ưu điểm, thành tích thì ra sức phát huy mà vi phạm, khuyết điểm, hạn chế thì ra sức trau dồi rèn luyện, phấn đấu khắc phục cho kỳ được; khắc phục một cách sớm nhất và triệt để nhất, không để tái phạm, tái khuyết điểm, tái hạn chế.
Còn những trường hợp vi phạm là do cố tình, tìm cách né tránh trách nhiệm, chối tội, đổ vấy. Thực tế lâu nay những con sâu nguy hiểm kiểu này trong tổ chức, trong xã hội ta đã xảy ra khá nhiều. Tất nhiên kỷ luật của Đảng rất nghiêm, sau xử lý trong Đảng thì ở góc độ pháp luật cán bộ, đảng viên vi phạm cũng phải chịu chế tài tương xứng. Việc Trung ương thể hiện quan điểm xử lý đối với một số trường hợp vi phạm của cán bộ cấp cao (cả trường hợp đưa ra tại Hội nghị Trung ương 8 mới đây) cũng vậy.
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp Trung ương trong đó có sự dũng cảm thừa nhận những thiếu sót, khuyết điểm, tồn tại; nỗ lực, quyết tâm chấn chỉnh những sai sót ấy, để lấy lại hình ảnh và vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong đời sống xã hội sẽ làm cho người dân thêm tin yêu vào Đảng.
Thất Sơn