|
Thạc sĩ Trần Nghệ. |
Chuyên mục Đồng hành cùng mùa thi kỳ này giới thiệu đến các thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng một số lưu ý của thạc sĩ Trần Nghệ, Khoa cơ bản, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế- thầy giáo đã có kinh nghiệm luyện thi đại học môn Hóa trên 30 năm nay.
Lưu ý đầu tiên là trong đề thi đại học môn Hóa học, phần lý thuyết chiếm 50% (25 câu hỏi cơ bản và tổng hợp), phần áp dụng 25% và 25% là phần nâng cao và tổng hợp nên các thí sinh phải nắm thật kỹ và bám sát sách giáo khoa.
Khi làm lại tất cả các đề thi khối A, B từ năm 2007 đến 2010 sẽ thấy các câu hỏi tương tự lặp lại từ 60-70% nên các thí sinh phải nắm căn bản thật kỹ các năm, nhất là phần quy luật và giải thích.
Về cách làm bài, thí sinh nên đọc qua một lượt tất cả các câu, tiếp đó làm lý thuyết trước, toán sau. Khi làm toán thì chọn bài toán quen thuộc, nhớ phản ứng làm trước. Với cách làm như vậy thì khi làm được một số lượng câu nhất định, chừng 45-50 câu, tức đã đạt yêu cầu rồi thì thí sinh sẽ cảm thấy yên tâm để vận dụng làm tiếp những câu khó.
Phương pháp làm toán là nắm vững cách tính số mol, nồng độ %, nồng độ mol/lít. Nên chọn 1, 2 cách giải toán quen thuộc; không nên tham lam nhiều cách giải. Một số bài toán bẫy hoặc dành cho học sinh thật giỏi, những em trung bình khá không nên lao vào làm sẽ mất thời gian, vì những bài đó thuộc dạng rất ít gặp, đánh đố, dành cho những học sinh thật thông minh. Cần thuộc lòng các quy luật ví dụ như quy luật trong chu kỳ, nhóm, quy luật các muối thể hiện tính axit, bazơ, trung tính, lưỡng tính, quy luật giải Thế điện hóa, quy luật nhiệt độ sôi, khả năng hòa tan, tính axit, bazơ của các hợp chất vô cơ, hữu cơ, quy tắc (phương pháp) cân bằng các phản ứng oxi hóa khử, trao đổi...
Một số điểm sai dễ mắc phải của các thí sinh là đọc không kỹ đề dẫn đến những lỗi sai đáng tiếc, làm mất điểm. Ví dụ đề yêu cầu chọn câu sai lại không để ý và đọc kỹ nên chọn câu đúng... Do vậy, một trong những lưu ý quan trọng nhất là thí sinh phải bình tĩnh đọc thật kỹ đề. Cần cẩn thận khi bấm máy tính để giải các phương trình; nhiều em vì bấm quá nhanh nên đôi khi dẫn đến bấm nhầm, bấm sai, cho kết quả sai.
Để làm tốt đề thi đại học môn hóa, cần nắm kỹ hiểu sâu những đề thi của Bộ đã ra. Các em hãy tập làm quen giải 1 đề thi ở nhà trong vòng 90 phút để đánh giá khả năng của mình. Là đề thi dạng trắc nghiệm nên các câu hỏi đề ra sẽ không khó (vì thời gian ngắn không thể ra bài toán quá khó và dài) nhưng cũng sẽ không dễ vì các câu hỏi trải dài từ bài đầu tiên lớp 10 đến bài cuối cùng lớp 12.