Để giao thông là động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, hệ thống giao thông của tỉnh Gia Lai được quan tâm đầu tư. Đến nay, mạng lưới giao thông dần được hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, để tạo “đòn bẩy” cho nền kinh tế thì các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Hạ tầng đường bộ được đầu tư, nâng cấp

Trong 10 năm trở lại đây, hàng loạt tuyến đường, công trình giao thông quan trọng của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới, tạo nên mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo quy hoạch, kết hợp hài hòa cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Cuối năm 2022, có 86,93% đường trục thôn, làng được cứng hóa. Ảnh: P.V

Cuối năm 2022, có 86,93% đường trục thôn, làng được cứng hóa. Ảnh: P.V

Giai đoạn 2016-2022, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, trọng điểm, ưu tiên các dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch. Tăng cường đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ công tác giảm nghèo, bảo đảm cho các xã có đường ô tô được cứng hóa vào đến trung tâm xã. Đến cuối năm 2022, 86,93% đường trục thôn, làng được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh được nâng cấp và xây dựng mới khoảng 1.189 km đường các loại. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 22 dự án trọng điểm đã được đầu tư và đang triển khai đến năm 2025 với tổng nguồn vốn trên 14.234 tỷ đồng.

Năm 2022, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh bao gồm: 1 Cảng Hàng không đạt tiêu chuẩn 4C; 6 tuyến quốc lộ (14C, 19, 19D, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông) có tổng chiều dài 764 km; 10 tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài 372 km; 965 km đường đô thị; cùng kết nối hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10.789 km; 100% xã có đường ô tô được cứng hóa vào đến tận trung tâm xã; 138/182 xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Đường Hồ Chí Minh (tuyến tránh Pleiku đi các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku) đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trên tuyến đường đi qua. Ảnh: Minh Nguyễn

Đường Hồ Chí Minh (tuyến tránh Pleiku đi các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku) đã tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương trên tuyến đường đi qua. Ảnh: Minh Nguyễn

Bên cạnh đó, một số dự án cấp quốc gia trọng điểm do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 theo hình thức BOT; nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea H’leo (Đak Lak); quốc lộ 19E (tuyến đường nối Gia Lai-Phú Yên).

Đối với các dự án giao thông cấp tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định chặt chẽ hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán và kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình đảm bảo chất lượng, thời gian quy định. Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, góp phần đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh ở một số công trình trọng điểm huyết mạch như: đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; tỉnh lộ 666; đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông; đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19).

Trong 10 năm qua, công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ được duy trì thường xuyên trên các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ, nhiều hạng mục sửa chữa được hoàn thành đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao tuổi thọ đường bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19. Ảnh: P.V

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19. Ảnh: P.V

Cùng với đó, các đơn vị liên quan kịp thời ứng phó, khắc phục ách tắc giao thông trong các đợt mưa lớn, áp thấp nhiệt đới. Khối lượng thực hiện trên 4 tuyến quốc lộ và 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 673 km được sửa chữa với kinh phí khoảng 1.158 tỷ đồng. Hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông như: bổ sung 1.357 biển báo, sơn kẻ vạch đi bộ, tim đường, gờ giảm tốc 36.040 m2, 15.035 m hộ lan, 6.718 cọc tiêu...

Công tác rà soát, xác định và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được chú trọng. Ngành Giao thông thường xuyên nắm bắt thông tin, rà soát, kiểm tra và xử lý điểm đen, vị trí nguy hiểm; các vị trí thường xảy ra tai nạn, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông được cải tạo mở rộng mặt đường, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, sơn lại cột km, cọc tiêu, phát quang thông thoáng đảm bảo tầm nhìn, lắp đặt tường hộ lan mềm các đoạn đường đèo dốc quanh co.

Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Cục Quản lý đường bộ III, chính quyền địa phương và các bên liên quan xử lý 13 điểm đen, 4 điểm tiềm ẩn trên các tuyến quốc lộ do Cục Quản lý đường bộ III quản lý; 1 điểm đen và 10 điểm tiềm ẩn trên hệ thống đường địa phương quản lý.

Để giao thông là động lực phát triển

Cùng với những chuyển biến căn bản, công tác phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, số lượng và chất lượng bến xe khách, bãi đỗ xe trong đô thị, khu đông dân cư, điểm dừng xe trên quốc lộ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông. Tổ chức giao thông tại các điểm đấu nối từ đường nhánh vào đường chính có nơi chưa bảo đảm an toàn. Một số điểm đen, điểm nguy hiểm về an toàn giao thông chậm khắc phục.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, giao thông hỗn hợp, ít có đường đôi phân làn cho các loại phương tiện, chưa đáp ứng yêu cầu của mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng lên qua mỗi năm.

Tỉnh cần chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn. Ảnh: P.V

Tỉnh cần chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn. Ảnh: P.V

Để hạ tầng giao thông phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian đến, cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông theo đúng quy hoạch. Chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là trong mùa mưa lũ; thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và tổ chức cưỡng chế đối với hành vi cố ý vi phạm về hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Thành phố Pleiku được xác định là trung tâm thương mại, cửa ngõ của vùng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư kết nối giao thông giữa Pleiku với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia và giữa Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum). Tập trung nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và những địa bàn khó khăn.

Ngoài việc đề xuất đầu tư cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, phấn đấu hoàn thành trước năm 2030, tỉnh cần phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên (Đà Nẵng-Kon Tum-Gia Lai-Đak Lak-Bình Phước dài 550 km, khổ đường 1.435 mm, đường đơn, giai đoạn sau năm 2030; tuyến đường sắt kết nối Phú Yên với TP. Pleiku; đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và Ea H’leo (tỉnh Đak Lak) để thúc đẩy phát triển, liên kết khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ còn lại đảm bảo đạt cấp IV trở lên theo quy hoạch của giai đoạn tiếp theo. Đầu tư mới 75 km đường liên huyện đạt cấp IV miền núi trở lên gồm: tuyến Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, tuyến Pleiku-Đak Đoa-Chư Sê và tuyến Pleiku-Đak Đoa.

Về hạ tầng kết nối của đô thị vùng động lực, cần đầu tư trên 50 km tuyến vành đai, tuyến tránh gồm: đường tránh phía Bắc thị xã An Khê, vành đai 1 thị xã Ayun Pa, đường hành lang kinh tế phía Đông TP. Pleiku, tuyến tránh Tây-Nam TP. Pleiku gắn quy hoạch khu đô thị, hạ tầng logistic để kêu gọi đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất