Việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực được xem là bước chuẩn bị cơ bản để du lịch Nghệ An có thể đón du khách trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Biển Cửa Lò, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Từ ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển bảo đảm an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.
Tỉnh Nghệ An phấn đấu trong năm 2022 đón và phục vụ 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 91% so với năm 2021, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế, tăng 107% so với thực hiện năm 2021.
Để triển khai tốt các chương trình, hoạt động phục hồi du lịch, những vấn đề về nhân lực, đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách đã, đang được các ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An gấp rút triển khai.
Gần 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực du lịch, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nguồn nhân lực cũng sụt giảm nghiêm trọng. Vấn đề nhân lực du lịch hậu COVID-19 đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đang được các địa phương, doanh nghiệp và ngành du lịch Nghệ An đặc biệt quan tâm.
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Chuẩn bị cho khai trương mùa du lịch biển Cửa Lò vào ngày 9/4 tới đây, Khách sạn Mường Thanh Cửa Lò đang gấp rút tuyển bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt.
Là đơn vị kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn 4 sao, trước đây khách sạn này có khoảng 150 nhân sự, nhưng đến nay số nhân viên đã giảm đi 30% do nghỉ việc hoặc chuyển nghề.
Mặc dù thời điểm này số khách đã bắt đầu tăng trở lại, nhưng đơn vị lại gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung nguồn nhân lực, bởi những người trước kia đã làm lĩnh vực này không quay trở lại. Trước thực tế đó, đơn vị thực hiện phương án vừa tuyển mới vừa đào tạo theo tình hình thực tế.
Ông Võ Huy Tuấn - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Cửa Lò cho biết hiện khách sạn đang thiếu hụt nhân sự, một số nhân viên đã chuyển sang ngành nghề khác, không muốn quay lại vì yếu tố bấp bênh vẫn còn. Do đó, khách sạn cũng tính đến phương án tuyển mới sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc sắp ra trường để đào tạo, tuy nhiên hiện nay số lượng hồ sơ tiếp nhận được cũng rất hạn chế.
Cùng với các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cũng bị ảnh hưởng lớn. Để có thể khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp du lịch đã sớm chủ động sắp xếp lại bộ máy, cố gắng giữ lại nhân sự cốt cán để không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đào tạo lại.
Theo Giám đốc Công ty Du lịch Đông Dương Travel Nguyễn Huỳnh Sương, thực tế không chỉ những đơn vị lữ hành vừa và nhỏ cắt giảm nhân sự, mà cả những đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn tỉnh cũng chỉ giữ lại bộ máy quản lý. Khi hoạt động du lịch dần khôi phục trở lại, nếu như không thu hút được lao động cũ, buộc các doanh nghiệp phải tuyển dụng mới.
Do đó, việc du lịch từng bước mở cửa cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành có thời gian tuyển dụng và đào tạo lại bằng việc liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh lữ hành, văn hóa du lịch.
Sau khi được phép mở cửa đón khách du lịch trở lại, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm trên địa bàn các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đón được khá nhiều du khách đến tham quan, lưu trú.
Đây là tín hiệu tích cực, song việc đón tiếp, phục vụ khách du lịch cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Bởi, thời gian đóng cửa kéo dài, trong khi nhân lực phục vụ chủ yếu là người địa phương, không được đào tạo bài bản nên lúng túng khi bắt nhịp trở lại.
Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho rằng qua trải nghiệm tour caravan "Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An," ông nhận thấy nhân lực tại một số cơ sở dịch vụ du lịch cộng đồng còn yếu các kỹ năng cơ bản, đặc biệt là việc nắm vững các quy định trong đón tiếp và phục vụ khách; thiếu các kỹ năng "mềm" trong việc xử lý tình huống... Vì vậy, các điểm du lịch cần tổ chức các lớp tập huấn tại chỗ cho những người tham gia dịch vụ du lịch, các kỹ năng phục vụ khách và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đây là việc làm cấp thiết tại thời điểm này.
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch ở Nghệ An hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, hao hụt đến 50%. Đến nay, mặc dù du lịch đã mở cửa trở lại nhưng nhiều đơn vị vẫn không thể bổ sung được nguồn nhân sự.
Lý do là nhiều người vẫn còn e dè quay lại làm việc khi dịch chưa ổn định, nhiều người đã tìm kiếm được công việc khác. Trong khi đó nguồn đào tạo bổ sung lại thiếu kiến thức thực tế khi chủ yếu học online nên rất khó đảm bảo về chất lượng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch mới, đầu tư cơ sở vật chất, việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch cần được chú trọng.
Tháo gỡ khó khăn
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Nghệ An, nguồn nhân lực du lịch Nghệ An vẫn còn thấp, chưa đồng đều, chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành về cả số lượng và chất lượng.
Khách du lịch lưu lại những khoảnh khắc đẹp với hoa sen quê Bác. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Về số lượng, các cơ sở đào tạo của tỉnh mới đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu. Về chất lượng, còn thiếu lao động lành nghề, một bộ phận lao động chưa qua đào tạo nhưng lại có kinh nghiệm và thạo việc. Trong khi việc tuyển dụng các sinh viên mới ra trường nhưng còn yếu về ngoại ngữ và thiếu những kiến thức chuyên môn, chưa cập nhật kịp thời những kiến thức, hiểu biết về kinh tế-xã hội, văn hóa, lịch sử chưa đáp ứng ngay được nhu cầu, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại.
Việc chưa đảm bảo về chất lượng đào tạo đã gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ du lịch và khả năng cạnh tranh nguồn lao động.
Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, bên cạnh sự đồng hành, định hướng của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng sản phẩm gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được các doanh nghiệp chủ động hơn nữa, trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn.
Đây được xem là bước chuẩn bị cơ bản để du lịch Nghệ An có thể đón khách nội địa trở lại trong trạng thái tốt nhất.
"Việc mở các lớp đào tạo ngắn hạn sẽ củng cố lại kiến thức, kỹ năng cũng như bổ sung các nội dung của hoạt động du lịch trong tình hình mới. Nghệ An cần có chính sách hỗ trợ trong việc tăng cường các hoạt động đào tạo cho các địa phương, khu, điểm du lịch. Đồng thời, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong công tác đào tạo tại chỗ, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số 4.0 đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh hậu COVID-19", ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An nêu.
Về giải pháp trước mắt theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, để bảo đảm doanh nghiệp dịch vụ có đủ năng lực đón tiếp và phục vụ khách trong tình hình mới, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An lên kế hoạch phối hợp với các chuyên gia, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại cho hàng nghìn lao động. Đây là sự hỗ trợ rất cần thiết để các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẵn sàng đón khách trở lại.
Là ngành dịch vụ tổng hợp nên chất lượng nhân lực có vai trò lớn đến chất lượng sản phẩm du lịch, do đó, việc đào tạo nhân lực là một khâu quan trọng. Đáp ứng nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn mở cửa trở lại, trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành để đáp ứng nhu cầu sau khi mở cửa, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động rà soát, tuyển dụng và bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường.
"Về dài hạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực bảo đảm đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch" - ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định.
Theo Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)