Để có một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 70 triệu lượt khách, trong đó có 5,6 triệu lượt khách quốc tế và gần 64 triệu lượt nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 343.100 tỉ đồng, tăng 1,45% so cùng kì 2019 là 338.200 tỉ đồng.

Những thông tin này cho thấy, ngành du lịch phục hồi rất mạnh mẽ, thậm chí tổng thu còn vượt năm 2019, là thời điểm du lịch làm ăn phát đạt trước dịch COVID-19. Ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực rất gay gắt, vượt lên được một nước đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Những nỗ lực đó đến từ các cơ quan thiết kế chính sách và từ sự sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp làm du lịch.

Vừa qua, Việt Nam đã thay đổi chính sách về visa và thời gian lưu trú của khách quốc tế, kéo dài từ 30 lên 90 ngày, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày. Đây là một chính sách phù hợp và kịp thời để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách nước ngoài.

Về phía các địa phương, đã xuất hiện những sản phẩm du lịch độc đáo, các sự kiện đầy sự sáng tạo để giới thiệu, quảng bá du lịch.

Điển hình như Đà Nẵng, tiếp nối Lễ hội pháo hoa quốc tế 2023, địa phương công bố Lễ hội tận hưởng mùa hè 2023 - “Wow Đà Nẵng” với nhiều hoạt động mới lạ và ấn tượng.

Mới đây, Khánh Hòa tổ chức sự kiện Festival biển 2023 với hơn 60 hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật nhằm quảng bá du lịch. Độc đáo nhất là phần trình diễn ánh sáng kết hợp 1.653 drone (phương tiện bay không người lái) trong đêm khai mạc, giúp du khách hiểu hơn về Nha Trang - Khánh Hòa qua ngôn ngữ ánh sáng.

Tháng 6 vừa qua, Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và khách quốc tế.

Mỗi địa phương đều có sáng kiến, sáng tạo, tổ chức được nhiều sự kiện, đưa ra được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thì mới có được sự bừng sáng một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Nhưng phong cảnh đẹp, sản phẩm du lịch tuyệt vời mới chỉ một nửa công việc để thu hút du khách, phần còn lại là môi trường ít ô nhiễm, sạch sẽ không rác, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, không chặt chém du khách. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực quản lí của lãnh đạo các địa phương.

Những vụ giật ví, máy ảnh, điện thoại của du khách hoặc bắt chẹt giá taxi, xích lô chính là “giết” ngành du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

null