Đẩy lùi hủ tục ở buôn làng - Kỳ 3: Xa dần những câu chuyện buồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ hiện diện trong tang ma và một số sự kiện lớn của cộng đồng, nhiều hủ tục, vấn nạn còn phát sinh từ thực tế cuộc sống thường ngày, gây ra nỗi đau cho không ít gia đình, đáng chú ý là “ma lai”, “thuốc thư” và nạn tự tử. Cùng với sự vào cuộc vận động của các ngành, đoàn thể, những câu chuyện buồn dần được đẩy lùi, mang lại sự an toàn và bình yên cho buôn làng.
Giải oan “ma lai”, “thuốc thư”
Theo một khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ năm 2005 đến 2017, tại 13/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xảy ra 138 vụ gây rối liên quan đến “ma lai”, “thuốc thư”, làm 15 người chết. Quan niệm lạc hậu, mê tín đã khiến nhiều người bị cộng đồng tình nghi là “ma lai”, có “thuốc thư” lâm vào cảnh khốn đốn, bất hạnh, thậm chí phải trả giá một cách vô lý bằng chính mạng sống của mình.
Một ngày đầu tháng 10-2021, chúng tôi ghé huyện Chư Sê, một trong những vùng từng là “trọng điểm” của hủ tục này hàng chục năm về trước. Tàn dư của nó đến giờ vẫn còn rải rác trên địa bàn, trong đó có xã Bờ Ngoong. Tuy đã nghỉ hưu vài năm nhưng ông Đinh Men-nguyên Chánh Văn phòng UBND xã Bờ Ngoong, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bar Măih-vẫn trăn trở về hủ tục gây bao hoang mang trong cộng đồng. Ông Men nhớ lại: “Ma lai”, “thuốc thư” tồn tại dai dẳng từ chính những đồn đoán vô căn cứ. Thậm chí, có người từng khẳng định, trong một đêm tối trời, họ từng nhìn thấy một người cùng làng bị nghi là “ma lai” nằm ngủ nhưng chỉ có… thân mình, còn cái đầu đã bay đi bắt hồn người khác. Một số người thì bị nghi chế “thuốc thư” để bí mật hại những ai có mối hiềm khích khiến họ ngộ độc hoặc đau bệnh mà chết do bị “thư” miểng chai, kim, đinh, sỏi… vào bụng. Những người này nhẹ thì bị dân làng xa lánh, nặng thì bị đánh đập, dọa giết, dẫn đến nhiều cái chết oan uổng. “Đến giờ, hủ tục “ma lai” gần như đã được xóa bỏ, riêng “thuốc thư” vẫn còn một vài vụ. Theo tôi, cần tuyên truyền, xóa bỏ vì nó gây mất trật tự buôn làng, làm chia rẽ dòng họ, bà con, làng xóm”-ông Men đề xuất. 
Tàn dư mà ông Men nhắc đến chính là vụ việc khiến chính quyền xã Bờ Ngoong “đau đầu” giải quyết suốt 2 năm qua với tổng cộng 14 lần hòa giải! Bà Rlan H’Lang-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-kể lại: Câu chuyện có phần ly kỳ này bắt đầu từ ngày ông Đinh Breo (làng Puih Jri) tự ý cắm cọc phân chia ranh giới ruộng lúa của gia đình mình với hộ ông Đinh Bê (cùng làng) mà không có sự thống nhất trước đó, khiến đôi bên mâu thuẫn. Đến ngày 3-4-2019, vợ ông Bê là bà Đinh H’Ngloch bỗng dưng bị đau bụng nên gia đình ông này tin rằng ông Breo đã dùng “thuốc thư” hại người. Họ kéo sang nhà ông Breo chửi bới, đe dọa, yêu cầu giải “thuốc thư” nếu không muốn bị đuổi ra khỏi làng. Nắm bắt thông tin trên, tổ công tác của xã Bờ Ngoong và Công an huyện đã kịp thời can thiệp, mặt khác vận động đưa bà Đinh H’Ngloch đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà H’Ngloch bị viêm dạ dày. 
Theo ông Đinh Men, cần tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục thuốc thư vì đây là yếu tố gây mất trật tự thôn làng, làm chia rẽ dòng họ, bà con, làng xóm. Ảnh: Phương Duyên
Theo ông Đinh Men, cần tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục thuốc thư vì đây là yếu tố gây mất trật tự thôn làng, làm chia rẽ dòng họ, bà con, làng xóm. Ảnh: Phương Duyên
Những tưởng mọi việc sẽ dừng lại ở đó. Nhưng quan niệm cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, dễ gì xóa bỏ một sớm một chiều. Nhiều chuyện ngẫu nhiên sau đó lại liên tiếp xảy ra, đẩy gia đình ông Breo vào đường cùng. Đầu tiên là việc ông Breo bày tỏ thiện ý ngả 2 con heo, 2 con gà, chịu phạt 5 triệu đồng cho gia đình ông Bê để hòa giải. Khi mâm cỗ đã sẵn sàng, ông Breo đưa trước cho ông Bê 1 triệu đồng để mua rượu. Vừa ra đến cửa hàng tạp hóa thì ông Bê ngã ra ngất xỉu khiến ai nấy thất kinh. Rồi lại đến chuyện bà H’Ngloch qua đời vì ung thư dạ dày. “Không phải do Breo thì do ai?”-nghi vấn “thuốc thư” lại dấy lên và đổ dồn vào ông Breo. Ông và vợ con liên tục bị vây đánh, dọa giết, đi đâu cũng chạm phải những ánh nhìn lo sợ và hằn học. Có lần, họ kinh hoảng khi thấy một cái đầu chó ném lăn lóc trước nhà như một cảnh báo. Bị “khủng bố” đến cùng cực, họ phải chuyển sang làng Dnâu, cách làng cũ 2 km dựng nhà ở tạm. Ở tuổi 63, ông Breo phải bỏ làng mà đi trong nỗi đớn đau, tủi hổ. Với người Bahnar, đây là cái “án” nặng nề nhất đời người.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Breo ở làng mới để tìm hiểu cặn kẽ sự tình. Ngôi nhà sàn cô lẻ trong nắng chiều nhợt nhạt. “Buồn lắm, vợ mình khóc miết. Muốn về làng cũ mà người ta không chấp nhận thì về sao được”-gương mặt hiền lành quá đỗi của ông Breo chùng xuống một nỗi buồn mênh mông. Dù ông đã bỏ làng đi nhưng khi thành viên nào trong gia đình ông Bê có vấn đề về sức khỏe thì họ lại mang dao rựa, gậy gộc đến tìm đánh cả nhà. 
Ngôi nhà sàn cô lẻ của gia đình ông Đinh Breo ở làng mới. Ảnh: Phương Duyên
Ngôi nhà sàn cô lẻ của gia đình ông Đinh Breo ở làng mới. Ảnh: Phương Duyên
Xác định đây là vụ việc hết sức phức tạp, huyện, xã cùng vào cuộc nỗ lực cuộc vận động, hòa giải. Kết quả, ngày 18-8-2021, với sự chứng kiến của cán bộ xã và dân làng, ông Breo huy động người thân trong dòng họ tháo cọc, đào mương nước làm ranh giới giữa 2 thửa ruộng và cam kết không lặp lại sai lầm trước đây; gia đình ông Bê cũng đồng tình với yêu cầu sống đoàn kết. Từng tham gia xử lý vụ việc, Trung tá Phan Thanh Hải-Phó Trưởng phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) cho rằng: “Để xóa bỏ hủ tục này, điều quan trọng nhất là công tác nắm bắt tình hình tại cơ sở, mâu thuẫn càng sớm được phát hiện thì hóa giải càng nhanh. Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp, trực diện, việc sử dụng khoa học để chứng minh hay vận động người bị ốm đau, bệnh tật đến cơ sở y tế khám-chữa bệnh cũng là cách bài trừ hiệu quả”.
Gian nan giành giật sự sống
Nếu hủ tục ma lai, thuốc thư phát sinh từ mảng tối tâm linh thì vấn nạn tự tử rộ lên trong vùng dân tộc thiểu số là bởi sự tự ti và tính cách khép kín, ít chia sẻ. Từ những bế tắc do bệnh tật, nghèo đói, tăm tối lạc hậu hay mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống hàng ngày, khi có thêm “chất xúc tác” là rượu, một số người đã tìm đến cái chết bằng những phương thức kịch độc, sẵn có như lá ngón, thuốc diệt cỏ... Tại 2 địa phương có số người tự tử cao nhất tỉnh là Kông Chro và Kbang, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vấn nạn này đang từng bước được đẩy lùi.
Một trong những phương thức mấu chốt, hiệu quả được các tuyên truyền viên cơ sở “nằm lòng” là phải nắm bắt nhanh nhạy những sự vụ, mâu thuẫn ở các thôn làng để can thiệp kịp thời. Chị Đinh Thị Đới-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kon Lanh (xã Đak Rong, huyện Kbang) kể lại: Cách đây 2 tháng, nhờ theo dõi sát diễn biến tâm lý của một phụ nữ trong làng, chị đã cứu người này khỏi tay tử thần. Chuyện là, chiều ấy, thấy chồng là anh Đinh Nheo đi nhậu về trễ, chị Đinh Thị Hiêu lên tiếng cằn nhằn. Anh Nheo bực mình bèn lấy xe máy định đi tiếp, chị Hiêu không kiềm được cơn giận nên đòi… đốt xe. Bà cô chồng gần đó nghe ồn ào liền chạy sang ngăn cản: “Xe của thằng Nheo chứ có phải của mày đâu mà đòi đốt?”. Sự việc tạm lắng xuống cho đến khi vợ chồng họ sang nhà chú chị Hiêu ăn sinh nhật. Tại đây, khi cô chồng nhắc lại chuyện không vui hôm nọ, chị Hiêu ngồi tấm tức khóc. Cũng là khách mời tại buổi tiệc, chị Đới rất tinh ý trước những biểu hiện này. Thấy chị Hiêu bỏ về giữa chừng sau khi uống mấy cang rượu ghè, chị Đới lập tức chạy theo. Thì ra, chị Hiêu không về nhà mà nhằm hướng bìa rừng bươn bả. Một mình không kéo nổi người phụ nữ đang trong cơn kích động, chị Đới phải hô to nhờ 2 người gặp trên đường giúp sức, trấn an tâm lý chị Hiêu rồi đưa về nhà. Hôm ấy, không có chị Đới quyết liệt can ngăn thì chị Hiêu đã tìm lá ngón để tự kết liễu đời mình.
Kể đến đây, chị Đới trầm giọng: Cứu được người khác nhưng chị không cứu được em dâu mình. Đầu năm 2021, vì buồn cảnh gia đình nghèo khó, chồng lại đau yếu, bệnh tật, em dâu chị là Đinh Thị Reo (làng Kon Lanh) trong một phút nông nổi đã tự tử, bỏ lại 2 đứa con thơ dại và món nợ 40 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội để sửa nhà, trồng cà phê.
Ông Đinh Nao (bìa phải)-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong (huyện Kbang) đến động viên gia đình anh Đinh Văn Dũng (làng Kon Lanh) vượt qua khó khăn trước mắt sau khi vợ tự tử. Ảnh: Phương Duyên
Ông Đinh Nao (bìa phải)-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong (huyện Kbang) đến động viên gia đình anh Đinh Văn Dũng (làng Kon Lanh) vượt qua khó khăn trước mắt sau khi vợ tự tử. Ảnh: Phương Duyên
Giữa trưa, chúng tôi ghé thăm anh Đinh Văn Dũng, em trai chị Đới. Bệnh gan khiến người đàn ông mới 29 tuổi hom hem, vàng vọt, thêm bệnh tiểu đường biến chứng sang mắt. Qua vài lời chuyện trò, anh buông một câu khiến ai cũng bùi ngùi: “Chán lắm! Nếu không nghĩ đến con thì mình đã theo vợ luôn rồi”. 2 đứa trẻ-đứa lớp 2, đứa mẫu giáo-ngơ ngác ngồi bên cha, giương mắt nhìn khách lạ. Chúng sẽ ra sao nếu một ngày nào đó thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ? Đi cùng chúng tôi, ông Đinh Nao-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong-cho hay, sau khi chị Reo mất, dân làng cùng nhau góp gạo giúp anh Dũng nuôi con, chính quyền xã cũng vận động để hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt. Về khoản nợ của gia đình, xã bàn với phía ngân hàng giải pháp khoanh nợ, giãn nợ. “Đừng có ý nghĩ dại dột, tội 2 đứa nhỏ”-ông Nao ân cần dặn dò anh Dũng trước khi rời đi. 
Nói về những cách thức hiệu quả để từng bước đẩy lùi vấn nạn tự tử, ông Nao cho biết tới đây, xã sẽ thành lập đội phản ứng nhanh với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để không bỏ sót các vụ việc, mâu thuẫn tại thôn làng nhằm hòa giải kịp thời; vận động bà con nâng cao trách nhiệm với gia đình, con cái, không uống rượu nhiều, nhận thức rõ hệ lụy của nạn tự tử, biết quý trọng cuộc sống bản thân. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục lồng ghép công tác tuyên truyền về vấn nạn tự tử với các cuộc vận động, phong trào, như: “Dân vận khéo”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”…; thực hiện các quy chế, hương ước, quy ước, cam kết không để xảy ra nạn tự tử tại thôn làng. Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng được xã xem là giải pháp căn cơ, lâu dài”.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ dân vận cấp xã, sự đôn đốc sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, những năm gần đây, số vụ tự tử trên địa bàn huyện Kbang giảm dần: từ 52 vụ năm 2019 xuống còn 31 vụ năm 2020; riêng 9 tháng năm 2021 là 20 vụ. Tuy số vụ chưa giảm nhiều như mong đợi song vẫn là tín hiệu đáng mừng, khẳng định hiệu quả thấy rõ của công tác dân vận.
NHÓM PHÓNG VIÊN
------------------------------
Kỳ cuối: Gạn đục khơi trong

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.