(GLO)- Để phòng-chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh tạm nghỉ học đến hết tháng 2-2020. Trước tình hình đó, một số trường đã chủ động lên phương án giúp học sinh tự ôn tập, củng cố và hệ thống hóa kiến thức tại nhà nhằm đảm bảo thời gian, chương trình học tập.
Nhân viên VNPT Gia Lai hướng dẫn giáo viên Trường APC Gia Lai thao tác trên hệ thống E-Learning. Ảnh: H.T |
Ngày 19-2, hơn 80 giáo viên (cơ hữu lẫn thỉnh giảng) của Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai (APC Gia Lai) đã cùng có mặt tại trường tham gia tập huấn về hệ thống học tập và giảng dạy trực tuyến VNPT E-Learning. Chương trình do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sáng lập và hỗ trợ miễn phí cho tất cả các cơ sở giáo dục từ nay đến hết năm học 2019-2020. Tại lớp tập huấn, cán bộ, giáo viên được hướng dẫn về cách truy cập vào trang đào tạo trực tuyến VNPT; đăng nhập hệ thống; lựa chọn khóa học tham gia ôn luyện; thiết lập giáo án điện tử; cách tương tác với học sinh bằng hình thức livestream, chat room; cách theo dõi quá trình học, điểm danh và kiểm tra trực tuyến học sinh… Với việc xây dựng khoa học, đầy đủ nội dung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các cấp, VNPT E-Learning được xem là lớp học 4.0 sinh động, mang lại lợi ích cho cả học sinh và giáo viên.
Bà Lê Thị Hồng Linh-Phó hiệu trưởng Trường APC Gia Lai-cho biết: Từ ngày 20-12, nhà trường bắt đầu triển khai các lớp học trực tuyến thông qua hệ thống VNPT E-Learning. Ứng dụng này khá hay và thuận tiện, đặc biệt là trong thời điểm này bởi sẽ giúp thầy trò học từ xa, vừa đảm bảo chương trình học cho học sinh, vừa hạn chế các hoạt động học tập trung, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể theo dõi quá trình học để nhắc nhở và giám sát việc học tập của con em mình. Chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên thiết kế bài học sinh động, tránh gây nhàm chán cho học sinh khi phải ngồi lâu trên máy. Riêng học sinh tiểu học, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi clip hoặc bài tập cho phụ huynh để hỗ trợ, làm cầu nối tương tác giữa thầy cô và các em. Trước mắt, nhà trường dự kiến sẽ tổ chức dạy và học theo thời khóa biểu với 6 tiết học/ngày (3 tiết/buổi).
Mặc dù đang được tạm nghỉ học nhưng khi được nhà trường thông báo triển khai học trực tuyến, hầu hết học sinh trong trường đều khá phấn khởi, nhất là học sinh khối 12. “Em thấy ứng dụng này cũng dễ tiếp cận, chỉ cần đăng nhập vào hệ thống thì sẽ biết được ngay môn nào đang học. So với việc tự ôn luyện thì học trực tuyến hữu ích hơn rất nhiều. Bởi lẽ, thầy cô nắm được học lực từng bạn, từng lớp nên sẽ có bài giảng phù hợp. Thêm vào đó, tụi em còn được tương tác trực tiếp với thầy cô qua hình thức chat room hoặc livestream. Vì không còn nhiều thời gian để ôn luyện cho kỳ thi quan trọng cuối cấp, do vậy, em rất vui mừng khi nhà trường tổ chức học trực tuyến thế này”-em Nguyễn Thị Hoài My (lớp 12A, Trường APC Gia Lai) chia sẻ.
APC Gia Lai là cơ sở giáo dục đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai dạy và học trực tuyến bằng hệ thống VNPT E-Learning. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về hướng dẫn ôn luyện cho học sinh tại nhà trong thời gian tạm nghỉ học để phòng-chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai đã đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai miễn phí hệ thống VNPT E-Learning cho các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời chủ động kết nối, giới thiệu ứng dụng tới 3 trường học ở TP. Pleiku gồm: APC Gia Lai, THPT Chi Lăng và Liên cấp Mầm non Phổ thông Sao Việt.
Ông Lê Thanh Nguyên-Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai-thông tin: “VNPT E-Learning kết nối liên thông với hệ thống quản lý nhà trường vnEdu nên rất thuận tiện và dễ dàng đồng bộ dữ liệu giáo viên, học sinh, phân công giảng dạy... Người dạy và người học chỉ cần có thiết bị kết nối internet như: máy tính, ipad, điện thoại là có thể sử dụng được hệ thống và tiến hành học tập mọi lúc mọi nơi. Ngoài 3 đơn vị trường học nói trên, đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận yêu cầu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê và Ayun Pa về việc áp dụng hệ thống dạy và học trực tuyến cho các trường học ở địa phương. VNPT Gia Lai cũng đã bố trí 30 kỹ sư công nghệ thông tin sẵn sàng hướng dẫn, triển khai cho các trường trên toàn tỉnh trong thời gian tới”.
Học tập trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng vấn đề đặt ra là không phải tất cả các đơn vị trường học và học sinh đều có đủ điều kiện để tiếp cận, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, không ít trường đành phải “tùy cơ ứng biến” theo tình hình thực tế. Cô Lê Thị Thu Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây (thị trấn Phú Thiện) bày tỏ: “Học sinh dân tộc thiểu số của trường chiếm đến 70% nên giáo viên hầu hết phải tới tận nhà hoặc liên lạc điện thoại để gặp phụ huynh, phối hợp nhắc nhở công tác phòng dịch cho các em và giúp các em ôn tập kiến thức. Chúng tôi còn kiểm tra phiếu giao bài tập, thường xuyên vận động để tránh tình trạng học sinh nghỉ học mùa dịch rồi dẫn đến bỏ học. Việc này cũng sẽ giúp củng cố kiến thức để các em quay trở lại trường ổn định hơn”.
MỘC TRÀ-NGỌC THU