Dạy con yêu đất nước mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Ở thời chúng tôi, 5 điều Bác Hồ dạy là bài học đầu đời của tuổi mẫu giáo. Vì vậy, hầu như chúng tôi đều thuộc làu làu cho đến giờ. Tôi cứ nghĩ, bất cứ đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng 5 điều Bác Hồ dạy như thế. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Đưa con đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương là một cách giáo dục truyền thống. Ảnh: T.N.Đ
Đưa con đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương là một cách giáo dục truyền thống. Ảnh: T.N.Đ
Là giảng viên nên tôi có cơ hội kiểm chứng. Một hôm, giảng bài cho sinh viên về những đức tính mà thanh niên Việt Nam phải có, tôi nhắc đến 5 điều cao quý đó. Cả lớp sinh viên cao đẳng, 48 em, không em nào nhớ, thậm chí có em không biết. Tôi hụt hẫng vô cùng. Với tôi, tuy đó là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi nhưng nó có giá trị xuyên suốt với cuộc đời mỗi người. Bởi lẽ, ai mà không cần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai mà không cần khiêm tốn, thật thà, dũng cảm như lời Bác dạy? Từ đó, trong mỗi bài kiểm tra đầu khóa, tôi luôn kiểm tra 5 cái gạch đầu dòng đó đối với sinh viên. Ý thức yêu đất nước, yêu đồng bào phải được ngấm vào máu thịt, từ đó tư duy mình cần làm gì để thể hiện tình yêu với Tổ quốc, đồng bào.
2. Trong rất nhiều hoạt động nhằm giúp con có những trải nghiệm bổ ích giữa những ngày nghỉ học do dịch Covid-19, cô bạn tôi đưa con đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, nơi cách nhà bạn ấy không xa. Nhìn bức ảnh bạn gửi mà lòng tôi không nén nổi niềm xúc động. Trong ảnh, đứa trẻ 4 tuổi đang nghiêm trang thắp nén nhang lên mộ các liệt sĩ. Khi nghe bạn tôi giảng giải về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, rằng đó là những anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, cậu con trai đã vượt qua nỗi sợ khi đến nghĩa trang. Còn rất nhỏ nhưng có lẽ cậu bé đã hiểu phần nào lời dạy của mẹ: Được lớn lên trong thời bình, có thành quả như ngày hôm nay, các con phải nhớ ơn những người đã nằm xuống mà sống cho xứng đáng!
3. Khoe màn hình chụp tin nhắn ủng hộ quỹ phòng-chống dịch Covid-19 của Chính phủ trên Facebook, một cô bạn khác của tôi đã tự hào nói rằng: “Trách nhiệm của công dân là phải chung tay với Chính phủ chống dịch, bởi vì đơn giản là đất nước an toàn thì mình sẽ an toàn. Nhìn bao nhiêu nước trên thế giới vỡ trận với Covid-19 mà mình không ngừng lo lắng. Qua việc làm nhỏ bé này, mình muốn dạy con tinh thần yêu nước, trách nhiệm chung với cộng đồng xã hội”. Nghe bạn nói, tôi cũng lập tức làm theo, đồng thời không quên kể với con mình chuyện đó. Cậu chàng gật gù tỏ vẻ đồng tình; khi xem chương trình thời sự công bố số tiền ủng hộ, con nói: “Mẹ cũng ủng hộ đó bố, mẹ giỏi ghê!”.
4. Tôi có thói quen trò chuyện với con vì tôi tin con sẽ hiểu. Nhiều người vẫn nghĩ, trẻ con biết gì mà dạy. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh lứa tuổi mà trẻ hấp thụ kiến thức tốt nhất chính là giai đoạn trước 6 tuổi. Thời điểm này, cha mẹ nên gần gũi, hướng dẫn, cung cấp cho con thật nhiều thông tin vì con rất dễ ghi nhớ và khi cần sẽ áp dụng hiệu quả. Tôi chọn phương cách dạy con đi từ lời nói đến hành động, giúp con hiểu biết nhiều hơn về xã hội bên ngoài. Và tôi chú tâm dạy con tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào từ những điều rất nhỏ như trên. Bởi lẽ, con người sống ở đâu cũng cần có nguồn cội, quê hương. Người ta chỉ biết yêu khi người ta hiểu, thấm nhuần rồi chia sẻ, nhất là khi Tổ quốc đang trong giai đoạn khó khăn, cần mọi người phát huy tinh thần đoàn kết như trong thời điểm hiện nay.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.