Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện: Hiệu quả từ truyền thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh đã tổ chức nhiều buổi truyền thông hiệu quả nhằm thay đổi quan niệm về nuôi dạy trẻ của phụ huynh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
​Đã thành thói quen, ngày 25 hàng tháng, chị em phụ nữ xã Sơn Lang (huyện Kbang) lại mong chờ được “học cách chăm sóc bà mẹ, trẻ em”. Hỏi ra chúng tôi được biết, đó là buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ (CLB) Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Sơn Lang. Trong các buổi sinh hoạt, chị em được học cách chăm sóc thai nghén, chăm sóc trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Là một trong những thành viên tích cực của CLB, chị Đinh Thị Phương (làng Hà Nừng) chia sẻ: “Mình mang thai tháng thứ 6. Đây là lần thứ 12 mình tham gia sinh hoạt CLB. Nhờ vậy mà mình biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và nuôi dạy con tốt hơn khi bé chào đời”.
 Thành viên Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh phối hợp tuyên truyền về cách phòng dịch bệnh cho các bà mẹ làng Hàng Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: Đ.Y
Thành viên Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh phối hợp tuyên truyền về cách phòng dịch bệnh cho các bà mẹ làng Hàng Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh: Đ.Y
Bác sĩ Lý Thị Thu Hiền-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Lang-cho biết: “CLB thành lập từ cuối năm 2018, đến nay đã tổ chức được 15 buổi truyền thông ở 9 thôn, làng. Tất cả các gia đình có con nhỏ đều được truyền thông những kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc, dạy dỗ, rèn luyện kỹ năng cho con. Sự tham gia ngày càng tích cực của các gia đình khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của những buổi sinh hoạt”. 
Mang cả 2 con đến sinh hoạt CLB tại nhà rông vào buổi tối, chị Đinh Thị Quân (làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện Kbang) cho hay: “Tham gia sinh hoạt CLB vui lắm, lại bổ ích nữa. Hôm thì có tiểu phẩm, hôm thì đố vui có thưởng. Hôm nay, sau khi thành viên CLB truyền thông về quyền của trẻ em và bổn phận của cha mẹ với con cái, mình ngẫm lại mới thấy phương pháp nuôi dạy con trước đây chưa đúng, dẫn đến con bị suy dinh dưỡng, hay ốm đau, thiếu kỹ năng. Được hướng dẫn cách nuôi dạy con khỏe mạnh, phát triển toàn diện, từ nay mình sẽ thường xuyên áp dụng”.
Các ông bố, bà mẹ đang thảo luận nhóm tại buổi truyền thông ở làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: Đ.Y
Các ông bố, bà mẹ đang thảo luận nhóm tại buổi truyền thông ở làng Tăng, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: Đ.Y
Chị Trần Thị Bưởi-thành viên CLB Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku-cho biết: Mỗi tháng, CLB tổ chức truyền thông tại một làng khác nhau, chủ yếu vào lúc sáng sớm hoặc chập tối. Tùy theo chủ đề, mỗi buổi sinh hoạt CLB sẽ mời khoảng 20 người tham gia như: phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh, thậm chí có cả các ông bố đến cùng chia sẻ việc chăm sóc vợ khi mang thai, sau sinh, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Trước mỗi buổi sinh hoạt, thành viên các CLB phải chuẩn bị đầy đủ nội dung, đạo cụ, tranh ảnh… làm phương tiện truyền tải thông tin hiệu quả.
Ông Phan Thanh Hội-cán bộ Ban Quản lý Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh có 9 xã thuộc 3 huyện Kbang, Krông Pa và Mang Yang được dự án hỗ trợ thực hiện các chương trình truyền thông nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện. Dự án được triển khai từ năm 2017 và kết thúc vào năm 2021. Trong 2 năm 2017-2019, 9 CLB đã tổ chức được gần 600 buổi thảo luận nhóm về các chủ đề: y tế, dinh dưỡng, giáo dục trẻ sớm, bảo vệ trẻ em, giúp trẻ phát triển kỹ năng sinh tồn; chăm sóc bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, chăm sóc bà mẹ sau sinh; nuôi dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời; làm cha mẹ không ai hoàn hảo; phòng-chống dịch bệnh… với trên 3.500 lượt ông bố, bà mẹ, người chăm sóc trẻ tham dự. Các hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả rõ rệt khi có khoảng 60% phụ huynh xác nhận muốn tham gia sinh hoạt lâu dài tại các CLB. 
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch hoạt động của Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh trong 2 năm 2020-2021 với tổng kinh phí thực hiện 1.164.780 USD, trong đó, UNICEF tài trợ 997.400 USD, còn lại do ngân sách địa phương đối ứng nhằm hỗ trợ trẻ em ở 9 xã thuộc dự án phát triển toàn diện.
HÀ TÂY 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.